Phát huy lợi ích bảo hiểm y tế đối với người nhiễm HIVTin khácChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19THÔNG BÁO NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ BẢY (KỲ HỌP THƯỜNG LỆ CUỐI NĂM 2021) HĐND TỈNH KHÓA XVII NHIỆM KỲ 2021 – 2026
Từ tháng 5/2019, sau khi các nguồn viện trợ cho công tác phòng, chống HIV/AIDS kết thúc thì bảo hiểm y tế (BHYT) và một phần kinh phí hỗ trợ của tỉnh đã trở thành nguồn chi trả chính điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Trong hơn 2 năm qua, các ngành chức năng đã tập trung tuyên truyền, tư vấn cho người nhiễm HIV và gia đình của họ về chính sách này. Qua tuyên truyền, truyền thông, đến nay, khoảng 98% người nhiễm HIV đã tham gia BHYT để được hỗ trợ chi trả chi phí điều trị thuốc ARV.
Thực hiện Thông tư số 27/2018/TT-BYT ngày 26/10/2018 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện khám, chữa bệnh (KCB) BHYT liên quan đến HIV/AIDS và các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam, BHXH Lạng Sơn đã phối hợp với Sở Y tế hướng dẫn 6 cơ sở KCB đủ điều kiện được KCB cho người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Việc quỹ BHYT chi trả cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS rất có ý nghĩa, vì những người nhiễm HIV/AIDS hầu hết khó khăn về kinh tế, ước tính chi phí bình quân cho 1 bệnh nhân hàng tháng điều trị hết khoảng 250.000 đồng (gồm tất cả các chi phí).
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, hiện nay, số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 938 người, trong đó, 760 người đang điều trị thuốc ức chế vi rút (ARV). Trong số người nhiễm HIV đang điều trị có 743 người điều trị tại tỉnh, 17 người điều trị ngoại tỉnh. Trong số những người đang điều trị ARV tại tỉnh có 720/743 người có thẻ BHYT còn hiệu lực, 10 người có thẻ nhưng vừa hết hạn, 8 người nhiễm HIV là phạm nhân đang chấp hành án tù, 5 người nhiễm HIV chưa mua thẻ BHYT (chủ yếu tại thành phố Lạng Sơn).
Bác sĩ Hoàng Thị Đặng, Trưởng Khoa Phòng, chống HIV/AIDS, CDC Lạng Sơn cho biết: Qua nắm bắt của cán bộ y tế, 5 người bị nhiễm HIV chưa mua thẻ BHYT đều có hoàn cảnh khó khăn nên dù đã được tuyên truyền, vận động nhiều nhưng họ cũng chưa có điều kiện để tham gia do không đủ sức khỏe lao động, không có thu nhập. Hiện nay, 5 trường hợp chưa có thẻ BHYT đang được điều trị từ nguồn thuốc do trung ương cấp cho tỉnh để dự phòng cho những trường hợp khẩn cấp. Vì vậy, hiện nay, 5 trường hợp này vẫn được điều trị thuốc ARV liên tục, không bị gián đoạn. Thế nhưng, về lâu dài thì vẫn cần có giải pháp hỗ trợ từ gia đình, xã hội giúp họ tham gia BHYT để đảm bảo việc điều trị.
Anh V.G.S (khối 9, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc) đã điều trị thuốc ARV qua chế độ thẻ BHYT được 2 năm nay và thẻ vừa hết hạn được gần 3 tháng. Do ảnh hưởng của dịch nên công việc của anh cũng thất thường, thu nhập không ổn định nên chưa mua tiếp BHYT. Anh S chia sẻ: Qua tư vấn của cán bộ y tế về việc điều trị liên tục và những quyền lợi của thẻ BHYT mang lại nên tôi đã nắm bắt, hiểu rõ và sẽ cố gắng tiếp tục mua BHYT năm 2022 để đảm bảo quyền lợi khám, điều trị, ổn định sức khỏe.
Ông Nông Văn Hoan, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời, nếu không tham gia BHYT, người nhiễm HIV sẽ phải chi trả khoản kinh phí lớn hằng năm. Trung bình 1 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nếu không có quỹ BHYT thì phải chi trả trên 2 triệu đồng/năm, chưa kể chi phí điều trị các bệnh khác (nếu có). Theo số liệu của BHXH tỉnh, trong hơn 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh đã chi trả cho khoảng 17.900 lượt người nhiễm HIV/AIDS đi KCB với tổng số tiền mà BHXH thanh toán là 4,6 tỷ đồng (trong đó, riêng tiền thuốc là 3,1 tỷ đồng).
Để sớm đạt tỷ lệ 100% người nhiễm HIV tham gia BHYT, ngành BHXH sẽ tiếp tục phối hợp với ngành y tế tuyên truyền, vận động người nhiễm HIV tham gia BHYT theo hình thức BHYT hộ gia đình. Trường hợp gia đình quá khó khăn nếu thuộc diện hộ gia đình nghèo thì ngành BHXH sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và ngành LĐTB&XH lập thủ tục tham gia BHYT hoặc huy động từ các nguồn hỗ trợ khác nhằm đảm bảo quyền lợi KCB BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, giúp họ giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.