Phát huy lợi thế, xây dựng các sản phẩm thế mạnh

Là địa phương còn nhiều khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ, lại có vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của thành phố, huyện Ba Vì cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

 Mô hình chăn nuôi đà điểu tại xã Văn Hòa (Ba Vì).Ảnh: PHẠM HÙNG

Mô hình chăn nuôi đà điểu tại xã Văn Hòa (Ba Vì).Ảnh: PHẠM HÙNG

Là địa phương còn nhiều khó khăn, hạ tầng chưa đồng bộ, lại có vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, huyện Ba Vì (Hà Nội) đã nỗ lực phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của thành phố, huyện Ba Vì cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.

Từ đầu năm đến nay, mặc dù chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19, nhưng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện Ba Vì vẫn ổn định, đạt hơn 6.030 tỷ đồng, bằng 52% kế hoạch năm và 122% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng diện tích gieo trồng đạt gần 10.300 ha, trong đó các loại cây màu như ngô, lạc, đậu, rau đều đạt năng suất, sản lượng khá. Diện tích 1.800 ha trồng chè đạt năng suất 12 tấn/ha, tổng sản lượng khoảng 2.160 tấn. Tổng đàn gia súc, gia cầm hơn 36 nghìn con, đàn lợn khoảng 180 nghìn con, đàn gia cầm khoảng 4,5 triệu con, giảm từ 6 đến 10% so với cuối năm 2019, nhưng bù lại, tổng đàn bò sữa tăng. Diện tích ao hồ nuôi trồng thủy sản và các lồng bè nuôi cá trên sông phát triển, ước đạt 4 nghìn tấn thủy sản các loại.

Cùng với phát triển sản xuất, thời gian qua, huyện Ba Vì phát huy lợi thế địa hình đồi núi, đất đai rộng rãi, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), từng bước xây dựng các thương hiệu sản phẩm, nâng cao giá trị kinh tế, thu nhập cho nông dân. Các sản phẩm đa dạng được phân bổ đồng đều trên địa bàn như gà đồi, sữa, chè, khoai lang, miến dong, mật ong..., được người tiêu dùng Thủ đô đón nhận. Huyện thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã tổ chức hơn 210 lớp đào tạo nghề, với hơn 7.450 học viên, trong đó có gần 930 người thuộc diện nghèo, hơn 810 người thuộc diện cận nghèo và hơn 1.810 người dân tộc thiểu số… tham gia. Các nghề được lao động lựa chọn nhiều, đem lại hiệu quả cao và giải quyết việc làm tốt gồm: trồng cây ăn quả, chăn nuôi, thú y, may công nghiệp. Sau đào tạo nghề, phần lớn người lao động đều có việc làm, thu nhập nâng cao.

Đại diện Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân huyện Ba Vì cho biết, đến nay huyện đã có 18 trong tổng số 30 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Trong tổng số 12 xã còn lại, có năm xã gồm: Tiên Phong, Phú Đông, Đồng Thái, Tản Lĩnh và Vạn Thắng phấn đấu hoàn thành nông thôn mới trong năm nay. Đối với huyện nông thôn mới, đến nay Ba Vì mới đạt sáu tiêu chí, ba tiêu chí chưa đạt gồm sản xuất, môi trường và y tế, văn hóa, giáo dục. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết, khó khăn lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách, chưa huy động và thu hút được các nguồn lực xã hội hóa. 18 xã được công nhận nông thôn mới chưa có xã nào đặt mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Việc triển khai các dự án tại năm xã đặt mục tiêu về đích nông thôn mới năm nay còn chậm. Bảy xã còn lại nhiều tiêu chí chưa hoàn thành, trong đó phần lớn các tiêu chí đòi hỏi nguồn kinh phí lớn như xây dựng trường học, cải tạo môi trường.

Mới đây, tại buổi kiểm tra của Ban Chỉ đạo Chương trình số 02 Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đã ghi nhận nỗ lực của huyện Ba Vì trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn, nâng cao đời sống nông dân. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của thành phố thì huyện Ba Vì cần phải cố gắng nhiều hơn nữa. Đồng chí đề nghị huyện Ba Vì cần tập trung rà soát quy hoạch, trên cơ sở đó hình thành các vùng sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi tập trung quy mô lớn gắn với phát triển du lịch. Tăng cường công tác quản lý sau quy hoạch, nhất là quản lý đất đai, quản lý rừng. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, giá trị kinh tế cao, như cây công nghiệp, cây ăn quả. Đẩy mạnh phát triển sản xuất, chú trọng chăn nuôi bò thịt, bò sữa, đà điểu, gà đồi... để tận dụng tiềm năng, lợi thế của huyện, xây dựng các thương hiệu sản phẩm thế mạnh. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân; quan tâm vấn đề môi trường, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sạch, đẹp.

Đối với xây dựng nông thôn mới, huyện cần duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 18 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; tập trung đầu tư để năm xã hoàn thành nông thôn mới trong năm nay. Đặc biệt, Ba Vì cần phát huy thế mạnh, phát triển đa dạng sản phẩm OCOP, phấn đấu có từ 25 đến 30 sản phẩm OCOP được công nhận trong năm nay để gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập nông dân.

Ngọc Thanh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/44902102-phat-huy-loi-the-xay-dung-cac-san-pham-the-manh.html