Phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để nâng cao vị thế Việt Nam

Hiệp định Paris năm 1973 đánh dấu mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của nhân dân ta và nền ngoại giao Việt Nam.

Quá trình đàm phán và đi đến ký kết hiệp định để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, có ý nghĩa to lớn trong tình hình hiện nay, trong đó có bài học về phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế.

Cùng với những thắng lợi quan trọng về quân sự, Hội nghị Paris và Hiệp định Paris đã góp phần quan trọng tạo nên bước chuyển chiến lược của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Trên mặt trận chính trị, những hoạt động phản chiến tiêu biểu như phong trào phụ nữ đòi quyền sống do luật sư Ngô Bá Thành khởi xướng, hay phong trào vì hòa bình "Hát cho đồng bào tôi nghe" của Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, sự xuất hiện của những nhân sĩ phản chiến như Lý Chánh Trung, các cuộc biểu tình vì hòa bình của phong trào Phật giáo miền Nam... Tất cả hợp lại tạo nên sức mạnh đặc biệt, gây sức ép với đối phương trong nước cũng như trên bàn đàm phán ngoại giao.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 / 27-1-2023).

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-1-1973 / 27-1-2023).

Cùng lúc, ta tận dụng mặt trận ngoại giao tại hòa đàm Paris để tranh thủ dư luận quốc tế rộng rãi nhận thức và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, vì độc lập, thống nhất đất nước. Những năm tháng tham gia quá trình hòa đàm tại Paris, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam-bà Nguyễn Thị Bình đã phát huy rất hiệu quả các cuộc trả lời phỏng vấn báo chí Mỹ và các nước, tiếp xúc với những bà mẹ Mỹ, trong đó có người có con từng là lính đóng quân tại Việt Nam, để làm rõ chính nghĩa của cuộc đấu tranh của ta và thực hiện phương châm thêm bạn, bớt thù. Với ấn tượng sâu sắc và cảm tình đặc biệt, Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme-một chính khách nổi tiếng với chủ trương hòa bình, chống chiến tranh trên toàn thế giới, và sau này là Tổng thống Algeria Abdelaziz Bouteflika đã trân trọng mời bà Nguyễn Thị Bình thăm đất nước Thụy Điển và Algeria.

Quá trình đàm phán về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được tổ chức tại Paris có thêm một thuận lợi nữa là tại Pháp có nhiều hội nhóm của cộng đồng người Việt và sinh viên Việt Nam ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Lực lượng này thường xuyên hậu thuẫn cho hoạt động của hai phái đoàn Việt Nam Dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Paris, cũng như đẩy mạnh liên kết với các lực lượng phản chiến quốc tế tại Paris.

Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết đã khẳng định chân lý của phương châm kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, cho thấy sức mạnh đoàn kết quốc tế của lực lượng yêu chuộng hòa bình và ủng hộ độc lập dân tộc đã góp phần mạnh mẽ đưa đất nước ta đến ngày toàn thắng 30-4-1975, non sông nối liền một dải.

Nửa thế kỷ qua đã chiếu sáng và làm nổi bật những câu chuyện đặc biệt về đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam. Đó là hành trình vươn lên ngoạn mục từ đổ vỡ, mất mát của chiến tranh, trong bối cảnh vị thế quốc tế khó khăn: Bị bao vây, cấm vận, cô lập; từ bờ vực khủng hoảng kinh tế trong thập niên 1970-1990. Ngày nay, chúng ta đã xây dựng thành công một vị thế vững chắc trên trường quốc tế. Gần đây, chuyên gia đầu tư Brook Taylor (New Zealand) và nhà báo Sam Korsmoe (Mỹ) đã xuất bản cuốn sách “Việt Nam-ngôi sao đang lên của châu Á”. Nội dung cuốn sách không phải là những lời lẽ “động viên ngoại giao” mà đưa ra những con số thực tế, khách quan để lý giải đánh giá của các chuyên gia quốc tế về triển vọng tiếp tục vươn lên của Việt Nam.

Là người có nhiều năm làm việc trong lĩnh vực ngoại giao, tôi có một niềm tin dựa trên những quan sát, trải nghiệm, suy xét của chính bản thân. Đó là đất nước Việt Nam đã và đang tiếp tục vươn lên mạnh mẽ và nổi bật, tạo nhiều dấu ấn trong đa dạng lĩnh vực. Trong một cuộc khảo sát về căn tính Việt và “thương hiệu đất nước Việt Nam” mà Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh triển khai cách đây một năm, nhiều người đồng nhận xét: Người Việt Nam, dân tộc Việt Nam luôn kiên cường, kiên định, luôn thích nghi và không bao giờ bỏ cuộc.

Trên cơ sở những thành quả đã đạt được, chắc chắn dân tộc Việt Nam, cộng đồng người Việt Nam trong và ngoài nước sẽ tiếp tục tạo nên những câu chuyện Việt Nam đặc sắc, định hình lại vị thế Việt Nam trong cộng đồng các quốc gia, dân tộc và trên bản đồ thế giới.

TÔN NỮ THỊ NINH, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển TP Hồ Chí Minh

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/phat-huy-suc-manh-dan-toc-voi-suc-manh-thoi-dai-de-nang-cao-vi-the-viet-nam-826039