Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, bảo đảm trang bị tàu thuyền

Lữ đoàn 962 là đơn vị hải quân thuộc Quân khu 9, mang đặc thù vùng sông nước, đảm nhiệm quản lý, sử dụng một lượng lớn phương tiện tàu, thuyền và vũ khí trang bị kỹ thuật (TBKT) thế hệ cũ.

Để khai thác, sử dụng hiệu quả phương tiện, tàu thuyền vận tải phục vụ các đơn vị tuyến biển, đảo Tây Nam, lữ đoàn đã triển khai nhiều biện pháp phù hợp, chú trọng bồi dưỡng chuyên môn và phát huy sáng kiến, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Buổi thực hành luyện tập kỹ năng lái tàu ra, vào cảng, khu vực luồng, lạch hẹp của Tiểu đoàn 1 có thêm các sĩ quan trẻ là thuyền trưởng mới được biên chế về đơn vị để học tập kinh nghiệm thực tiễn chỉ huy tàu ở vùng sông nước. Sau hiệu lệnh cơ động, các tàu tuần tiễu bắt đầu xuất phát. Một số thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm chỉ huy tàu rời cảng, kết hợp hướng dẫn “lính mới” phương pháp quan sát, xử trí tình huống mà theo lý thuyết cơ động trên biển sẽ hiếm khi gặp. Thiếu úy Nguyễn Tuấn Việt, Thuyền trưởng Tàu 18-4108 (Đại đội 2), chia sẻ: “Tàu chạy trong luồng, lạch hẹp thường có ghe, sà lan của ngư dân đậu hai bên, cơ động lộn xộn; dòng chảy xuôi ngược từng chỗ khác nhau, không đồng nhất; khu vực cảng dòng chảy mạnh… Những tình huống đó đòi hỏi thuyền trưởng phải phán đoán nhanh, xử lý chính xác mới bảo đảm an toàn. Những điều này khi học ở trường ít được trang bị nên chúng tôi phải học hỏi từ thực tiễn và từ cán bộ, chỉ huy, thuyền trưởng có kinh nghiệm lâu năm để hoàn thiện bản thân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”.

 Cán bộ Lữ đoàn 962 tham quan mô hình “Hệ thống tự động bơm chống chìm tàu”.

Cán bộ Lữ đoàn 962 tham quan mô hình “Hệ thống tự động bơm chống chìm tàu”.

Việc bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ lái tàu, thuyền trưởng ở Lữ đoàn 962 được tổ chức thông qua các buổi thực hành ra, vào cảng, vận tải hàng hóa, phục vụ diễn tập, bắn biển hoặc đưa tàu đi sửa chữa… nhằm tận dụng tối đa hành trình, tiết kiệm nhiên liệu. Quá trình huấn luyện nghiệp vụ, lữ đoàn lựa chọn nội dung phù hợp với đặc thù của tàu và điều kiện thực tế vùng sông nước, không rập khuôn máy móc. Chẳng hạn như đổi mới bảng bố trí chiến đấu trên tàu PCF, LCM-8; điều chỉnh bãi tập thể lực theo đặc thù tàu nhỏ… Theo Trung tá Huỳnh Văn Hơn, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng lữ đoàn, căn cứ tài liệu của Học viện Hải quân, đơn vị biên soạn lại một số nội dung sát với thực tiễn biên chế tàu, thuyền, rồi tập huấn cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên kỹ thuật; đồng thời phát động cán bộ, thợ kỹ thuật tích cực cải tiến mô hình học cụ để nâng cao chất lượng huấn luyện, vận tải, cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Theo đó, từ năm 2014 đến nay, lữ đoàn có 14 đề tài, sáng kiến được nghiệm thu, ứng dụng vào thực tiễn hoạt động của đơn vị; trong đó có 4 đề tài, sáng kiến đoạt giải A và giải B ngành hậu cần Quân khu 9. Nổi bật là các sáng kiến: “Hệ thống tự động bơm chống chìm tàu”, “Máy nạp đạn AGS-17 trên tàu ST-175”, “Rọ cứu hộ, cứu nạn”; “Giá súng đa tác dụng”…

Ngoài ra, trong khắc phục, sửa chữa hỏng hóc vũ khí, TBKT, đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật lữ đoàn luôn chủ động, sáng tạo, tìm ra phương án thay thế, hoán đổi vật liệu vừa đạt chuẩn chất lượng, vừa tiết kiệm kinh phí. Thượng úy QNCN Đinh Cao Cường, nhân viên kỹ thuật thuộc Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1), tác giả sáng kiến “Hệ thống tự động bơm chống chìm tàu” tâm sự: “Phần lớn tàu của đơn vị là loại cũ, thân tàu thường bị gỉ sét dẫn đến dò nước, nguy cơ tàu bị chìm gây mất an toàn cao, nhất là vào ban đêm hoặc lúc vắng người trên tàu. Để khắc phục tình trạng này, tôi đã nghiên cứu thiết kế hệ thống phao nổi, rơ-le cảm biến kết nối với máy bơm, truyền tín hiệu báo động, đồng thời kích hoạt bơm hút khi khoang tàu bị nước tràn vào. Mô hình này rất thuận lợi, ứng dụng được trên nhiều loại tàu khác nhau, cảnh báo sớm dấu hiệu chìm tàu, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện trong mùa nước nổi, mưa lũ”. Hệ thống đã được thử nghiệm đạt chất lượng tốt, đang đợi kinh phí bổ sung để nhân rộng. Mấy năm gần đây, Thượng úy QNCN Đinh Cao Cường đã hoàn thành 3 sáng kiến đều có giá trị thực tiễn cao.

Sáng kiến “Rọ cứu hộ, cứu nạn trên tàu” của Trung úy Đỗ Hoàng Duy, Thuyền trưởng Tàu 18-4256 thuộc Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1) cũng được đánh giá có tác dụng thiết thực cứu giúp người bị nạn trên biển, kênh, sông miền Tây Nam Bộ. Khi mùa mưa đến hoặc những lúc triều cường, nước trên sông Hậu chảy xiết, nguy cơ người, phương tiện gặp nạn luôn thường trực, sáng kiến “Rọ cứu hộ, cứu nạn trên tàu” đã phát huy tác dụng, không chỉ giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn mà còn kịp thời mang lại sự sống cho nhiều người dân địa phương… Trung tá Trịnh Công Lịnh, Chủ nhiệm Kỹ thuật lữ đoàn, cho biết: “Để hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị hải quân duy nhất toàn quân trực thuộc quân khu, ngoài huấn luyện, SSCĐ, ngành kỹ thuật khuyến khích anh em phát huy sáng kiến, tham mưu giúp chỉ huy lữ đoàn thẩm định chặt chẽ, hỗ trợ những sáng kiến có tính khả thi cao, áp dụng hiệu quả vào thực tiễn, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của đơn vị, nhiều năm liền đạt tiêu chuẩn huấn luyện giỏi, quản lý tốt, vận tải an toàn”.

Bài và ảnh: ĐOÀN THÀNH THINH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/nghe-thuat-quan-su-vn/phat-huy-sang-kien-cai-tien-ky-thuat-bao-dam-trang-bi-tau-thuyen-575575