Phát huy tiềm năng địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tài nguyên địa chất, khoáng sản không chỉ là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn là nguồn dự trữ lâu dài của quốc gia cần phải được quản lý tập trung, thống nhất; khai thác, sử dụng bền vững, hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Nhân kỷ niệm 78 năm ngày ra đời của ngành Địa chất Việt Nam (2/10/1945 - 2/10/2023), Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Bình Trọng, Cục trưởng Cục Địa chất Việt Nam để hiểu rõ hơn những đóng góp của Ngành Địa chất Việt Nam trong chặng đường qua.

Ảnh minh họa: Nguyễn Đán/TTXVN

Ảnh minh họa: Nguyễn Đán/TTXVN

Trải qua 78 năm xây dựng và phát triển, ngành Địa chất Việt Nam đã đạt được một số thành tựu gì, thưa ông?

Trải qua 78 năm xây dựng và phát triển, ngành Địa chất Việt Nam luôn phát huy được truyền thống vẻ vang, sáng tạo và đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Tiêu biểu là các công trình địa chất có giá trị về mặt khoa học, kinh tế - xã hội đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước như: Công tác lập bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 đã hoàn thành hơn 73% diện tích phần đất liền. Đáng kể, công trình lập bản đồ địa chất, khoáng sản tỷ lệ 1:500.000 phần đất liền và các đảo trên toàn quốc (hoàn thành năm 1988) - công trình đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ và công trình lập bản đồ địa chất khoáng sản tỷ lệ 1:200.000 phần đất liền (hoàn thành năm 1994).

Cùng với công tác lập bản đồ địa chất, khoáng sản, các nhà địa chất đã phát hiện hơn 5.000 mỏ, điểm quặng, phát hiện và khoanh định các vùng quặng, đới quặng, cấu trúc thuận lợi cho tạo quặng, làm cơ sở để tiến hành các đề án tìm kiếm, đánh giá, thăm dò khoáng sản, xác định tài nguyên, trữ lượng các mỏ, điểm quặng.

Ngành Địa chất Việt Nam đã tổ chức nhiều đề án Chính phủ, đề án cấp Bộ về điều tra, đánh giá nhằm xác định tổng thể tài nguyên khoáng sản phục vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội các tỉnh, thành phố. Ngành đã kịp thời đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2021 -2030 hàng trăm diện tích có tài nguyên khoáng sản tin cậy của 60 loại hình khoáng sản. Kết quả mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước thông qua đấu giá cấp quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; hoàn thành giai đoạn I đề án “Điều tra, đánh giá và phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá các vùng miền núi Việt Nam” chuyển giao tới chính quyền địa phương và các bộ ngành liên quan sản phẩm đề án phục vụ kịp thời phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Với công tác điều tra địa chất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, Ngành đã điều tra, đánh giá đặc điểm cấu trúc địa chất, địa chất công trình; đề xuất các giải pháp khai thác sử dụng lãnh thổ phục vụ xây dựng và phát triển hạ tầng dải ven biển Việt Nam... Trong đó, công tác điều tra địa chất, khoáng sản biển đã hoàn thành điều tra vùng biển độ sâu từ 0-100 m tỷ lệ 1:500.000 trên tổng diện tích điều tra hơn 266.000 km2; hoàn thành điều tra tai biến địa chất, địa chất môi trường vùng biển độ sâu từ 0-30 m nước tỷ lệ 1:100.000 trên diện tích 41.100 km2.

Nhận rõ vai trò và tầm quan trọng ngành Địa chất, trong Nghị quyết số 10-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, lần đầu tiên đưa nội dung quản lý nhà nước về địa chất vào pháp luật; giao xây dựng Luật Địa chất và khoáng sản. Lưu ý quy định cụ thể nội dung điều tra cơ bản địa chất tài nguyên địa chất, khoáng sản, các điều kiện địa chất khác (tai biến địa chất, địa chất môi trường, địa chất thủy văn - địa chất công trình, địa mạo…).

Quán triệt tinh thần Nghị quyết 10/NQ-TW của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, xin ông cho biết Cục Địa chất Việt Nam đã triển khai những nhiệm vụ cụ thể nào?

Thực hiện theo quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường “Điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản phải đi trước một bước, làm cơ sở xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thích ứng với biến đổi khí hậu, Cục Địa chất Việt Nam đã triển khai tốt các nhiệm vụ nhằm đáp ứng quan điểm trên.

Theo đó, Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam đã và đang phối hợp hoàn thiện dự thảo Luật Địa chất và Khoáng sản (sửa đổi). Đến thời điểm hiện tại, dự thảo Luật đã được đăng tải lên Cổng Thông tin điện tử và gửi đến các bộ, ngành, địa phương để lấy ý kiến góp ý.

Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam đã xây dựng, trình Thủ tướng chính phủ phê duyệt 03 văn bản chính của ngành Địa chất giai đoạn 2021-2030: “Chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Kế hoạch thực hiện chiến lược của Bộ Tài nguyên và Môi trường; “Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”; “Khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia”.

Đồng thời, hai Cục tiếp tục thực hiện 04 các đề án Chính phủ gồm: Điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1:50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản vùng Trung Trung Bộ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 và đánh giá tài nguyên khoáng sản, phục vụ khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Cục Khoáng sản Việt Nam và Cục Địa chất Việt Nam đã kịp thời đưa vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản giai đoạn 2021 -2030 hàng trăm diện tích có tài nguyên khoáng sản tin cậy của 60 loại hình khoáng sản. Kết quả mang lại nguồn thu đáng kể cho ngân sách Nhà nước thông quan đấu giá cấp quyền thăm dò, khai thác khoáng sản.

Quy hoạch Điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 là quy hoạch lớn, chuyên môn sâu về kỹ thuật, kinh tế, có vai trò, ý nghĩa quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Vậy theo ông, Ngành cần có những phương hướng cụ thể gì thực hiện hiệu quả quy hoạch này?

Nhằm tổ chức thực hiện hiệu quả các Dự án điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản theo Quy hoạch phê duyệt, trên cơ sở định hướng Chiến lược địa chất, khoáng sản theo Nghị quyết số 10-NQ-TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị, trước hết cần thiết hoàn thiện quy định pháp luật. Cụ thể, Ngành bổ sung, hoàn thiện Luật Khoáng sản, hoàn thiện hệ thống quy định nhằm mở rộng, tăng cường đa dạng hóa các lĩnh vực điều tra địa chất, ngoài lĩnh vực lập bản đồ địa chất khoáng sản và điều tra đánh giá tiềm năng khoáng sản.

Đồng thời, Ngành mở rộng các lĩnh vực khác như: Địa chất đô thị, điều tra địa chất không gian ngầm đô thị, di sản địa chất, địa chất môi trường, tai biến địa chất, điều tra cấu trúc phục vụ chôn lấp chất thải độc hại, khí carbon, điều tra địa nhiệt, điều tra khoáng sản đáy biển sâu.

Ngoài ra, Ngành xây dựng các giải pháp về cơ chế quản lý, tài chính cho các hoạt động điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản, ưu tiên đầu tư nguồn vốn ngân sách nhà nước cho các nhiệm vụ cấp thiết, nhiệm vụ trọng tâm để đảm bảo thực hiện theo tiến độ quy hoạch; cơ chế, chính sách phù hợp, đảm bảo quyền lợi để thu hút nguồn vốn từ các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, góp vốn đối với các nhiệm vụ đánh giá khoáng sản. Huy động vốn của các địa phương, các ngành đầu tư cho điều tra địa chất đô thị, giao thông, điều tra khoáng sản vật liệu xây dựng, điều tra địa hóa đất phục vụ nhu cầu của địa phương.

Ngành đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến trong công tác điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn áp dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến có hiệu quả, độ tin cậy cao, nhất là trong điều tra, đánh giá khoáng sản ẩn sâu, điều tra địa chất, khoáng sản biển, điều tra tai biến địa chất phục vụ ứng phó với biến đổi khí hậu; điều tra địa chất phục vụ cải tạo phục hồi môi trường trong và sau khai thác khoáng sản.

Cùng với đó, Ngành tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ số trong việc lập bản đồ địa chất và điều tra khoáng sản; xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản; cập nhật, tích hợp vào cơ sở dữ liệu quốc gia về địa chất và khoáng sản, cơ sở dữ liệu chung của lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Ưu tiên các nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm; đảm bảo tiến độ thực hiện quy hoạch về vốn, nhiệm vụ, mục tiêu của Quy hoạch; phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong thực hiện Quy hoạch giữa cơ quan chủ trì thực hiện và các bộ, ngành liên quan và các địa phương nơi thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản.

Hướng tới chuyển đổi số ngành Địa chất, thời gian tới, Cục Địa chất Việt Nam cần trang bị các thiết bị hiện đại cũng như ứng dụng công nghệ số nào để phát huy tiềm năng của ngành Địa chất, thưa ông?

Để phát huy tiềm năng của ngành Địa chất, thời gian tới, Cục Địa chất Việt Nam xây dựng và ban hành các quy định kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực địa chất theo hướng chuyển số ngay trong quá trình điều tra cơ bản địa chất; tiếp tục chuyển đổi các dữ liệu đã được số hóa trước đây theo phù hợp với nền tảng dữ liệu lớn.

Khai thác dữ liệu điều tra cơ bản địa chất, dữ liệu lớn là giải pháp đột phá làm nòng cốt chuyển đổi số phục vụ giải quyết các bài toán có tính chuyên môn sâu. Phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao kiến thức, năng lực kỹ thuật nhằm đảm bảo khả năng ứng dụng công nghệ mới, đủ trình độ để chuẩn hóa và tái cơ cấu quy trình nghiệp vụ phù hợp với thực tiễn.

Về công nghệ cần triển khai giải pháp thu nhận, lưu trữ, quản lý thông tin, dữ liệu được chia sẻ, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành Địa chất; thiết lập môi trường chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu trên cơ sở sử dụng nền tảng chia sẻ, tích hợp quốc gia; ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ mới: Big data, IoT, dữ liệu mở, điện toán đám mây…

Về thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin về máy chủ, các nền tảng, dịch vụ dùng chung, đã và đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư tập trung, Cục Địa chất Việt Nam tập trung phát triển, xây dựng các bài toán cho từng chuyên ngành. Đối với các đơn vị trong ngành, cần thực hiện việc triển khai đồng bộ các hệ thống phần cứng như: máy tính, máy tính bảng cầm tay; các thiết bị đo đạc hiện trường được định vị chính xác, lưu trữ và truyền dữ liệu về máy chủ đơn vị; nâng cấp hạ tầng truyền dẫn băng thông rộng; ứng dụng nhật ký địa chất số; sổ đo ghi số...

Về phần mềm, Cục Địa chất Việt Nam cần đầu tư tập trung đơn vị đủ mạnh để khai thác, sử dụng hiệu quả các phần mềm chuyên môn sâu như: Tính tài nguyên, trữ lượng khoáng sản; địa vật lý, viễn thám, mô hình địa chất 3D, bản đồ địa chất 3D.

Trân trọng cảm ơn ông!

Diệu Thúy/TTXVN (thực hiện)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/xa-hoi/phat-huy-tiem-nang-dia-chat-phuc-vu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20231002131018359.htm