Phát huy sức mạnh tập thể Ban Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động của Quốc hội

Tham luận của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Phó Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 của Văn phòng Quốc hội.

Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác thư ký kỳ họp Quốc hội đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống dịch Covid-19, công tác thư ký của Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội trong năm 2021, đặc biệt là từ Kỳ họp thứ Hai đã có nhiều đổi mới.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, Phó tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang tham luận tại Hội nghị

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật, Phó tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Trường Giang tham luận tại Hội nghị

Ảnh: Lâm Hiển

Về công tác ghi biên bản, dưới dự chỉ đạo của Tổng Thư ký Quốc hội, công tác ghi biên bản đã tiếp tục được đổi mới, cải tiến. Trước kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã yêu cầu các Vụ thuộc VPQH cử công chức vững chuyên môn, có kinh nghiệm tham gia Nhóm ghi biên bản tại các phiên thảo luận tại Tổ đại biểu Quốc hội; tổ chức tập huấn kỹ năng ghi biên bản và tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Tại các phiên thảo luận tại Tổ ĐBQH (62 tổ ở địa phương, 10 tổ ở Trung ương), Nhóm ghi biên bản, tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ đã làm tốt việc ghi biên bản, tổng hợp nhanh ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội.

Về công tác tổng hợp, tập hợp ý kiến, trên cơ sở kiến nghị của các Vụ, đơn vị, Tổng Thư ký Quốc hội đã có sự điều chỉnh hướng dẫn cụ thể về mẫu biên bản tập hợp, tổng hợp, kỹ năng tổng hợp.

Ngay sau phiên thảo luận tại Tổ, biên bản thảo luận ở các Tổ đại biểu Quốc hội được gửi về Vụ chủ trì, tham mưu phục vụ nội dung để tập hợp, tổng hợp nhanh. Có thể thấy, công tác tổng hợp nhanh ý kiến ĐBQH thảo luận Tổ tại Kỳ họp thứ Hai đã có chuyển biến rõ rệt và được Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao. Đạt được kết quả đó có sự đóng góp, nỗ lực rất cao của từng thành viên Ban Thư ký, công chức ghi biên bản, đội ngũ kỹ thuật hỗ trợ ghi âm, gỡ bang, đặc biệt là Vụ chủ trì việc tập hợp, tổng hợp ý kiến thảo luận của các ĐBQH.

Việc tổng hợp chính xác, kịp thời ý kiến thảo luận của ĐBQH đã phục vụ cho việc giải trình, cung cấp thông tin bổ sung những vấn đề ĐBQH quan tâm từ phía cơ quan soạn thảo, giúp cho việc thảo luận tại phiên ở Hội trường tập trung, tạo sự đồng thuận cao hơn.

Để chuẩn bị cho Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất của Quốc hội khóa XV, do thời gian tổ chức kỳ họp ngắn, các nội dung được chuẩn bị, hoàn thiện để trình Quốc hội qua các bước là rất gấp, nên công tác tập hợp, tổng hợp ý kiến tiếp tục có sự điều chỉnh để “thích ứng” với yêu cầu thực tiễn công việc. Cụ thể như, đối với dự án Luật sửa đổi bổ sung 8 luật (thực chất là 9 luật gồm cả Luật Nhà ở), do đặc thù nội dung do 5 Ủy ban phụ trách và mang tính độc lập tương đối, nên ngoài Nhóm ghi biên bản “chuyên nghiệp”, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã yêu cầu các Vụ chuyên môn cùng vào cuộc từ sớm, hỗ trợ người, kịp thời tổng hợp nội dung để phục vụ ngay việc chuẩn bị nội dung dự kiến giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật. Bên cạnh đó, với trách nhiệm là đơn vị phục vụ chung cho toàn bộ hoạt động của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội cũng yêu cầu các thành viên trong Ban Thư ký cũng có sự hỗ trợ lẫn nhau để chia sẻ, giảm bớt gánh nặng công việc tại một thời điểm.

Cụ thể như dự án Luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật thuộc trách nhiệm của Vụ Kinh tế chủ trì, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã yêu cầu các Vụ chuyên môn cùng tham gia việc tổng hợp đối với những nội dung dự án luật thuộc trách nhiệm của Ủy ban mà mình trực tiếp phục vụ; đồng thời, sau khi trao đổi, thống nhất với Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã phân công Vụ trưởng Vụ Pháp luật (với tư cách thành viên Ban Thư ký) hỗ trợ Phụ trách Vụ Kinh tế trong việc khâu nối tổng hợp Tổ từ các Vụ chuyên môn, trong khi Phụ trách Vụ Kinh tế đang tập trung cho 2 nội dung nghị quyết khác cũng đang được trình Quốc hội.

Đây có thể nói là sự linh hoạt trong điều hành, chỉ đạo tổ chức công việc của Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký để bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội một cách nhanh nhất, bảo đảm kịp thời phục vụ yêu cầu hoạt động của Quốc hội.

Về kiến nghị, sớm kiện toàn Ban Thư ký theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở số công chức đã được lựa chọn trong Tổ ghi biên bản, tiếp tục rút kinh nghiệm, kiện toàn, nhất là cần bổ sung những công chức am hiểu các nội dung dự kiến trình, thảo luận tại Tổ để ghi biên bản. Để làm được điều này cần có sự phối hợp chặt chẽ từ sớm trên cơ sở dự kiến Chương trình kỳ họp giữa Vụ Tổng hợp với các Vụ trực tiếp giúp việc về chuyên môn cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban, sự phối hợp chặt chẽ giữa Tổng thư ký Quốc hội và Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Tài liệu về các nội dung thảo luận ở Tổ cần được gửi sớm đến các công chức ghi biên bản. Mỗi công chức ghi biên bản cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc nội dung sẽ được thảo luận ở Tổ đại biểu Quốc hội thì mới có thể ghi chép tổng hợp chính xác. Đồng thời, căn cứ vào yêu cầu công việc cụ thể, tiếp tục có những điều hành, tổ chức công việc một cách linh hoạt, phù hợp, bảo đảm phát huy tốt nhất sức mạnh của tập thể Ban Thư ký, Văn phòng Quốc hội đáp ứng kịp thời yêu cầu hoạt động của Quốc hội.

Nhật An lược ghi

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phat-huy-suc-manh-tap-the-ban-thu-ky-quoc-hoi-van-phong-quoc-hoi-dap-ung-kip-thoi-yeu-cau-hoat-dong-cua-quoc-hoi-6gke09jcqm-78616