Phát huy hiệu quả học tập, quán triệt kết hợp thảo luận nghị quyết của Đảng

ĐTO - Việc học tập, quán triệt kết hợp thảo luận nghị quyết của Đảng là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong học tập lý luận gắn với thực tiễn.

Đồng chí Lê Thị Kim Loan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu hướng dẫn học tập, thảo luận Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp” (Ảnh: Ngân Nguyễn)

Đồng chí Lê Thị Kim Loan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phát biểu hướng dẫn học tập, thảo luận Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp” (Ảnh: Ngân Nguyễn)

Đổi mới hình thức học nghị quyết

Rút kinh nghiệm trong tổ chức học tập, quán triệt và thực hiện nghị quyết của Đảng thời gian qua, từ năm 2023 đến nay, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đổi mới hình thức tổ chức học tập, quán triệt kết hợp với thảo luận để làm rõ và sâu sắc hơn từng nội dung nghị quyết của Đảng.

Việc đổi mới hình thức tổ chức học tập, quán triệt kết hợp thảo luận nghị quyết của Đảng được Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc trong toàn Đảng bộ tỉnh. Nổi bật là kết quả tổ chức nghiên cứu, học tập, thảo luận Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, với 636 điểm cầu (cuộc), trên 73.800 người dự (trong đó trên 57.300 đảng viên, đạt 97,80%, trừ đảng viên miễn sinh hoạt Đảng) và trên 2.800 lượt ý kiến thảo luận. Việc tổ chức học tập, thảo luận chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp” trên 1.100 điểm cầu (cuộc), gần 83.000 người dự (trong đó gần 59.000 đảng viên, đạt 98,69%) và gần 3.300 lượt ý kiến thảo luận. Việc tổ chức sinh hoạt chính trị, tư tưởng “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” trên 1.700 điểm cầu (cuộc), trên 69.000 người dự (trong đó trên 57.900 đảng viên, đạt 92,2%) và trên 3.400 lượt ý kiến thảo luận...

Chia sẻ về việc kết hợp học tập, quán triệt, thảo luận nghị quyết của Đảng tại địa phương, đồng chí Nguyễn Chánh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cao Lãnh, cho biết: Để thực hiện hiệu quả công tác này, Ban Tuyên giáo Huyện ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy kế hoạch đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ đối với công tác triển khai, học tập, quán triệt nghị quyết. Trong đó, tập trung lãnh đạo công tác giáo dục, quản lý đảng viên học nghị quyết, nâng cao chất lượng cụ thể hóa và ban hành văn bản tổ chức thực hiện; tổ chức cho đảng viên học tập và thảo luận nghị quyết; ban hành Sổ tay điện tử và chủ trương hàng tháng, mỗi chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở tổ chức cho đảng viên thảo luận các chỉ tiêu trong nghị quyết của tỉnh và của huyện trong sinh hoạt chi bộ.

Xác định đây là một tiêu chí đánh giá tư tưởng, chính trị của đảng viên cuối năm, Ban Tuyên giáo Huyện ủy tham mưu Ban Thường vụ Huyện ủy phân công từng đồng chí ủy viên Ban Thường vụ huyện ủy, Huyện ủy viên phụ trách giám sát chi bộ, đảng bộ cơ sở; phân công đồng chí bí thư, phó bí thư chi bộ, đảng bộ cơ sở trực tiếp chủ trì, điều hành thảo luận; gửi trước tài liệu cho đảng viên tự nghiên cứu, đảm bảo tất cả đảng viên phải được tiếp cận tài liệu để học tập và thảo luận; cụ thể hóa nội dung hướng dẫn thảo luận sát tình hình thực tế của địa phương, gắn với giải quyết nhiệm vụ chính trị ở cơ sở. Tùy theo từng nội dung của nghị quyết có phân công trước cho đảng viên nghiên cứu, phát biểu thảo luận sâu... Nhìn chung, việc kết hợp học tập, quán triệt và thảo luận nghị quyết đã góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng học tập, nhận thức, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên trong thực hiện chủ trương, nghị quyết, kịp thời cụ thể hóa nghị quyết sát tình hình thực tế ở địa phương, đơn vị”.

Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Ngân - Bí thư Chi bộ Trường Mầm non Bình Thạnh B (Đảng bộ xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) điều hành thảo luận Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp” (Ảnh: Thành Sơn)

Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Ngân - Bí thư Chi bộ Trường Mầm non Bình Thạnh B (Đảng bộ xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh) điều hành thảo luận Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp” (Ảnh: Thành Sơn)

Hiệu quả bước đầu

Đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Ngân - Bí thư Chi bộ Trường Mầm non Bình Thạnh B (Đảng bộ xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh), chia sẻ: “Khi có chủ trương học tập, quán triệt gắn với thảo luận nghị quyết của Đảng, việc nghiên cứu nghị quyết được nâng lên về chất lượng và tính thiết thực. Điển hình qua học tập Chuyên đề năm 2024 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong phát huy tinh thần tự lực, chăm chỉ, hợp tác của Nhân dân Đồng Tháp”, tôi rất tập trung chú ý lắng nghe và nắm vững nội dung của Chuyên đề; không chủ quan học tập qua loa mà buộc phải nghiên cứu kỹ từng nội dung để chuẩn bị ý kiến gợi ý và phát biểu thảo luận. Khi học tập gắn với thảo luận những nội dung đã học, giúp cho tôi hiểu sâu sắc hơn, nhớ lâu hơn và lãnh đạo Chi bộ xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung triển khai thực hiện chuyên đề năm 2024 tại Chi bộ được cụ thể, phù hợp, hiệu quả... Qua thảo luận, đảng viên không chỉ nâng cao hơn về nhận thức mà đã đăng ký thực hiện nhiều phần việc cụ thể, sát thực tiễn đơn vị, góp phần đưa nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống”.

Đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong triển khai học tập, quán triệt kết hợp thảo luận nghị quyết của Đảng thời gian qua, đồng chí Lê Thị Kim Loan - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, cho biết: “Qua học tập, quán triệt và thảo luận nghị quyết của Đảng, hầu hết cán bộ, đảng viên nắm vững những nội dung trọng tâm, cốt lõi của nghị quyết. Việc học tập, quán triệt kết hợp thảo luận nghị quyết là để phân tích, đánh giá, làm sáng tỏ thêm vấn đề lý luận cũng như thực tiễn đặt ra, từ đó giúp người học nâng cao nhận thức, hiểu và ghi nhớ nội dung sâu sắc hơn, vận dụng vào thực hiện nghị quyết tốt hơn, tạo sự thống nhất nhận thức và hành động, quyết tâm trong toàn Đảng bộ thực hiện tốt nghị quyết của Đảng. Tuy nhiên, việc học tập, quán triệt nghị quyết, của Đảng vẫn còn một số hạn chế: Một số cán bộ, đảng viên học tập chưa nghiêm túc được thể hiện qua việc chưa chịu khó nghiên cứu, học tập, thảo luận, từ đó việc nắm và hiểu nghị quyết chưa sâu, chưa đầy đủ; một số ít cán bộ, đảng viên dự học chưa đầy đủ hoặc còn làm việc riêng... làm ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng”.

Quang cảnh buổi thảo luận sinh hoạt chính trị, tư tưởng “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Chi bộ cơ sở Báo Đồng Tháp (Ảnh: Ngân Nguyễn)

Quang cảnh buổi thảo luận sinh hoạt chính trị, tư tưởng “55 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh” tại Chi bộ cơ sở Báo Đồng Tháp (Ảnh: Ngân Nguyễn)

Tiếp tục nâng cao chất lượng học tập kết hợp thảo luận nghị quyết

Theo đồng chí Lê Thị Kim Loan, để triển khai học tập, quán triệt kết hợp thảo luận nghị quyết của Đảng thời gian tới đạt kết quả tốt nhất, trước nhất, toàn hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở cần quan tâm đổi mới và nâng cao chất lượng học tập theo hướng kết hợp giữa học tập, quán triệt gắn với thảo luận nghị quyết của Đảng. Các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc kiểm tra, giám sát công tác này một cách nghiêm túc; quán triệt cán bộ, đảng viên nhận thức đúng việc học tập, thảo luận nghị quyết là nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, do đó cần phải thực hiện nghiêm túc, tránh tâm lý thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong học tập nghị quyết.

Về cách thức tổ chức thực hiện, cấp ủy chỉ đạo xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt nghị quyết và phân công trách nhiệm tổ chức thực hiện đối với các đơn vị có liên quan; phân công báo cáo viên phải là bí thư cấp ủy hoặc trong thường trực cấp ủy để triển khai nội dung nghị quyết gắn với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.

Việc tổ chức hội nghị học tập, quán triệt, thảo luận nghị quyết phải do thường trực cấp ủy chủ trì, điều hành thảo luận và cử cán bộ làm thư ký ghi chép đầy đủ ý kiến thảo luận. Người điều hành thảo luận phải gợi mở, lắng nghe và điều chỉnh đúng hướng, đạt mục đích yêu cầu đặt ra; phát huy tinh thần dân chủ, cởi mở, tạo điều kiện cho nhiều người tham gia phát biểu ý kiến. Kết thúc thảo luận, người chủ trì cần đánh giá chung, xác định những vấn đề trọng tâm cần lưu ý.

Để việc học tập kết hợp thảo luận nghị quyết của Đảng đạt kết quả tốt nhất, cấp ủy phải cung cấp đầy đủ tài liệu cho cán bộ, đảng viên nghiên cứu, học tập, thảo luận. Quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống trực tuyến; phân công cán bộ phụ trách kỹ thuật, cán bộ xây dựng nội dung trình chiếu PowerPoint để tạo sự thu hút, từ đó người học sẽ ghi nhớ lâu hơn nội dung nghị quyết.

Theo đánh giá của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, việc kết hợp học tập, quán triệt, thảo luận nghị quyết của Đảng cho thấy, đa số đại biểu đồng thuận và đánh giá cao, giúp người học nắm vững hơn nội dung cốt lõi của nghị quyết. Tinh thần, thái độ học tập, quán triệt và thảo luận nghị quyết của cán bộ, đảng viên diễn ra nghiêm túc. Các cấp ủy chủ trì thảo luận bám sát nội dung gợi ý do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy biên soạn, đảm bảo yêu cầu đề ra. Đa số ý kiến phát biểu thảo luận đều liên hệ thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp thực hiện sát tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị. Qua thảo luận, giúp cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy có thêm cơ sở để xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết sát thực tiễn địa phương, đơn vị.

Minh Phú

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/chinh-tri/phat-huy-hieu-qua-hoc-tap-quan-triet-ket-hop-thao-luan-nghi-quyet-cua-dang-124411.aspx