Phát huy hiệu quả nguồn vốn vay giúp hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh
Những năm qua, các cấp Hội nông dân (HND) trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) và các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn có nhiều việc làm thiết thực giúp hội viên sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Những năm qua, các cấp Hội nông dân (HND) trong tỉnh đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên vay vốn ưu đãi từ Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) và các tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, các cấp Hội còn có nhiều việc làm thiết thực giúp hội viên sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay, mang lại thu nhập và hiệu quả kinh tế cao.
Hàng năm, các cấp Hội triển khai vận động cán bộ, hội viên đóng góp, ủng hộ xây dựng Quỹ HTND theo chỉ tiêu giao. Đến nay, có 6 huyện có nguồn Quỹ HTND (gồm cả cấp huyện và xã vận động) đạt mức trên 1 tỷ đồng, 1 huyện đạt mức 500 triệu đến 1 tỷ đồng, 3 huyện đạt mức dưới 500 triệu đồng. Một số huyện thực hiện tốt công tác vận động xây dựng và tăng trưởng nguồn vốn Quỹ HTND cao như Xuân Trường, Hải Hậu, Giao Thủy, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản. Trong 10 năm qua, nguồn vốn Quỹ HTND các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ 5.573 lượt hộ vay với tổng số vốn 112 tỷ 490 triệu đồng thông qua hơn 1.442 dự án. Hiện tại, nguồn vốn ủy thác Quỹ HTND Trung ương đang cho vay theo 28 dự án với số tiền 14 tỷ 900 triệu đồng cho 324 hộ vay. Trong đó, phát triển chăn nuôi 5 dự án cho 62 hộ vay; nuôi trồng thủy sản 17 dự án cho 199 hộ vay; chuyển đổi cơ cấu cây trồng 4 dự án cho 41 hộ vay; phát triển ngành nghề truyền thống 2 dự án cho 22 hộ vay. Nguồn vốn của Quỹ HTND tỉnh đến nay tăng lên 1,9 tỷ đồng, đã cho vay mới và quay vòng với 45 dự án; các hộ vay đều sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động có thu nhập ổn định, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế tại địa phương. Đối với nguồn vốn Quỹ HTND của huyện và xã, 10 năm qua đã tổ chức thực hiện cho vay, quay vòng với tổng số tiền 40 tỷ 530 triệu đồng cho 3.218 lượt hộ vay. Hiện nay, Quỹ HTND cấp huyện và xã đạt trên 8 tỷ 865 triệu đồng, đang cho 689 hộ vay 8 tỷ 660 triệu đồng. Các hộ vay vốn đều là hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, các mô hình tại cơ sở, chi, tổ Hội vay vốn xây dựng mô hình của Hội ở địa phương. Nhiều mô hình vay, sử dụng vốn hiệu quả cao như: Tổ hợp tác nuôi cá lóc bông tại xã Nghĩa Lợi, tổ hợp tác nuôi cá bống bớp tại thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng); tổ hợp tác nuôi cá trắm đen tại xã Mỹ Hà (Mỹ Lộc); phát triển nghề mộc tại các xã Xuân Phương (Xuân Trường), Yên Ninh (Ý Yên); tổ hợp tác trồng cây cảnh tại xã Điền Xá (Nam Trực); tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản tại xã Bạch Long (Giao Thủy)… Qua đó đã giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động, tăng thu nhập, cải thiện đời sống hội viên, nông dân, góp phần tích cực phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn, xây dựng nông thôn mới.
Cùng với Quỹ HTND, các cấp HND trong tỉnh còn tín chấp từ Ngân hàng NN và PTNT (Agribank) với tổng dư nợ trên 10.525 tỷ đồng cho 59.643 hộ vay; nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 1.235 tỷ đồng cho 39.293 hộ vay. Trong đó, thực hiện thỏa thuận liên ngành giữa Agribank Chi nhánh tỉnh Nam Định và HND tỉnh về việc triển khai thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ, đến nay, đã có 7/9 HND huyện ký thỏa thuận liên ngành với Agribank chi nhánh huyện. Bình quân dư nợ cho vay 1 thành viên trong tổ vay vốn đạt trên 235 triệu đồng. Từ các nguồn vốn vay, hội viên nông dân trong tỉnh đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm giàu; tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu mùa vụ; khai thác tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động của từng địa phương, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất. Nhiều mô hình có quy mô sản xuất lớn thu hút hàng trăm lao động, cho thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm. Nhiều hộ đã sử dụng nguồn vốn đúng mục đích và phát triển sản xuất có hiệu quả. Điển hình là ông Đỗ Khánh Cung ở tổ 8, thị trấn Lâm (Ý Yên) vay 4,5 tỷ đồng để kinh doanh lương thực, xay xát gạo. Ông Đỗ Văn Thư, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) vay 2 tỷ đồng để chăn nuôi vịt, cá. Ông Dương Mạnh Hà, xã Tam Thanh (Vụ Bản) vay 1,4 tỷ đồng để chăn nuôi gà trắng… Nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay, các cấp HND trong tỉnh thường xuyên phối hợp với các ngành, doanh nghiệp, nhà khoa học đẩy mạnh công tác tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho hội viên; chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm; hỗ trợ nông dân phát triển các mô hình kinh tế tập thể; thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất đơn lẻ, quảng canh sang thâm canh, sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. 5 năm qua, Hội đã trực tiếp tổ chức 89 lớp đào tạo nghề cho gần 3.000 lao động nông thôn. Hàng năm, các cấp Hội phối hợp và trực tiếp tổ chức hàng trăm buổi tập huấn khoa học kỹ thuật và công nghệ mới cho hội viên. Ngoài ra, các cấp HND trong tỉnh còn phối hợp với Trung tâm xúc tiến thương mại (Bộ NN và PTNT) tổ chức 3 chương trình “Nhịp cầu nhà nông”, tạo điều kiện cho gần 1.000 hội viên nông dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia, giáo sư đầu ngành về các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản; phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm, tiêu thụ nông sản cho hội viên.
Thời gian tới, các cấp HND trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay, trong đó ưu tiên phát triển tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đầu tư cho vay đối với các mô hình kinh tế tập thể hiệu quả. Củng cố và phát triển vốn vay thông qua các tổ vay vốn và tiết kiệm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn tại các địa phương./.
Bài và ảnh: Lam Hồng