Động lực cống hiến: Gác việc nhà, chăm lo đồng nghiệp

Bên cạnh công tác giảng dạy, cán bộ công đoàn còn đảm nhận thêm nhiệm vụ chăm lo đời sống của giáo viên, nhân viên trong trường học.

Công đoàn Đại học Huế tặng quà cho nhà giáo người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NTCC

Công đoàn Đại học Huế tặng quà cho nhà giáo người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: NTCC

Kết nối đoàn viên

Là Chủ tịch Công đoàn cơ sở, cô Hà Thị Mỹ Bình - giáo viên Trường Mầm non Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn tự nhủ phải đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích cá nhân, làm việc gì cũng nghĩ đến đoàn viên, người lao động trong trường. Bởi, muốn được đồng nghiệp tin tưởng thì bản thân phải gương mẫu, đi đầu trong mọi việc làm.

Mặc dù công việc chuyên môn bận rộn, nhưng cô Bình luôn sắp xếp hợp lý để có thời gian cho hoạt động Công đoàn. Cô luôn gần gũi với đồng nghiệp để nắm bắt tâm tư nguyện vọng từng người và kịp thời chia sẻ khó khăn để công đoàn viên yên tâm công tác.

Chăm lo cho đoàn viên và người lao động được xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Quyền lợi, các chế độ chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, phụ cấp của cán bộ, giáo viên, nhân viên được bảo đảm đầy đủ, kịp thời. Các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà cho đoàn viên ốm đau, thai sản, gia đình chính sách... luôn được thực hiện chu đáo.

Anh Cao Văn Lợi - nhân viên nuôi dưỡng Trường Mầm non Linh Đàm bộc bạch: Nhờ tổ chức công đoàn quan tâm, nhân viên trường học được động viên rất nhiều trong quá trình công tác. Những lần ốm đau, gia đình có hiếu hỉ, công đoàn luôn quan tâm, thăm hỏi. Lương nhân viên thấp, Chủ tịch Công đoàn đã đề xuất nhà trường hỗ trợ để có thêm thu nhập.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hà - Chủ tịch Công đoàn Trường THPT Bắc Kạn (Bắc Kạn) với hơn 20 năm tuổi nghề và nhiều năm cống hiến cho công tác công đoàn, luôn tâm huyết, đổi mới hoạt động, thực hiện tốt nhiệm vụ là “vòng tay” kết nối đoàn viên, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Cô Hà chia sẻ: Cán bộ công đoàn phải gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động; phối hợp cùng lãnh đạo nhà trường giải quyết thỏa đáng những băn khoăn. Tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, giáo viên, nhân viên được nắm bắt kịp thời thông qua đội ngũ tổ trưởng tổ công đoàn, phát huy tinh thần dân chủ.

“Được ví như người vác tù và hàng tổng, phụ cấp để thực hiện công việc chưa thỏa đáng nhưng những người làm công tác công đoàn trong trường học luôn cố gắng hết mình để hoàn thành nhiệm vụ được giao bởi lòng yêu nghề, tình yêu với đồng nghiệp cùng sự nhân văn trong môi trường sư phạm. Được góp sức mình để chăm lo cho đồng nghiệp thực hiện nhiệm vụ trồng người cao cả là niềm tin giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ”, cô Hà nói.

 Công đoàn Trường Mầm non Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn quan tâm, chăm sóc cho nhà giáo, người lao động. Ảnh: NTCC

Công đoàn Trường Mầm non Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội) luôn quan tâm, chăm sóc cho nhà giáo, người lao động. Ảnh: NTCC

Gần gũi, chia sẻ nhiều hơn

PGS.TS Nguyễn Duân - Chủ tịch Công đoàn Đại học Huế sinh ra và lớn lên ở nông thôn, cha mẹ nông dân, chân lấm tay bùn. Cả gia đình đều làm ruộng nên khái niệm “công đoàn”, ông chưa một lần biết đến trong thời gian dài.

Đến khi vào đại học, ông mới biết đến tổ chức công đoàn từ việc thầy cô giới thiệu trong các buổi sinh hoạt, gặp mặt sinh viên. Rồi khi ra trường, chàng sinh viên Nguyễn Duân đã thực sự cảm động trước tình cảm ấm áp mà công đoàn mang lại. Những người làm công đoàn gác cả việc nhà để chăm lo cho đồng nghiệp.

PGS.TS Duân kể: “Ra trường, tôi được giữ lại làm giảng viên đại học. Cuộc sống quá khó khăn khi mới ở lại trường nên có hơn một lần tôi có ý định về quê dạy học ở trường phổ thông. Những lần đó, tôi được sự động viên của thầy cô trong khoa, nhất là thầy chủ tịch công đoàn.

Thầy đã động viên và chia sẻ rất nhiều để tôi hiểu rằng, trước mắt sẽ khó khăn, thầy cô cũng từng trải qua như vậy và đã phấn đấu để có ngày hôm nay đứng trên bục giảng. Chính từ những lời động viên đó, tôi quyết tâm hơn, tự hứa với mình là không được phép bỏ cuộc và cố gắng vượt qua những khó khăn”.

Làm cán bộ công đoàn giúp ông Duân quan tâm những việc mà trước ít để ý như nhớ ngày sinh nhật của tất cả thầy cô trong đơn vị, kịp thời hỗ trợ và chia sẻ khi gia đình đồng nghiệp có việc hiếu, hỉ; nhanh chóng tổ chức cho đoàn viên đi thăm đồng nghiệp ốm đau.

Nhưng điều ông Duân thích thú nhất là được chăm lo, quan tâm, động viên đồng chí, đồng nghiệp và những người khác trong cộng đồng mà suy cho cùng là được đem lại niềm vui cho người khác. Và khi người khác vui thì tất yếu mình sẽ vui.

PGS.TS Nguyễn Duân cho rằng, nhờ được làm cán bộ công đoàn mà ông thấy mình có trách nhiệm hơn với đồng chí, đồng nghiệp. Nhờ làm cán bộ công đoàn mà ông được gần gũi hơn, chia sẻ nhiều hơn với đoàn viên, được họ tin tưởng chia sẻ nhiều chuyện, có khi là những điều bí mật.

Cùng đó, ông giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khó khăn trong cộng đồng. Nhiệm vụ của một cán bộ công đoàn cũng giúp ông tự nhắc mình phải luôn rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thành tốt nhiệm vụ và xứng đáng với niềm tin mà đoàn viên đã dành cho.

“Để làm cán bộ công đoàn có thể không quá khó nhưng để xứng đáng với niềm tin của đoàn viên thì tôi cho rằng không phải dễ. Chúng tôi phải rèn luyện, tu dưỡng để thực hiện tốt nhiệm vụ. Nhờ làm cán bộ công đoàn mà tôi có điều kiện được quan tâm người khác nhiều hơn”. - PGS.TS Nguyễn Duân - Chủ tịch Công đoàn Đại học Huế

Lan Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dong-luc-cong-hien-gac-viec-nha-cham-lo-dong-nghiep-post707805.html