Phát huy nội lực, tinh thần vươn lên của đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 14/9, tại tỉnh Yên Bái, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị tiếp xúc với đồng bào các dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi Bắc bộ năm 2023. Chủ trì Hội nghị có ông Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; ông Đỗ Đức Duy - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Yên Bái; bà Trương Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng
Tại Hội nghị, các đại biểu đại diện đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) của 14 tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ gồm: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình đã trực tiếp bày tỏ tâm tư, nguyện vọng của mình tới Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Ông Đặng Hồng Quân - người có uy tín đồng bào dân tộc Dao ở thôn Khe Đát, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên (tỉnh Yên Bái) bày tỏ, những năm trước đây, đời sống vật chất tinh thần của bà con, các dân tộc nói chung và đồng bào Dao nói riêng còn gặp khó khăn, tỷ lệ đói nghèo còn cao. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các chính sách đúng đắn của Nhà nước, các chương trình dự án có hiệu quả như chương trình xóa đói giảm nghèo, xóa nhà dột nát, xây dựng nông thôn mới đã đến với người dân và thực sự phù hợp với lòng dân.
Từ thực tiễn của địa phương, ông Quân kiến nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất như trường học, trạm y tế để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Trong thực hiện đầu tư các chương trình dự án cần triển khai tập trung, có trọng điểm, đặc biệt là đầu tư hệ thống giao thông nông thôn, đường liên thôn, liên xã, liên huyện, tỉnh lộ để đồng bào các DTTS có điều kiện tốt hơn giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.
Nêu thực tế về những khó khăn đối với người dân khi tiếp cận nguồn vốn vay, bà Lý Thị Chướng – đồng bào dân tộc Mảng, xã Trung Chải, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu cho biết, chính sách quy định các hộ nghèo, hộ cận nghèo phải có vốn đối ứng, tùy từng lĩnh vực đối ứng từ 30-50%. “Tuy nhiên, đã là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì lấy đâu ra vốn đối ứng. Điều này dẫn đến khó khăn cho người dân tham gia vào liên kết chuỗi cung ứng, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư”- bà Chướng nêu thực tế đồng thời kiến nghị Đảng, Nhà nước có những chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS phát triển kinh tế; quan tâm đầu tư điện lưới quốc gia cho những xã bản còn lại chưa có điện lưới; tạo điều kiện cho con em đồng bào các dân tộc học nghề và có việc làm sau khi đào tạo…
Mang đến nguyện vọng của đồng bào dân tộc Lô Lô, ông Lý Văn Dung - xóm Khau Trang, xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) cho rằng, đối với đồng bào DTTS, việc vận động con em đến lớp đã khó, vận động đi học các trường chuyên nghiệp còn khó hơn. Đồng bào mong muốn được Đảng, Nhà nước quan tâm để con em dân tộc đi học ở các trường chuyên nghiệp đã ra trường có công ăn việc làm ổn định, được ưu tiên tuyển dụng vào các cơ quan Nhà nước tạo động lực cho các em sau này cố gắng trong học tập và rèn luyện có chí hướng phát triển hơn.
Khơi dậy tinh thần tự hào, tự tin, tự lực
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến khẳng định thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Đến nay, về cơ bản Nhà nước đã ban hành chính sách phủ hết các lĩnh vực trong đời sống của đồng bào. Trong đó 3 Chương trình mục tiêu quốc gia bố trí 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư, riêng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được bố trí 50.000 tỷ đồng. Việc thực hiện hiệu quả Chương trình này sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, y tế, giáo dục; phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc.
Tuy nhiên, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến trăn trở khi so với mặt bằng chung của cả nước, khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn là “vùng trũng” trong phát triển và là “lõi nghèo” của cả nước. Bởi vậy, với sứ mệnh của MTTQ Việt Nam trong tập hợp, xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị nghị tiếp xúc với đồng bào các DTTS vùng Trung du và miền núi Bắc bộ năm 2023 nhằm lắng nghe, tổng hợp ý kiến của cử tri và nhân dân để phản ánh với Đảng, Nhà nước.
“Từ những ý kiến, kiến nghị tại Hội nghị, Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ có văn bản gửi Chính phủ, các địa phương, bộ, ngành liên quan để đề xuất khai thác sử dụng hiệu quả các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn; quan tâm đến chế độ cử tuyển và chính sách tuyển dụng cán bộ công chức, viên chức là đồng bào DTTS…” - Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh và cho biết UBTƯ MTTQ Việt Nam sẽ xây dựng chương trình giám sát chuyên đề việc thực hiện Kết luận số 65 ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới.
Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn bà con đồng bào các DTTS đoàn kết, đồng thuận, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, phát huy nội lực, vượt khó, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tin, tự lực trong mỗi người dân để quyết tâm xóa đói giảm nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Nhấn mạnh dù khó khăn đến đâu cũng phải cho con cháu đi học, bởi có tri thức sẽ có tất cả, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến mong muốn đồng bào các dân tộc quan tâm đến việc xây dựng nếp sống văn hóa, từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi, không để xảy ra hiện tượng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh:
Tập trung giải quyết những khó khăn bức thiết nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số
Với vai trò, trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc sẽ tổng hợp, tiếp thu để tham mưu với Chính phủ thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc trong thời gian tới. Hiện nay, Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan đang tích cực tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Hy vọng rằng, việc triển khai hiệu quả Chương trình sẽ giải quyết những khó khăn, bức thiết nhất cho đồng bào DTTS ở những khu vực, địa bàn khó khăn nhất.
Ông Sừng Sừng Khai - người có uy tín xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đề nghị, Đảng, Nhà nước tiếp tục có các chương trình, chính sách hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về phương thức sản xuất, kinh doanh để bà con vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, thực hiện tốt cơ chế chính sách cử tuyển đối với con em đồng bào DTTS để giúp các em có điều kiện được học tập tại các trường đại học sau này về phát triển quê hương.
Theo Nghệ nhân ưu tú Lồ Lài Sửu, thôn Lao Hầu, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai), hiện nay, các em học sinh từ nhỏ đã làm quen với môi trường giáo dục hiện đại, tiếp xúc với tiếng Việt từ nhỏ nên ít có cơ hội tiếp xúc với tiếng mẹ đẻ… Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến nét đẹp văn hóa của dân tộc bị mất dần, vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đưa nội dung phổ biến ngôn ngữ, văn hóa dân tộc vào trường học và mời các nghệ nhân am hiểu văn hóa của từng dân tộc vào giảng dạy; tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng việc vận động nhân dân dân tích cực, chủ động tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc.