Phát huy thế mạnh du lịch nông thôn tại Lạng Sơn
Để có được sự thay đổi so với trước đây, nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2025 và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030, ngành VHTTDL tỉnh Lạng Sơn đã chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, phát triển một số sản phẩm du lịch nông thôn.
Theo đó, hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch được quan tâm đầu tư, từng bước thay đổi hình ảnh du lịch Lạng Sơn. Ngành VHTTDL đã hỗ trợ hình thành, phát triển một số sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch sinh thái mới tại các địa phương Bắc Sơn, Hữu Lũng, Đình Lập, Chi Lăng. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng làng du lịch cộng đồng theo tiêu chuẩn ASEAN tại 2 làng du lịch cộng đồng Bắc Quỳnh và Hữu Liên. Qua đó, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch sẵn có của địa phương.

Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, hệ thống đường giao thông ở Xã Hữu Liên phát triển khá. Hơn nữa, trên địa bàn xã còn có khu rừng đặc dụng (RĐD) Hữu Liên, có điểm di tích cấp tỉnh, làng bản dân tộc thiểu số, đây là một trong những thế mạnh có thể phát triển các loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng.
Xã Hữu Liên thuộc vùng núi đá của tỉnh Lạng Sơn, có tổng diện tích hơn 6.000 ha, dân số hơn 3.000 người gồm 5 dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Dao, Mông.
Nơi đây bao gồm một phần phạm vi Công viên Địa chất, nhiều hộ gia đình đã và đang chuyển đổi từ nông nghiệp, lâm nghiệp truyền thống sang các ngành nghề liên quan du lịch như hướng dẫn viên địa phương, cung cấp dịch vụ lưu trú (homestay), dịch vụ ăn uống, hay bán các sản vật địa phương. Được Trung tâm xúc tiến du lịch tổ chức tập huấn về làm du lịch cộng đồng, cách mở homestay, cách nấu ăn phục vụ khách. Hiện nay dù làm ăn còn nhiều khó khăn, nhưng nhiều hộ trong thôn phấn khởi khi Công viên Địa chất Lạng Sơn được nhiều du khách biết tới.


Phát triển dịch vụ, du lịch cũng trở thành động lực cho người dân sản xuất các mặt hàng đặc sản phục vụ du khách. Hiện tại, khi nghỉ tại khu du lịch cộng đồng, khách có thể mua sản phẩm nông sản, các món ẩm thực địa phương hay các bài thuốc dân gian của người Dao...
Lượng khách du lịch đến khu vực Công viên Địa chất Lạng Sơn ở địa bàn hai xã Hữu Lũng (cũ) và Hữu Liên, đã có sự tăng trưởng đáng kể.
Hiện nay, để đáp ứng cho việc khai thác du lịch nông thôn, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai xây dựng bãi đỗ xe, nhà vệ sinh công cộng tại làng DLCĐ xã Hữu Liên. Cùng với đó, địa phương lựa chọn những hộ làm du lịch trong làng DLCĐ Hữu Liên để xây dựng mô hình nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê đạt tiêu chuẩn ASEAN.
Ngoài một cơ sở trên, hệ thống dịch vụ du lịch trên đại bàn tỉnh Lạng Sơn từng bước được chú trọng nâng cấp, phát triển. Thời gian qua, ngành VHTTDL tỉnh Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra, thẩm định điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất phục vụ kinh doanh lưu trú du lịch cho nhiều cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch.

Thực hiện Định hướng phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Lạng Sơn tập trung xây dựng vùng phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tập trung tại khu vực Mẫu Sơn và vùng phụ cận; vùng du lịch văn hóa tại các xã có đông đồng bào dân tộc như Tam Gia, Tú Mịch, Hữu Khánh; vùng du lịch biên giới tại khu vực cửa khẩu Chi Ma…
Các địa phương trong tỉnh đã và đang chú trọng phát triển hạ tầng giao thông kết nối như mở rộng, nâng cấp các tuyến đường vào khu du lịch Mẫu Sơn, tuyến kết nối cửa khẩu Chi Ma – Mẫu Sơn – Lạng Sơn. Đồng thời, tăng cường kêu gọi đầu tư từ các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh, tạo cơ chế thuận lợi để hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng, khu du lịch sinh thái, khách sạn tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Trong đó, ưu tiên các dự án du lịch xanh, bền vững, thân thiện với môi trường.
Tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn hiện nay là 303 cơ sở với 4.175 buồng trong đó có 420 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3-5 sao.
Cũng theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, tính đến nay toàn tỉnh có khoảng 8.500 lao động du lịch, trong đó có 4.200 người lao động trực tiếp. Trong 6 tháng đầu năm thực hiện tiếp nhận và giải quyết 42 hồ sơ cấp thẻ hướng dẫn viên (19 thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, 21 thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế, 2 thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa).
Để đạt mục tiêu tới năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, vào năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh Lạng Sơn đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể.
Điển hình, tỉnh tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển du lịch Lạng Sơn đến năm 2030, xây dựng các cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch. Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về du lịch. Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong triển khai nhiệm vụ phát triển du lịch. Hoàn thiện các quy định, quy chế quản lý du lịch, tăng cường công tác thanh kiểm tra, hướng dẫn, xử lý vi phạm về lĩnh vực du lịch. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh, có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư để các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển du lịch theo hướng bền vững.

Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút nhân lực du lịch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ, nhân viên trong các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Bên cạnh đó, tỉnh Lạng Sơn tập trung phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, ưu tiên các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của tỉnh như: Du lịch văn hóa, lịch sử về nguồn, lễ hội; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch thể thao, vui chơi giải trí; du lịch biên giới cửa khẩu kết hợp mua sắm; du lịch cộng đồng. Phát triển sản phẩm đi đôi với tái đầu tư, bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường.

Tập trung huy động các nguồn lực tham gia đầu tư hạ tầng du lịch một cách đồng bộ, kết nối phát triển hệ thống các trung tâm, khu, điểm, tuyến du lịch. Từng bước hoàn thành, đưa vào khai thác các dự án Quần thể khu du lịch sinh thái như: Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Emer Hill (thành phố Lạng Sơn), Khu du lịch sinh thái danh thắng Thác Bản Khiếng (huyện Lộc Bình) và các điểm du lịch, các khu du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn các huyện, thành phố.
Và cuối cùng, Lạng Sơn tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong tỉnh, giữa các tỉnh trong khu vực và trong cả nước. Chú trọng hợp tác quốc tế về phát triển du lịch.
Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/phat-huy-the-manh-du-lich-nong-thon-tai-lang-son-41949.html