Phát huy thơ ca trong xây dựng, bảo vệ đất nước, quê hương

Ngày 25/2, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 với chủ đề 'Bản hòa âm đất nước', thu hút sự tham gia của nhiều nhà thơ, nhạc sỹ, nghệ sỹ tiêu biểu và đông đảo người yêu thơ.

Nghệ sỹ Thanh Vân ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ.

Nghệ sỹ Thanh Vân ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ.

Nghệ sỹ Nguyễn Đăng Hào, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình cho biết, Ngày thơ Việt Nam năm nay diễn ra trong không khí thi đua gắn với nhiều sự kiện, kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, nhất là hướng tới kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Sự kiện này có ý nghĩa cho những cảm xúc, sáng tạo tươi mới của người cầm bút viết về quê hương, đất nước. Những người làm văn học nghệ thuật nói chung, làm thơ nói riêng rất tự hào được sinh ra, lớn lên trên quê hương Ninh Bình yêu dấu, miền đất từ trong sâu thẳm đã nuôi dưỡng khát vọng, nhân văn để rồi kết trái, nở hoa, bừng lên từ trong gian khó. Miền đất mà thiên nhiên như muốn tìm về bầu bạn với con người.

Theo nghệ sỹ Nguyễn Đăng Hào, dân tộc ta là một dân tộc yêu thơ, cùng với sự hình thành, phát triển của đất nước, đã có một nền thi ca luôn thể hiện trách nhiệm cao trước cộng đồng, trước thời đại. Đất nước đi lên trang nào cũng in đậm những dấu ấn của thơ. Các thế hệ người Việt Nam ta được nuôi dưỡng tinh thần bằng rất nhiều những áng thơ ca tuyệt tác. Thơ đã bắt rễ trong con người Việt Nam và người Ninh Bình, thơ có mặt trong đời sống hôm qua, hôm nay và suốt những mai sau.

Nhờ yêu thơ, con người biết sống với nhau tốt hơn, quý trọng nhau hơn, tha thứ cho nhau nhiều hơn bất cứ một tình yêu nào có trong cuộc sống. Khi nào con người còn yêu cái đẹp thì còn có thơ làm nền, làm điểm tựa dọc con đường vươn tới sự hoàn thiện và chính thơ làm cho thế giới nội tâm của mỗi con người phong phú, giàu có, nhân văn. Những khi trống vắng nhất, người ta hay ngẫm ngợi một, đôi câu thơ, lúc ấy thơ là bà đỡ, chia sẽ, giải tỏa nỗi buồn. Thơ là những cung bậc tình cảm của tâm hồn luôn khát khao, vươn tới những giá trị nhân văn...

Nghệ sỹ, tác giả Trần Lâm Bình ngâm bài thơ "Tháng Giêng".

Nghệ sỹ, tác giả Trần Lâm Bình ngâm bài thơ "Tháng Giêng".

Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Ninh Bình hy vọng Ngày thơ hàng năm sẽ từng bước trở thành một nhu cầu, một hình thái sinh hoạt văn hóa phong phú không thể thiếu được trong các trường học, phố phường, làng bản, thôn xóm... mỗi dịp Xuân về. Đồng thời, với chủ đề "Bản hòa âm đất nước" của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22, các nhà thơ, nghệ sỹ, người yêu thơ sẽ trao đổi, giao lưu, sáng tác, ôn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, tinh thần sáng tạo, đoàn kết trong xây dựng, bảo vệ đất nước, quê hương.

Trong Ngày thơ Việt Nam, các đại biểu, người yêu thơ đã lắng nghe các nghệ sỹ trình bày các tác phẩm thơ: "Nguyên Tiêu, "Chúc Tết năm Giáp Thìn 1964" của Bác Hồ; "Tháng giêng" của tác giả Trần Lâm Bình; "Một thoáng Thung Nham" của tác giả Nguyễn Đình Vân... cùng với các màn trình diễn độc tấu nhị với tựa đề "Chuyện ngày mùa"...

Dịp này, nhiều địa phương, đơn vị tại tỉnh Ninh Bình cũng tổ chức các hoạt động ý nghĩa nhân Ngày thơ Việt Nam.

Tin, ảnh: Hải Yến (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/van-hoa/phat-huy-tho-ca-trong-xay-dung-bao-ve-dat-nuoc-que-huong-20240225103244762.htm