Phát huy lợi thế, nâng tầm dịch vụ logistics - Kỳ 2

Kỳ 2: Tạo lập không gian phát triển mới

Bình Dương xác định rõ, chỉ có đi chung, cùng nhau, mới có thể khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh của từng địa phương. Nhất là trong việc tạo không gian phát triển mới, có tính gắn kết, liền mạch hơn, góp phần tích cực vào quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, trong đó có lĩnh vực logictisc.

Trang bị máy soi chiếu tại TBS logistics giúp giảm thiểu chi phí hàng hóa, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ

Trang bị máy soi chiếu tại TBS logistics giúp giảm thiểu chi phí hàng hóa, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng dịch vụ

Đề xuất tuyến Vành đai 5

Để chuẩn bị cho hành trình mới, Bình Dương đã và đang bổ sung kịp thời chính sách phát triển các ngành dịch vụ, cơ sở hạ tầng như giao thông, thương mại, công nghệ thông tin, tài chính, đặc biệt là đối với ngành logistics, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, hướng tới hội nhập quốc tế. Theo ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, qua quá trình phát triển, Bình Dương bước đầu đã tích lũy được một nền tảng hạ tầng kỹ thuật giao thông, đô thị tương đối đồng bộ. Điều đặc biệt, những tuyến đường được hoàn thành thông qua quá trình huy động nguồn lực của các doanh nghiệp đầu tàu của tỉnh, góp phần rất hiệu quả trong chia sẻ gánh nặng về ngân sách.

“Về nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện kết cấu hạ tầng, đô thị, Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị đã xác định cần thiết phải hình thành vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc hành lang Vành đai 3, Vành đai 4 và các tuyến cao tốc của vùng. Trong quá trình xây dựng quy hoạch tích hợp, hiện nay chúng tôi đã quy hoạch các khu vực phát triển đô thị, phát triển công nghiệp dọc các tuyến vành đai - cao tốc. Điều đó sẽ tạo ra một không gian phát triển mới với nhiều dư địa để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, di dời các doanh nghiệp trong đô thị không còn phù hợp quy hoạch, đồng thời tạo nguồn thu lớn từ quỹ đất để tái đầu tư phát triển”, ông Võ Văn Minh cho biết.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam: Phát triển logistics bền vững sẽ quyết định thành công chiến lược của Bình Dương khi muốn trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và đô thị thông minh năm 2045, tạo ra cơ hội thu hút đầu tư rất lớn. Các nhà đầu tư sẽ ưu tiên những quốc gia có điều kiện phát triển tốt, không chỉ về cơ sở hạ tầng mà còn là mức độ của hoạt động logistics.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, Bình Dương đã có chủ trương và quyết tâm thực hiện công tác giải tỏa theo quy mô quy hoạch các đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đi qua địa bàn trong giai đoạn 2023-2025 và các tuyến đường huyết mạch nối các tỉnh Tây Ninh, Đồng Nai, Bình Phước. Chủ tịch UBND tỉnh cho biết hiện theo nghiên cứu, đề xuất của đơn vị tư vấn lập quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vùng TP.Hồ Chí Minh cần thêm một đường Vành đai 5 để đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tiếp theo.

Cùng với đó Bình Dương cũng đã và đang nỗ lực kéo giãn hành lang vận tải lên phía bắc, theo đường Vành đai 4, vòng qua Tân Uyên, Biên Hòa, rồi đấu nối vào cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, bù lấp đoạn khuyết lâu nay từ Tân Uyên đến Biên Hòa. Luồng vận tải công nghiệp sẽ theo các cao tốc, quốc lộ, đại lộ, rẽ vào Vành đai 4 để cung cấp tài nguyên cho trục kinh tế Đông Nam bộ, thay thế các luồng vận tải trước nay đi theo Vành đai 2 và Vành đai 3.

Việc kéo giãn này đồng nghĩa với việc dịch chuyển trọng tâm đô thị tỉnh lên phía bắc (thành phố mới Bình Dương), dịch chuyển luồng vận tải công nghiệp lên Vành đai 4 và Vành đai 5, dịch chuyển không gian công nghiệp, logistics chính của tỉnh lên phía đông bắc (Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên). Từ đó, các luồng vận tải hướng tâm vào TP.Hồ Chí Minh đa số sẽ dành cho người và thương mại, đó là tiền đề để Thuận An, Dĩ An có được khoảng không để chuyển dịch cơ cấu theo hướng đô thị thương mại, dịch vụ, tài chính, tri thức, góp phần hình thành “tiểu vùng phát triển” theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định.

Cần cơ chế mới

Bình Dương mong muốn Trung ương sớm ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ của vùng để sớm hoàn thiện các kết nối đa phương thức, gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt để vận tải hàng hóa, hành khách. Đặc biệt ưu tiên các kết nối mới bằng đường sắt đô thị với các tuyến từ Bình Dương vào TP.Hồ Chí Minh theo hướng nối dài mạng lưới đường sắt trung tâm ra vùng. Thông qua đó mở rộng phát triển về nguồn nhân lực, dịch vụ thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, hướng tới phát triển Bình Dương trở thành một vệ tinh đi đầu trong đổi mới sáng tạo của vùng Đông Nam bộ và quốc gia.

PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, lưu ý việc xây dựng chiến lược và quy hoạch phát triển logistics cho Bình Dương phải gắn liền với quy hoạch vùng kinh tế và quốc gia, tránh trường hợp quy hoạch rời rạc thiếu tính liên kết. Ngoài ra, với nhu cầu dịch vụ logistics ngày càng tăng cao theo quy mô phát triển các khu công nghiệp trong tỉnh và vùng kinh tế lân cận, chuyên gia này cho rằng Bình Dương cần đầu tư, cải tạo, mở rộng hạ tầng logistics như bến cảng, đường, kho bãi, nhà ga... nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển trong tương lai.

Theo PGS.TS Hồ Thị Thu Hòa, để phát triển bền vững hệ thống logistics hướng đến hội nhập quốc tế, tỉnh cần xác định tư duy logistics trong khâu hoạch định các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hội nhập. Trong đó, logistics cần được hiểu rộng và đầy đủ hơn thay vì chỉ là vận tải hay dịch vụ giao nhận đơn thuần. Bên cạnh đó, ngành logistics cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển. (Còn tiếp)

TIỂU MY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-huy-loi-the-nang-tam-dich-vu-logistics-ky-2-a296493.html