Phát huy lợi thế xây dựng Thanh Thủy thành huyện trọng điểm về du lịch
PTĐT - Cùng với sự tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng huyện Thanh Thủy phát triển toàn diện; Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Thủy...
PTĐT - Cùng với sự tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế- xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng huyện Thanh Thủy phát triển toàn diện; Đại hội Đảng bộ huyện Thanh Thủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra 3 khâu đột phá: Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng then chốt; phát triển dịch vụ, du lịch; nâng cao chất lượng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Qua 5 năm thực hiện, đến nay Thanh Thủy đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận...
Đảng bộ, chính quyền huyện đã tập trung ưu tiên đầu tư phát triển về hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất, kinh doanh nói chung, nhất là trong lĩnh vực du lịch dịch vụ với nhiều tiềm năng lợi thế về thiên nhiên, con người cũng như các giá trị về văn hóa, đặc biệt là nguồn nước khoáng nóng quý hiếm đã tạo được những nét độc đáo riêng của vùng núi Tản, sông Đà; nhiều dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ mang lại hiệu quả cao như: Khu Du lịch Đảo Ngọc Xanh, Thanh Lâm Resort, Khu Du lịch biệt thự sinh thái cao cấp Vườn Vua,... Từ năm 2015 đến nay đã thu hút đầu tư với số vốn hơn 7.000 tỷ đồng. Du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, vui chơi giải trí tiếp tục được khai thác có hiệu quả. Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ kinh doanh ăn uống phát triển mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu du khách. Trong 5 năm: Doanh thu dịch vụ du lịch, kinh doanh khách sạn, nhà hàng... ước đạt 869 tỷ đồng (bình quân tăng trên 10%/năm, chiếm tỷ trọng 10,4% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa dịch vụ toàn xã hội của huyện); thu hút trên 2,5 triệu lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Thanh Thủy (trong đó khách lưu trú ước đạt 317 nghìn lượt người, tăng 3,2 lần so với năm 2015); ngành du lịch, dịch vụ đã tạo công ăn việc làm cho 16.500 lao động trên địa bàn (cả trực tiếp và gián tiếp), chiếm khoảng 38% tổng số lao động, tăng 13,7% so với năm 2015. Đã có 1.360 lao động qua đào tạo về dịch vụ, du lịch, trong đó 425 lao động đang làm việc thường xuyên tại các đơn vị kinh doanh lưu trú, dịch vụ ăn uống. Đặc biệt trong những năm gần đây, nhiều tập đoàn, nhà đầu tư lớn đã quan tâm về nghiên cứu, khảo sát và định hướng đầu tư vào địa bàn huyện. Đây là điều kiện thuận lợi để du lịch Thanh Thủy tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.
Cùng với đó, công tác giáo dục và đào tạo được đặc biệt coi trọng phát triển vững chắc, trở thành một trong những điểm nhấn quan trọng trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội của huyện, quy mô trường lớp được quy hoạch và phát triển ổn định. Đến nay, toàn huyện đã có 49/53 trường đạt chuẩn Quốc gia, chiếm tỷ lệ 92,5%. Chất lượng giáo dục đại trà được củng cố, chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được khẳng định; đội tuyển học sinh giỏi lớp 9, 12 dự thi cấp tỉnh tiếp tục đứng tốp đầu các huyện, thành, thị. Tỷ lệ học sinh thi đạt HSG cấp tỉnh từ 81- 83,2%; học sinh đạt giải Quốc gia hàng năm từ 31 - 40 em; tỷ lệ học sinh thi đỗ đại học, cao đẳng, nghề từ 78,6 - 87,6%; chất lượng giáo dục mũi nhọn luôn đứng tốp đầu trong tỉnh; chất lượng giáo dục đại trà hiện đứng thứ 3 toàn tỉnh. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp cơ bản đảm bảo đủ về số lượng, tương đối đồng bộ về cơ cấu bộ môn, từng bước được nâng cao về tay nghề, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Công tác đổi mới giáo dục được thực hiện mạnh mẽ, đồng bộ. Việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tạo tiền đề vững chắc để sẵn sàng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới từ năm học 2020- 2021.Để sớm trở thành huyện du lịch trọng điểm của tỉnh và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, huyện Thanh Thủy xác định tiếp tục tập trung nguồn lực. Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch, nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng, bảo vệ hình ảnh, môi trường, hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống đường giao thông...góp phần phát triển bền vững, không ngừng nâng cao uy tín, thương hiệu và sức hút của du lịch Thanh Thủy. Tập trung bám sát vào quy hoạch phát triển vùng của huyện để được tỉnh tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh, đủ điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh. Đồng thời kêu gọi thu hút các nhà đầu tư thật sự có tiềm lực, tâm huyết vào đầu tư các dự án phát triển du lịch của huyện.Nâng cao chất lượng các hoạt động xúc tiến đầu tư, thông tin, quảng bá du lịch; thúc đẩy hợp tác, liên kết giữa du lịch Thanh Thủy với các địa phương trong tỉnh, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Tây Bắc; thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với phát triển du lịch. Quản lý tốt nguồn tài nguyên quý hiếm để mời gọi đầu tư, phát triển du lịch, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong quản lý hoạt động du lịch; cải thiện môi trường đầu tư, xây dựng môi trường du lịch văn minh, an toàn, thân thiện.Các cấp ủy Đảng, chính quyền tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện sự nghiệp giáo dục đào tạo. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn gắn với đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục kỹ năng sống, giáo dục đạo đức cho học sinh. Đổi mới công tác hướng nghiệp phân luồng cho học sinh sau THCS phù hợp với năng lực, thực tiễn; tạo sự chuyển biến rõ nét việc dạy học ngoại ngữ, tin học ở các bậc học. Duy trì và giữ vững vị trí tốp đầu của tỉnh về chất lượng giáo dục - đào tạo. Phát huy vai trò của Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trong công tác đào tạo nghề. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên đảm bảo đạt chuẩn theo quy định mới. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chuẩn trường học đạt chuẩn Quốc gia và xây dựng Trường THCS Thanh Thủy thành trường trọng điểm chất lượng cao. Tăng cường công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập ở những nơi có điều kiện. Đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập.Tập trung phát triển du lịch, đẩy mạnh phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là tiền đề cốt lõi để thực hiện thành công các nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Thanh Thủy nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Phấn đấu Thanh Thủy phát triển toàn diện, bền vững có nguồn nhân lực chất lượng cao và Thanh Thủy sớm trở thành huyện trọng điểm du lịch của tỉnh trong những năm tiếp theo.Dương Quốc Lâm
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy