Phát huy nguồn lực từ kiều bào: Định vị và xây dựng thương hiệu Tp.HCM
Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Tp.HCM sẽ được tăng cường hơn, nhằm thu hút nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho Tp.HCM.
Cầu nối để kiều bào đóng góp cho đất nước
Thành phồ Hồ Chí Minh là địa phương có đông kiều bào nhất cả nước. Mỗi năm, hàng chục ngàn người Việt từ các nền kinh tế phát triển về nước, tìm kiếm cơ hội kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại Thành phố. Các hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam ở nước ngoài cũng tăng cường hợp tác, đẩy mạnh xây dựng chuỗi cung ứng, liên kết với doanh nghiệp trong nước.
Rất nhiều chính sách dành cho kiều bào về nguồn lực con người, tài chính, tri thức, hỗ trợ cho bà con ở nước ngoài làm việc, chuyển tài chính từ nước ngoài vào trong nước đang được triển khai mạnh mẽ.
Đề án huy động nguồn lực kiều bào được Ban Thường vụ Thành ủy Thành phồ Hồ Chí Minh thông qua đã tạo môi trường pháp lý thuận lợi để đông đảo người Việt Nam ở nước ngoài ngày càng gắn bó và có nhiều đóng góp vào sự phát triển của Thành phố và cả nước.
Ông Nguyễn Duy Anh, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Fukuoka, Nhật Bản chia sẻ: “Khi chứng kiến sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, nhất là thông qua chuyến tàu Metro, tôi rất vui mừng và tự hào. Còn nhớ tháng 1/2024 tại Fukuoda, chúng tôi đã có cơ hội tổ chức chương trình Xuân Quê hương cho người Việt xa quê trên đất nước bạn, để vơi đi nỗi nhớ quê của những người con xa xứ. Sự kiện này đã xác lập Kỷ lục người Việt toàn cầu cho hoạt động Áo dài xếp hình bản đồ Việt Nam ở nước ngoài. Tôi mong có nhiều sự kết nối giữa người Việt ở nước bạn để hỗ trợ nhau phát triển và làm nên tự hào là người Việt Nam”.
Còn TS.Phan Bích Thiện (kiều bào Hungary) cho biết, nhiều người Việt ở Hungary hoạt động trong lĩnh vực công nghệ và đề nghị lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho phép kiều bào trí thức Hungary tham gia đóng góp xây dựng Thành phố.
Ngoài nguồn lực kinh tế, cái quý hơn là tài lực và trí lực. Hiện có gần 600.000 kiều bào ở nước ngoài có trình độ học vấn cao đã trở thành chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ. Mỗi năm, trung bình có khoảng 300 – 500 trí thức Việt Nam ở nước ngoài trở về tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, cũng như đóng góp ý kiến tại hội nghị, hội thảo do các cơ quan, địa phương trong nước tổ chức.
Đội ngũ doanh nhân, trí thức, nhà khoa học là người Việt Nam ở nước ngoài đã thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh và thế giới. Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh tế, các doanh nhân Việt Nam trên toàn thế giới đã làm tốt sứ mệnh kết nối, thu hút nguồn lực để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước.
Với phương châm "Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam", "Ở đâu có người Việt, ở đó có hàng hóa Việt", cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài đã từng bước giới thiệu, lan tỏa giá trị thương hiệu hàng hóa Việt đến người dân các nước sở tại. Nhiều công ty của kiều bào, hệ thống shop hàng Việt tại các nước đã đưa hàng trăm mặt hàng nông sản của Việt Nam vào các thị trường khó tính như Nhật, Mỹ, châu Âu...
Nguồn lực từ kiều hối ngày càng tăng
Không thể không kể đến nguồn kiều hối về nước tăng đều hằng năm đã trở thành nguồn lực, dòng vốn tham gia mạnh mẽ vào hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Theo công bố của Ngân hàng Thế giới, năm 2018, lượng kiều hối về Việt Nam đạt 16 tỷ USD; năm 2019 đạt 16,7 tỷ USD; tăng lên 17,2 tỷ USD vào năm 2020 và đạt 18,1 tỷ USD vào năm 2021. Năm 2023, lượng kiều hối tiếp tục đạt 19 tỷ USD - tương đương năm 2022.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kiều hối chuyển về Thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 đạt khoảng 8,92 tỷ USD, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng cao nhất trong năm năm trở lại đây.
Theo ông Lệnh, kiều hối là nguồn lực tài chính quan trọng đối với phát triển kinh tế đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Kiều hối mang lại hiệu quả, khác biệt rất lớn so với các nguồn vốn ngoại tệ khác về mặt chi phí sử dụng cũng như điều kiện sử dụng. Bởi, mỗi nguồn vốn đều có đặc điểm và điều kiện cụ thể đi kèm, song đều mang bản chất chung nhất là hoàn trả (gốc và lãi). Trong khi đó, nguồn kiều hối không chịu áp lực trả nợ cũng như chi phí sử dụng và điều kiện sử dụng.
“Nếu sử dụng hiệu quả nguồn vốn này thì trở thành nguồn lực vàng đối với phát triển kinh tế - xã hội Thành phố, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội. Bởi kiều hối được người dân sử dụng vào các mục đích khác nhau từ đầu tư sản xuất, kinh doanh thương mại dịch vụ đến mua sắm, xây dựng, sửa chữa nhà ở và tiêu dùng, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống”, ông Lệnh nói.
Dự báo kiều hối về Thành phố Hồ Chí Minh trong năm 2024 sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 10%-15%. Môi trường đầu tư thuận lợi, kinh tế vĩ mô ổn định và cơ chế, chính sách về kiều hối, kiều bào và phát triển thị trường lao động nước ngoài cũng như dịch vụ chi trả kiều hối tiện ích, thuận tiện, an toàn… tiếp tục là những yếu tố thuận lợi thu hút kiều hối chuyển về đất nước nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.
Cần sự chung tay, chia sẻ của kiều bào
Theo ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố phát triển như hôm nay có sự đóng góp rất lớn của kiều bào từ khắp các quốc gia. Năm 2024, Thành phồ sẽ tập trung triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, đồng thời phát triển mạnh về chuyển đổi số, hạ tầng, xã hội số, phấn đấu kinh tế số đạt mức 25% đến năm 2025.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết, Thành phố sẽ thành lập Trung tâm 4.0 nhằm thu hút nguồn lực tri thức khoa học, trong đó có kiều bào để phục vụ cho sự phát triển theo hướng khoa học - công nghệ. Bên cạnh đó, sẽ quyết liệt triển khai nền công vụ hiệu lực, hiệu quả. “Tôi mong kiều bào không chỉ hướng về quê hương bằng kiều hối, đầu tư mà còn góp nhiều ý hay, giải pháp hiệu quả để cùng thành phố đạt được mục tiêu đề ra”, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nói.
Bà Vũ Thị Huỳnh Mai, Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cơ quan này sẽ xây dựng Điểm hẹn kiều bào và Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở Ủy ban trong năm 2024.
Địa điểm hứa hẹn sẽ trở thành nơi để cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi gắm niềm tin đến Lãnh đạo Thành phố, nơi đề xuất các ý kiến góp ý, hiến kế. Đây cũng là nơi hỗ trợ, giải đáp thắc mắc của kiều bào về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các cơ chế của Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài và thông tin các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn Thành phố.
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố luôn quán triệt quan điểm "người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam".
Xác định công tác người Việt Nam ở nước ngoài là một trong những công tác đặc biệt quan trọng trong công tác đối ngoại của Đảng bộ, Chính quyền Thành phố, nhất là trong tình hình hiện nay với yêu cầu cao hơn về phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, lãnh đạo Thành phố càng kỳ vọng công tác về người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục có những chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc hơn nữa.
Để thực hiện thành công chủ đề năm 2024, theo bà Vũ Thị Huỳnh Mai, bên cạnh các ý kiến hiến kế, đề xuất, kết nối của các doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài nói riêng và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nói chung, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai đồng bộ 3 nhóm giải pháp, gồm: nhóm giải pháp nâng cao nhận thức, chính sách, tổ chức và cơ chế phối hợp; nhóm giải pháp đối với từng đối tượng, loại nguồn lực và nhóm giải pháp bồi dưỡng, phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ở nước sở tại.
Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài Thành phố sẽ phát huy hơn nữa trong việc hướng dẫn, hỗ trợ thông tin về các chủ trương, chính sách, pháp luật và giải đáp thắc mắc cho bà con người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời duy trì tổ chức các buổi gặp gỡ, tiếp nhận, trao đổi thông tin… để có thêm các ý kiến, đóng góp của bà con, trong đó có đội ngũ chuyên gia trí thức người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là trí thức trẻ trong quá trình phát triển, hội nhập sâu rộng của Thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, Việt kiều Mỹ cho biết: "Tôi đã về đây bốn chục năm, những cống hiến của mình luôn luôn được Nhà nước ghi nhận, không phải chỉ trên giấy tờ hay chỉ là cái bắt tay, mà còn qua những giải thưởng, những huân, huy chương. Tôi cảm thấy yên lòng, thấy rằng việc đóng góp cho quê hương rất là cần thiết và được đánh giá cao".