Phát huy lợi thế thị trường trong nước

Theo Tổng Cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 ước đạt 524,6 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước và tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước.Tính chung 9 tháng của năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùngước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 16% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 47,7%.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Những dữ liệu tích cực trên cho thấy, thị trường trong nước là yếu tố đặc biệt quan trọng thúc đẩy ba trụ cột tăng trưởng gồm tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu. Với quy mô dân số trên 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ, tốc độ đô thị hóa nhanh, tầng lớp trung lưu tăng nhanh, thu nhập bình quân đầu người hiện ước đạt 4.200 USD và tỷ lệ tiêu dùng so với GDP cao so với các nước trong khu vực..., thị trường nước ta còn nhiều tiềm năng, lợi thế có thể khai thác.

Thế nhưng, tại không ít thời điểm, nhiều doanh nghiệp quá chú trọng đến xuất khẩu mà chưa thực sự quan tâm đúng mức, thậm chí còn để bỏ ngỏ thị trường trong nước đầy tiểm năng.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, trước tình hình hoạt động kinh doanh trong khu vực sản xuất bị thu hẹp, sức mua giảm sút, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tục dưới mức trung tính 50 từ tháng 3/2023... đang đặt áp lực đến mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 6,5% lên quý IV, trong khi vẫn còn thách thức rất lớn trong năm 2024.

Mặc dù, Ngân hàng Nhà nước thời gian qua đã liên tiếp điều chỉnh giảm 4 lần lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, để giải pháp này thực sự phát huy hiệu quả trên thực tế, cần mạnh dạn nới lỏng điều kiện, thủ tục để các chủ thể tự tin tăng cường giải ngân các gói hỗ trợ, doanh nghiệp cũng dễ dàng tiếp cận các gói vay ưu đãi, tránh tình trạng “đói vốn nhưng vẫn ế vốn”.

Trong khi nguồn tiền, nguồn vốn bị nghẽn lại do hàng tồn kho tăng mạnh; các gói hỗ trợ của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giải ngân chậm, nhiều chuyên gia đề xuất cần quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả chính sách tài khóa và tiền tệ theo hướng nới lỏng, đẩy mạnh cung tiền và vòng quay tiền, đẩy dòng vốn chảy vào tiêu dùng và sản xuất, tăng sức mua của thị trường nội địa.

Để khai thác hết tiềm năng của thị trường tiêu dùng trong nước, các doanh nghiệp phải luôn nhận thức thị trường trong nước là “bệ đỡ” trong mọi tình huống để đầu tư thỏa đáng cơ sở vật chất cho hệ thống phân phối, bán lẻ, đồng thời nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm phù hợp với nhu cầu, thị hiếu và bảo vệ lợi ích người tiêu dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chú trọng thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng.

Trong lúc xuất khẩu hàng hóa - một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của Việt Nam đang gặp khó khăn do lạm phát cao, sức mua giảm, nhiều ngành hàng chủ lực sụt giảm đơn hàng, thì tiêu dùng tại thị trường trong nước sẽ là yếu tố đặc biệt quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Đồng thời dẫn dắt sản xuất trong nước và phát huy năng lực, sức mạnh nội sinh, bảo đảm nền kinh tế có nền tảng phát triển vững chắc.

Thiết nghĩ, để triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các cơ quan chức năng cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phát triển thị trường trong nước bảo đảm phù hợp thực tiễn, phục vụ hiệu quả cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã, cơ sở sản xuất của các làng nghề, các hộ nông dân... thực hiện xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ trong nước.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/phat-huy-loi-the-thi-truong-trong-nuoc-post468370.html