Phát huy thế mạnh nghiên cứu khoa học
Tại khu vực Phòng Sinh thái nước, Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, chúng tôi chứng kiến không khí làm việc nghiêm túc, cẩn trọng, tỉ mỉ của các chuyên gia Liên bang Nga và Việt Nam. Hai bên đang phân tích các mẫu thu thập từ đề tài 'Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hoạt động nhân sinh đến các hệ sinh thái hạ lưu sông Mê Kông'.
Thượng tá, Thạc sĩ Cù Nguyên Định, Phó trưởng phòng Sinh thái nước cho biết: “Chúng tôi đã tổ chức các chuyến công tác với sự tham gia của các chuyên gia Nga đến Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang, Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau… Kết quả đã thu được hơn 40 mẫu nước, hơn 20 mẫu trầm tích cùng các mẫu phiêu sinh vật, động vật không xương sống, cá, giáp xác... Hiện các mẫu được chuyển về nghiên cứu, phân tích tại phòng thí nghiệm”.
Đánh giá về ý nghĩa của đề tài, theo Tiến sĩ Evgeniia Karpova, Viện Nghiên cứu sinh học biển-Kovalevsky (Nga), đây là một nhiệm vụ rất quan trọng, nghiên cứu hệ sinh thái khu vực sông Mê Kông, nhất là các nghiên cứu ở tầng đáy, để bảo vệ và bảo tồn. Trong nghiên cứu sinh thái, không chỉ quan trọng về công nghệ, mà còn phương pháp, do vậy, phân tích càng tỉ mỉ, chuẩn xác các mẫu sẽ có ý nghĩa lớn đến kết quả đề tài, góp phần có những giải pháp cấp thiết thích ứng biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga thời gian qua đã chủ trì và tham gia thực hiện hơn 200 đề tài, nhiệm vụ, dự án các cấp. Chi nhánh phối hợp với các cơ quan, đơn vị khoa học công nghệ (KHCN) trong và ngoài quân đội khu vực phía Nam tạo sức mạnh tổng hợp, tiềm lực cho hoạt động KHCN. Trong giai đoạn 1996-2019, chi nhánh chủ trì, tham gia thực hiện các đề tài, dự án cấp TP Hồ Chí Minh, các tỉnh lẫn cận, góp phần tích cực cho việc phát triển thành phố, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Riêng trong năm 2019, Chi nhánh phía Nam triển khai thực hiện khoảng 30 nhiệm vụ, đề tài các cấp. Các nghiên cứu trên cả ba hướng: Sinh thái nhiệt đới, độ bền nhiệt đới, y sinh nhiệt đới. Trong đó, hướng sinh thái nhiệt đới nghiên cứu tập trung chủ yếu vào thu thập, bổ sung số liệu đa dạng sinh học về hệ sinh thái rừng nhiệt đới miền Nam Việt Nam, các vấn đề liên quan tới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo Thượng tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc phía Việt Nam, Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga, chi nhánh triển khai các nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều thuận lợi do quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước Việt Nam-Liên bang Nga tiếp tục được củng cố và duy trì ổn định. Các cơ quan chức năng hai nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc thúc đẩy quan hệ hợp tác về KHCN qua trung tâm cũng như tại chi nhánh phía Nam. Chi nhánh cũng phát huy thế mạnh trong nghiên cứu, thực hiện những nhiệm vụ KHCN hỗn hợp Việt-Nga đã được Đồng chủ tịch Ủy ban Phối hợp phê duyệt, cùng các đề tài, nhiệm vụ trong nước, các địa phương.
Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục phối hợp đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu KHCN, kết hợp hài hòa nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, thích ứng và chuyển giao công nghệ phục vụ các nhiệm vụ quốc phòng và kinh tế, nhất là những đề tài gắn với thực tiễn phía Nam. Cùng với đó, chi nhánh tiếp tục tham mưu cho trung tâm, cũng như triển khai tham gia vào các nhiệm vụ KHCN phục vụ nhu cầu các địa phương, các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ… Tiến sĩ Igor Palko, Giám đốc phía Nga, Chi nhánh phía Nam Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga cho biết: “Mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã có lịch sử lâu đời và rất tốt đẹp. Trung tâm Nhiệt đới Việt-Nga là tổ chức đặc biệt đã và đang thể hiện vai trò quan trọng, là cầu nối trong mối quan hệ hợp tác giữa hai nhà nước. Các cán bộ khoa học, chuyên gia phía Nga chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ, sự thân thiện, cởi mở trong việc phối hợp triển khai nhiệm vụ từ phía các đồng nghiệp Việt Nam. Sự hỗ trợ này là rất cần thiết, giúp chúng tôi an tâm làm việc như chính ở quê nhà”.