Phát huy hiệu quả mô hình cơ quan công an 3 cấp-Bài 2: Sắp xếp cán bộ theo hướng tinh gọn, toàn diện

Ngày 1-4-2025, làm việc với Công an tỉnh Phú Yên, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương yêu cầu cơ quan công an các xã, phường tập trung giải quyết mọi vấn đề cho công dân từ cơ sở một cách kịp thời, hiệu quả. Công an cơ sở không chỉ nắm chắc địa bàn mà còn phải quản lý chặt các đối tượng có nguy cơ phạm tội để phòng ngừa từ sớm, từ xa. Đặc biệt, địa bàn tỉnh Phú Yên tương đối rộng, có cả vùng miền núi và miền biển nên lực lượng công an cấp xã, phường tinh gọn nhưng càng phải mạnh và hiệu quả.

Công an xã, phường phải làm được nhiều việc

Không riêng Phú Yên, tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, việc bố trí, sắp xếp cán bộ tại cơ quan công an cấp cơ sở đang được cấp ủy, chỉ huy công an các cấp quan tâm, chú trọng. Đến nay, 100% cơ quan công an cấp xã, phường, thị trấn đều được bố trí điều tra viên nhằm tăng cường công tác điều tra cơ bản, xử lý các vụ án từ khi phát sinh. Ngoài ra, một số xã, phường, thị trấn còn bố trí riêng tổ công tác chuyên trách làm nhiệm vụ cấp căn cước công dân, cấp đăng ký xe.

Tại Thanh Hóa, Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) tham mưu với Đảng ủy, Ban giám đốc Công an tỉnh tổ chức 9 điểm cấp, đổi giấy phép lái xe nhằm giảm tải cho tổ công tác tiếp nhận hồ sơ, làm thủ tục tại Trung tâm Dịch vụ hành chính công. Đặc biệt, đối với người dân vùng núi, vùng sâu, vùng xa, việc làm thủ tục tại địa phương tiết kiệm được rất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Thiếu tá Lê Trần Kiên, Đội trưởng Đội Sát hạch cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, Phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Từ ngày 1-3 đến nay, đơn vị tiếp nhận hàng nghìn bộ hồ sơ đề nghị cấp, đổi giấy phép lái xe. Chỉ với lực lượng của đội thì không thể giải quyết hết các trường hợp cận ngày hết hiệu lực của giấy phép”.

 Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa làm việc cả ngày nghỉ để cấp, đổi giấy phép lái xe cho nhân dân.

Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thanh Hóa làm việc cả ngày nghỉ để cấp, đổi giấy phép lái xe cho nhân dân.

Thượng tá Lê Quang Hiền, Phó trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đơn vị đang triển khai các điểm cấp, đổi giấy phép lái xe tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, chúng tôi còn tổ chức làm tăng ca, làm thêm ngày thứ bảy để hỗ trợ các trường hợp giấy phép sắp đến ngày hết hiệu lực”.

Với lực lượng mỏng, phải đảm nhiệm các nhiệm vụ mới như: Sát hạch, cấp, đổi giấy phép lái xe, cấp phiếu lý lịch tư pháp, bảo đảm an ninh hàng không, quản lý học viên cai nghiện.... công an các đơn vị, địa phương đang gấp rút triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Nhưng quan trọng hơn, công tác tổ chức, lựa chọn cán bộ giỏi chuyên môn, thích ứng nhanh với nhiệm vụ mới là yêu cầu cấp bách. Thiếu tá Lê Trần Kiên cho biết: “Đơn vị vừa tổ chức cho đội ngũ làm nhiệm vụ sát hạch lái xe tham gia tập huấn và nhận chứng chỉ Sát hạch viên. Đây là điều kiện cần để lực lượng CSGT tham gia vào công tác khảo thí, củng cố kiến thức pháp luật, thực hiện tốt nhiệm vụ sát hạch lái xe”.

Đối với lực lượng cảnh sát quản lý xuất nhập cảnh, việc tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh hàng không; cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không tại cảng hàng không, sân bay và cơ sở xử lý hàng hóa, bưu gửi để đưa lên tàu bay hết sức nặng nề. Các tổ, đội phải thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm. Vừa làm vừa trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phương pháp tuần tra, kiểm soát, bảo đảm an ninh kho vận, kỹ thuật soi chiếu...

Tự học để tuyên truyền pháp luật

Sau khi dừng hoạt động cơ quan công an cấp huyện, nhiều cán bộ, chiến sĩ được điều động về xã, phường, thị trấn. Đối với các phường, thị trấn ở thành thị thì việc tiếp cận, bắt nhịp với công việc có nhiều thuận lợi. Nhưng tại các địa bàn vùng cao, xã biên giới, việc tiếp cận với người dân, hòa nhập phong tục tập quán là không hề dễ đối với những cán bộ không phải người địa phương.

Công an xã Lũng Cao (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) tuần tra địa bàn.

Công an xã Lũng Cao (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) tuần tra địa bàn.

Chủ trì cơ quan công an xã vùng cao Lũng Cao (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) với 80% dân số là đồng bào dân tộc Thái, Thiếu tá Trương Văn Chương phải đi học tiếng dân tộc để giao tiếp với bà con. Bên cạnh đó, anh thường xuyên trao đổi với cán bộ cấp dưới là người địa phương, tìm hiểu các phong tục của người dân vùng cao huyện Bá Thước. Từ đó, tìm cách hòa nhập, cùng ăn, cùng ở để bám nắm địa bàn, phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con.

Ông Lương Văn Thuân, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao chia sẻ: “Công an xã Lũng Cao luôn bám sát địa bàn, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật ngay từ cơ sở. Đặc biệt, các anh rất gần dân, từ đó tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật đến từng thôn, bản; từng bước xóa bỏ các hủ tục, nhất là tình trạng lạm dụng bia, rượu tại các lễ hội, sự kiện; góp phần làm chuyển hóa địa bàn, giúp địa phương phát triển kinh tế”.

Bài và ảnh: TUẤN NAM

* Mời bạn vào chuyên mục Pháp luật xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phap-luat/an-ninh-trat-tu/phat-huy-hieu-qua-mo-hinh-co-quan-cong-an-3-cap-bai-2-sap-xep-can-bo-theo-huong-tinh-gon-toan-dien-823805