Phát huy sức mạnh đội ngũ trí thức trong xây dựng đại đoàn kết toàn dân tộc

Robot 5 trong 1 do giảng viên Trường cao đẳng Công Thương miền Trung chế tạo được ứng dụng vào thực tiễn phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: THÚY HẰNG

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa tổ chức hội thảo Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã đề xuất những giải pháp để MTTQ, các tổ chức thành viên làm tốt hơn công tác tập hợp, đoàn kết, phát huy vai trò của trí thức trong đóng góp cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết, qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 27-NQ/TW, ngày 6/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước, đội ngũ trí thức tăng nhanh về số lượng, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Sự gắn bó giữa Đảng với trí thức ngày càng được tăng cường. Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên nền tảng liên minh công nhân - nông dân - trí thức tiếp tục được củng cố vững chắc.

Tại Phú Yên, những năm qua, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã hiệp thương với các tổ chức thành viên và các cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả các chương trình phối hợp, đã tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ trí thức tham gia đóng góp hàng trăm dự án, đề tài khoa học cấp bộ, cấp ngành, địa phương và chuyển giao ứng dụng KHCN trên các lĩnh vực. Đội ngũ trí thức cũng đã tích cực tham gia tư vấn, thẩm định, phản biện xã hội và giám sát các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các đề án, dự án, chương trình phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị; truyền bá kiến thức khoa học và công nghệ cho các tầng lớp Nhân dân...

Năm 2021, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước và tại tỉnh ta, nhiều đợt phát động toàn dân tham gia phòng, chống COVID-19 được các cấp, các ngành thực hiện, nhất là vận động người dân thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thông điệp 5K; tuyên truyền tiếp tục đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh đã có nhiều sáng kiến, giải pháp thích ứng. Chẳng hạn đội ngũ giảng viên của các trường đại học Phú Yên, cao đẳng Công Thương miền Trung, cao đẳng Nghề Phú Yên, cao đẳng Y tế Phú Yên… đã có nhiều sáng kiến thiết thực đóng góp cho khối đại đoàn kết toàn dân như chế tạo buồng khử khuẩn, máy sát khuẩn tay, robot 5 trong 1, pha chế dung dịch sát khuẩn… Các mô hình, sáng kiến này không chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 trong nhà trường, mà còn cung cấp cho các cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội.

Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hồ Hồng Nam cho biết: Hiện nay, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ký kết các chương trình phối hợp và thống nhất hành động với 40 thành viên của Ủy ban MTTQ tỉnh. Hàng năm, Ủy ban MTTQ tỉnh còn phối hợp với các tổ chức thành viên triển khai thực hiện phong trào thi đua Phú Yên đoàn kết, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Qua đó đã tạo động lực mạnh mẽ để đoàn viên, hội viên, từ trí thức đến nông dân phát huy khả năng sáng tạo, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Kết quả phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình, điển hình tiên tiến, tiêu biểu trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, với sáng kiến, ý tưởng, giải pháp hữu ích tạo sức lan tỏa trong xã hội.

Tạo điều kiện để đội ngũ trí thức sáng tạo

Đội ngũ trí thức đã có những đóng góp nhất định trong việc xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tuy nhiên, qua thực tế hoạt động của đội ngũ trí thức tại Phú Yên nói riêng, cả nước nói chung vẫn còn một số hạn chế. Đó là cơ cấu của đội ngũ trí thức chưa cân đối giữa các vùng, miền; chất lượng đội ngũ chưa tương xứng với trình độ được đào tạo, còn thiếu chuyên gia giỏi, chuyên sâu ở các lĩnh vực, các ngành kinh tế mũi nhọn nên chưa có những cống hiến đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Là một giảng viên có nhiều mô hình, sáng kiến ứng dụng vào thực tiễn, ThS Nguyễn Thanh Tước, giảng viên Trường cao đẳng Công Thương miền Trung, chia sẻ: Do bối cảnh và tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, yêu cầu về xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức phải thay đổi. Theo đó, đòi hỏi đội ngũ trí thức phải có nhiều kỹ năng mới, mà đổi mới, sáng tạo là yếu tố quyết định. Và để kích thích sự sáng tạo này, môi trường, cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài cần được thực hiện căn cơ, bài bản.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Phùng Khánh Tài, để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về trách nhiệm triển khai các nghị quyết và các chủ trương của Đảng về đội ngũ trí thức nói chung, của MTTQ và các tổ chức thành viên nói riêng. Coi đây là một trong những nhân tố tiềm năng, đột phá để đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong điều kiện của cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.

THÚY HẰNG

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/141/291202/phat-huy-suc-manh-doi-ngu-tri-thuc-trong-xay-dung-dai-doan-ket-toan-dan-toc.html