Phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi

Thời gian qua, để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, ngành Ngân hàng đã vào cuộc tích cực cùng với hàng loạt chính sách về cơ cấu nợ, giãn nợ... Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phục hồi khi dịch bệnh đã được đẩy lùi, vừa qua, ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh lãi suất điều hành lần thứ hai, các ngân hàng đã có động thái tích cực là giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Thực tế cho thấy, tác động của dịch Covid-19 đối với nền kinh tế nói chung và các doanh nghiệp nói riêng khá nặng nề. Bởi vậy, việc hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi từ các ngân hàng thương mại, giúp cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại trạng thái bình thường mới.

Mặt khác, việc hạ lãi suất cũng giúp thanh khoản thị trường tiền tệ được dự báo tiếp tục duy trì ở trạng thái dồi dào, mặt bằng lãi suất ổn định. Trong bối cảnh giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều nút thắt, chính sách tiền tệ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kịp thời nền kinh tế. Đặc biệt, động thái trên cho thấy, ngành Ngân hàng đã thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Hội nghị đối thoại Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp về việc hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ngày 9-5 vừa qua.

Vấn đề quan trọng hiện nay đối với các tổ chức tín dụng là phải bảo đảm nguồn vốn ưu đãi lưu thông dễ dàng, hiệu quả. Trong đó, yêu cầu đặt ra là các ngân hàng cần đẩy mạnh rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính... để tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn. Các ngân hàng cũng cần phối hợp với các địa phương để triển khai mạnh mẽ hơn chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng. Việc tương tác để "hiểu nhau" trong mối quan hệ này cũng như sự sát sao trong khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng sẽ quyết định đến kết quả vay/cho vay vốn.

Nhìn vào mặt bằng giảm lãi suất cho vay lần này có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước mới chỉ giảm trần lãi suất huy động ở kỳ hạn ngắn từ qua đêm đến dưới 6 tháng. Trong khi đó, các doanh nghiệp hiện nay chủ yếu vay vốn trung và dài hạn. Do đó, để có thể hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau dịch Covid-19, thời gian tới, việc giảm thêm lãi suất cho vay nguồn vốn trung và dài hạn cũng là điều các ngân hàng nên tính toán, cân nhắc, vì suy cho cùng “sức khỏe” của các khách hàng cũng là “sức khỏe” của chính các ngân hàng.

Về phía các doanh nghiệp, bên cạnh sự chủ động tìm đến nguồn vốn vay ưu đãi cũng cần tích cực phối hợp để đáp ứng nhanh chóng các quy định cho vay hiện hành của ngân hàng. Ví như, xây dựng những kế hoạch, phương án kinh doanh khác nhau, phù hợp với các mức lãi suất để dễ tiếp cận nguồn vốn vay. Và quan trọng hơn cả, đó là các doanh nghiệp phải tranh thủ, phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; tận dụng nguồn vốn vay này để đổi mới công nghệ, ứng dụng công nghệ thông tin…. Từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, trả nợ ngân hàng đúng hạn để có thể tiếp tục được vay thêm.

Với sự tập trung quyết liệt, cả về nghiệp vụ tín dụng và trách nhiệm xã hội của các tổ chức tín dụng cũng như nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, tin rằng, nguồn vốn ưu đãi sẽ được sử dụng hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế tăng trưởng mạnh trở lại.

Duy Biên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/967846/phat-huy-hieu-qua-nguon-von-uu-dai