Phát huy sức mạnh mềm văn hóa

Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa ngày càng được quan tâm nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế, đồng thời mang lại nhiều lợi ích khác, kể cả về mặt kinh tế. Tuy nhiên, để phát huy tốt sức mạnh này trong giai đoạn hiện nay, Việt Nam cần những 'kênh truyền dẫn' hiệu quả hơn nữa.

Những “cánh én” báo tin vui

Ở lĩnh vực điện ảnh, “chiếm sóng” diễn đàn không chỉ là những bộ phim đơn thuần mang về doanh thu trăm tỷ mà còn được gửi gắm nhiều kỳ vọng về phát triển điện ảnh gắn với lịch sử, văn hóa đậm bản sắc riêng của Việt Nam. Sau thành công của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”, các “tín đồ” của nghệ thuật thứ 7 chuẩn bị có thêm nhiều tác phẩm mới với nhiều hứa hẹn hấp dẫn, trong đó có “Hộ linh tráng sĩ - Bí ẩn mộ vua Đinh”, một bộ phim mới của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình, lấy cảm hứng từ truyền thuyết về lăng mộ vua Đinh - vị Hoàng đế đầu tiên đặt nền móng cho nước Việt độc lập sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc; hay phim phá án, ly kỳ của đạo diễn tài năng Victor Vũ - “Thám tử Kiên: Kỳ án không đầu”…

Nghệ thuật truyền thống là tài nguyên văn hóa quý của Việt Nam.

Nghệ thuật truyền thống là tài nguyên văn hóa quý của Việt Nam.

Tại đối thoại “Sức mạnh mềm văn hóa” mới đây do Viện Pháp tại Việt Nam và Viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam (VICAST) tổ chức, thành công của “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” được cả diễn giả Việt Nam và Pháp nhắc nhớ như những ví dụ điển hình với nhiều kỳ vọng cho phát triển công nghiệp văn hóa, phát huy sức mạnh mềm văn hóa nhằm tạo ra sức lôi cuốn và hấp dẫn thế giới đến Việt Nam.

Tiến sĩ Frédéric Martel, nhà văn, giảng viên từ Đại học ZHdK, Zurich cho rằng, bên cạnh các sản phẩm nghệ thuật trên,Việt Nam có nhiều sản phẩm khác thể hiện được sức mạnh mềm văn hóa, lan tỏa ra thế giới. Ở lĩnh vực văn hóa ẩm thực có thể kể đến món phở, bún chả…

Tiến sĩ Frédéric Martel, nhà văn, giảng viên từ Đại học ZHdK, Zurich.

Tiến sĩ Frédéric Martel, nhà văn, giảng viên từ Đại học ZHdK, Zurich.

Theo tiến sĩ Frédéric Martel, phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam cũng tương tự như nhiều quốc gia khác là cần phát huy được nguồn tài nguyên văn hóa và phát triển dựa trên bản sắc của mình. Cùng với đó là những cơ chế, chính sách phù hợp và những kênh truyền dẫn hiệu quả như truyền thông, ngoại giao văn hóa… Ông cũng cho rằng, phát huy sức mạnh mềm văn hóa cần có sự điều tiết từ nhà nước, bên cạnh sự điều tiết của thị trường. Ví dụ, ở Pháp, trong lĩnh vực điện ảnh, có những thời điểm, phim Mỹ vào Pháp rất mạnh nhưng Chính phủ Pháp không chọn giải pháp “đối đầu” mà đón nhận, đồng thời đánh thuế rất cao và lấy nguồn thu này để tái đầu tư phát triển…

Chưa được phát huy tương xứng

Khẳng định Việt Nam là “cường quốc về tài nguyên văn hóa” và có nhiều cơ hội để phát huy sức mạnh mềm văn hóa, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng VICAST khẳng định, các quốc gia lớn như Mỹ, Anh, Pháp và ngay cả các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc đã thành công trong việc sử dụng sức mạnh mềm để gia tăng ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế. Việt Nam với bản sắc văn hóa phong phú và đa dạng, có nhiều lợi thế để khai thác sức mạnh này nhằm quảng bá hình ảnh đất nước và nâng cao vị thế trong mắt bạn bè quốc tế.

Khi phân tách các trụ cột tài nguyên văn hóa của Việt Nam, bà Phương và một số nhà nghiên cứu nhận ra rất nhiều thành tố văn hóa có thể phát triển, từ đó phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Nguồn nhân lực của Việt Nam rất dồi dào khi có cơ cấu dân số vàng và tầng lớp có thể sáng tạo được từ nguồn vốn văn hóa Việt Nam thuộc về các bạn trẻ. Những người cổ vũ động viên họ là các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà tri thức…

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam.

Việt Nam có hàng ngàn lễ hội truyền thống. Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, di sản thiên nhiên, di sản hỗn hợp rất nhiều, phong phú. Các tổ chức, không gian văn hóa của Việt Nam không chỉ là các không gian văn hóa mang tính chất thiết chế văn hóa như bảo tàng, nhà hát mà còn có những không gian đặc trưng như đình làng, không gian chùa chiền - những nơi mà cộng đồng có thể phát huy được vẻ đẹp của mình. Đảng và Nhà nước cũng đã xác định rõ vai trò của văn hóa trong phát triển bền vững, từng bước xây dựng khung chính sách để chuyển hóa tài nguyên văn hóa thành sức mạnh mềm thông qua các kênh truyền dẫn như: Truyền thông, ngoại giao văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa, sáng tạo.

Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương cũng cho rằng, chỉ cần nhận diện việc phát huy sức mạnh mềm văn hóa qua “kênh” công nghiệp văn hóa, không khó để nhận thấy, việc phát huy sức mạnh này chưa đúng tiềm năng lợi thế, bởi hiện nay, công nghiệp văn hóa Việt Nam mới ước đạt 4,04% GDP, tạo hơn 1 triệu việc làm. “Kênh” ngoại giao văn hóa cũng còn nhiều vấn đề phải bàn. Lý do là Việt Nam có quan hệ quốc tế mạnh mẽ nhưng hiện nay Trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài còn ít và việc phát huy vai trò của các Trung tâm chưa như mong muốn. Hiện mới chỉ có Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp và Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Lào.

Kênh ngoại giao văn hóa của Việt Nam ra nước ngoài không mang được những nghệ sĩ tên tuổi và chúng ta không đẩy được các nghệ sĩ có sức lan tỏa ra toàn cầu. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cho phát huy sức mạnh mềm văn hóa cũng còn nhiều vấn đề như bất cập về chính sách hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hóa, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư vẫn đang trong quá trình sửa đổi và diễn ra rất chậm…

Khá nhiều chuyên gia quốc tế còn cảnh báo việc Việt Nam đang có quá nhiều sự lựa chọn nên không lựa chọn phát triển công nghiệp văn hóa trong liên kết chặt chẽ với các kênh ngoại giao văn hóa và truyền thông như là một mũi nhọn tiên quyết trong sự phát triển để tránh các nguy cơ phát triển nóng, tăng trưởng mạnh và khó định vị được năng lực cạnh tranh của mình trên trường quốc tế. Vì có quá nhiều sự lựa chọn nên phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam thông qua các ngành công nghiệp văn hóa chưa phải là sự lựa chọn đặc biệt, ưu tiên hàng đầu, giống như Hàn Quốc đã từng lựa chọn để phát triển công nghiệp văn hóa hay là như người Pháp dù khó khăn như thế nào, dù suy thoái ra làm sao thì văn hóa, nghệ thuật vẫn có những dư địa được bảo vệ, phát huy và được trở thành căn cốt của sự phát triển. Hy vọng, nghịch lý này sẽ được hóa giải trong thời gian tới, khi sức mạnh mềm văn hóa sẽ được phát huy một cách linh hoạt hơn.

Hình ảnh trong vở chèo “Quan âm Thị Kính” của Nhà hát chèo Việt Nam.

Hình ảnh trong vở chèo “Quan âm Thị Kính” của Nhà hát chèo Việt Nam.

Đương đại, kế thừa truyền thống, chạm đến giá trị phổ quát của nhân loại

Về giải pháp, tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng, phải phát huy sức sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển hóa được các chất liệu truyền thống nhằm tạo ra được dòng chảy, sức truyền dẫn của Việt Nam ra thế giới, định vị được giá trị đương đại của Việt Nam. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn với đặc trưng của đô thị và các đô thị phải giữ được các đặc trưng của mình, giữ được những cách biểu đạt văn hóa vô cùng phong phú của Việt Nam, đồng thời phải liên kết được với quốc tế…

“Hiện nay chúng ta đã có 3 thành phố gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO. Hà Nội gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019 với lĩnh vực thiết kế; Đà Lạt với lĩnh vực âm nhạc, Hội An với lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian vào năm 2023; lĩnh vực điện ảnh, chúng tôi đề xuất TP Hồ Chí Minh vào năm 2025... Trong lúc các chiến lược quốc gia còn nhiều lúng túng, sửa đổi luật về hợp tác công - tư, thuế VAT còn lên đến 10% trong lĩnh vực văn hóa thì cơ chế đặc thù cho các thành phố để có thể triển khai sức mạnh mềm văn hóa của các thành phố trong tính kết nối với mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO sẽ là một trong các giải pháp khá linh hoạt và khả thi. Tuy nhiên, cơ chế đặc thù này vẫn đang còn vướng mắc.

Chúng tôi mong muốn sẽ có sự tháo gỡ kịp thời trong giai đoạn sắp tới và trên bản đồ mạng lưới thành phố sáng tạo của thế giới sẽ có thêm nhiều thành phố sáng tạo của Việt Nam, từ đó phát huy nội lực, tạo ra sức lôi cuốn, hấp dẫn thế giới đến Việt Nam. Chúng tôi mong ước đến một ngày, Việt Nam sẽ thuyết phục thế giới bằng chính các giá trị cốt lõi của mình trong sự hình thành những giá trị đương đại, kế thừa giá trị truyền thống và đi cùng với giá trị phổ quát của nhân loại”, bà Phương chia sẻ.

Minh Hà

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/phat-huy-suc-manh-mem-van-hoa-i765824/