Phát huy sức mạnh tổng thể của Mặt trận Tổ quốc
Việc sửa đổi 4 luật liên quan sẽ thúc đẩy hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Ngày 21/5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật: Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Điểm nhấn nổi bật là định hướng phát huy sức mạnh tổng thể của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam.
Trình bày trước Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến khẳng định, việc sửa đổi luật nhằm thể chế hóa đầy đủ các quan điểm chỉ đạo của Đảng, nhất là Đề án về việc tinh gọn, hợp nhất các cơ quan của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở các cấp.
Dự thảo đề xuất quy định rõ MTTQ Việt Nam là một bộ phận trong hệ thống chính trị nước CHXHCN Việt Nam, giữ vai trò chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, thành viên khác nhằm phát huy tinh thần hiệp thương dân chủ, thống nhất hành động, nhưng vẫn đảm bảo sự chủ động, sáng tạo của mỗi tổ chức.
Đáng chú ý, dự luật quy định không tổ chức MTTQ Việt Nam ở cấp huyện để đồng bộ với mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo 2 cấp, đồng thời quy định rõ thẩm quyền, vai trò của MTTQ trong các hoạt động như tiếp xúc cử tri, giám sát, phản biện xã hội, lựa chọn hội thẩm nhân dân, giới thiệu đại biểu.
Dự luật cũng đề xuất sửa đổi hệ thống tổ chức công đoàn theo hướng linh hoạt, mở, phù hợp với đặc thù từng đơn vị, tránh chồng chéo và đáp ứng chủ trương kết thúc hoạt động của Công đoàn Viên chức Việt Nam. Tổ chức công đoàn chủ yếu ở các doanh nghiệp, công đoàn ngành, được tổ chức theo hướng mở, linh hoạt theo đặc thù của tổ chức công đoàn.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày cơ bản nhất trí với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 4 Luật nói trên. Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết: "Đối với chủ trương kết thúc việc sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã hiện nay từ ngày 1/8/2025, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi quy định tại Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm phù hợp, khả thi. Thứ hai, có ý kiến đề nghị xác định rõ chủ thể hoặc cân nhắc bổ sung cơ sở pháp lý (như Quy chế mẫu) để hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân sau sắp xếp, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với những nơi không còn tổ chức công đoàn. Đồng thời, không làm gián đoạn và phát huy vai trò giám sát của Ban Thanh tra nhân dân (Điều 62 dự thảo Luật). Thứ ba là Đề nghị nghiên cứu quy định cụ thể cách thức thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiêp công lập không còn tổ chức công đoàn”.
Với Luật Công đoàn, ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết có ý kiến đề xuất xây dựng tổ chức công đoàn theo hướng linh hoạt, bám sát Điều lệ Công đoàn và chủ trương đổi mới theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, trong bối cảnh cải cách mô hình chính quyền địa phương.
Việc sửa đổi 4 luật lần này được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý rõ ràng, thúc đẩy hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.