Phát huy nguồn lực văn hóa
Văn hóa luôn gắn kết chặt chẽ với mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và được xác định là nguồn lực nội sinh quan trọng của sự phát triển. Phát huy sức mạnh 'mềm' của văn hóa nhằm tạo ra nguồn lực văn hóa để phát triển đất nước là yêu cầu cấp thiết trong thời kỳ mới.
Đại hội XIII của Đảng xác định lộ trình với các mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng XHCN.
Đảng xác định phát triển nhanh và bền vững đất nước chủ yếu dựa vào phát huy tối đa nhân tố con người; lấy con người là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Vì vậy, “xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại” là nhiệm vụ quan trọng. Trong báo cáo chính trị Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh định hướng phát triển con người toàn diện và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh quan điểm: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ mới, hiện đại và biến đổi kinh tế - xã hội…
Thời gian qua, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã đề xuất thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035, nhằm cụ thể hóa định hướng “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”, phấn đấu hoàn thành một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã đặt ra: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”...
Quốc hội đã thống nhất thông qua chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035. Theo chương trình, đến năm 2030, ngành văn hóa sẽ có nhiều đột phá: 100% tỉnh, thành phố có trung tâm văn hóa; 80% huyện có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 95% di tích quốc gia đặc biệt và 70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ. Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP, tạo nhiều việc làm và thu nhập cho người dân... Đến năm 2035, các chỉ tiêu về văn hóa sẽ đạt những thành tựu đáng kể và ngành công nghiệp văn hóa sẽ đóng góp 8% GDP…
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, mục tiêu tổng quát của chương trình nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa và xây dựng, hoàn thiện nhân cách, chuẩn mực đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Đồng thời, nâng cao đời sống tinh thần, khả năng tiếp cận, thụ hưởng văn hóa, nhu cầu tập luyện, giải trí của Nhân dân, thu hẹp chênh lệch trong thụ hưởng văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp dân cư…
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay, văn hóa không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ bản sắc dân tộc, mà còn trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Văn hóa giúp xây dựng những giá trị tinh thần, tạo nên sự đoàn kết, niềm tự hào dân tộc, từ đó thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.
Mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế càng trở nên chặt chẽ hơn, thể hiện ở việc văn hóa không chỉ là nền tảng của sự phát triển, mà còn là yếu tố thúc đẩy sự sáng tạo, đổi mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Khi văn hóa và kinh tế hòa quyện sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp cho quốc gia. Việc phát huy văn hóa trong phát triển kinh tế, đồng thời duy trì được sự đa dạng văn hóa trong một thế giới hội nhập, sẽ tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự phát triển xã hội và phát huy giá trị của quốc gia trong thời đại mới.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phat-huy-nguon-luc-van-hoa-a413019.html