Phát huy tiềm năng du lịch ở sườn Đông Tam Đảo
Dãy Tam Đảo trải dài qua 10 xã của huyện Đại Từ với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình. Không những vậy, dải đất ở sườn Đông này còn ghi đậm nhiều dấu tích cách mạng trong thời kỳ kháng chiến, để lại cho thế hệ sau những di tích lịch sử quan trọng. Đây chính là những lợi thế để huyện phát huy tiềm năng du lịch.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho hay: Căn cứ vào điều kiện thực tiễn, huyện đã định hướng phát triển du lịch tập trung vào các loại hình chính, đó là: Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - tín ngưỡng và du lịch trải nghiệm. Trong đó, các địa phương nằm ở sườn Đông Tam Đảo (bao gồm: Phú Xuyên, La Bằng, Hoàng Nông, Văn Yên, Mỹ Yên, Ký Phú, Cát Nê, Yên Lãng, Quân Chu và thị trấn Quân Chu) đóng vai trò quan trọng trong việc định hình phát triển du lịch tại địa phương. Bởi lẽ, nơi đây tập trung phần lớn các di tích trọng điểm của huyện, đồng thời có cảnh quan thiên nhiên ưu đãi, phù hợp với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm. Cùng với Khu du lịch hồ Núi Cốc, tiềm năng du lịch tại các xã nói trên sẽ là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển du lịch…
Những năm gần đây, một trong những thắng cảnh nổi tiếng thu hút đông đảo du khách đến với Đại Từ là suối Kẹm (La Bằng). Do bắt nguồn từ đỉnh non xanh Tam Đảo, con suối mát lạnh và trong vắt, len lỏi qua các phiến đá đủ kích cỡ và hình thù, hấp dẫn nhiều người tới đây nghỉ ngơi, thưởng ngoạn tạo hóa thiên nhiên. Dẫn chúng tôi đi tham quan dọc con suối với hai bên là cây cối xum xuê tỏa bóng mát, ông Triệu Văn Đông, Chủ tịch UBND xã La Bằng chia sẻ: Trung bình mỗi năm, suối Kẹm thu hút khoảng 3.000 lượt khách tới tham quan. Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của du khách, Trung tâm Du lịch sinh thái suối Kẹm (thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo) đã được thành lập từ năm 2017. Tại đây, đơn vị đã dựng một số lán trại để du khách nghỉ ngơi, đồng thời thực hiện hướng dẫn khách tham quan, khám phá. Về phía địa phương, chúng tôi đã chỉ đạo lực lượng Công an xã phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là vào những dịp nghỉ lễ, nghỉ hè, lượng khách đông. Trong tour du lịch đến với suối Kẹm, du khách còn được tham quan mô hình cá nước lạnh và thưởng thức các món ăn từ cá tầm, được trải nghiệm vùng chè đặc sản của tỉnh. Du khách có thể lên đồi chè chụp ảnh và hòa cùng bà con nơi đây hái chè, thăm các cơ sở sản xuất và thưởng trà ngay tại làng nghề chè truyền thống… Phong cách ứng xử thân thiện, mến khách, lịch sự, văn minh của người dân địa phương sẽ là yếu tố thu hút khách đến thăm và trở lại La Bằng.
Rời suối Kẹm với những đồi chè xanh ngút mắt, du khách còn có rất nhiều thắng cảnh thú vị không kém để lựa chọn, như: Thác Đát Ngao (Quân Chu), hồ Vai Miếu (Ký Phú), thác Bom Bom (Mỹ Yên), suối Cửa Tử (Hoàng Nông), thác Ba Dội (Phú Xuyên)... Do nằm dọc triền Đông Tam Đảo, nơi hứng hầu hết các cơn mưa của tự nhiên và do kiến tạo của địa hình đã hình thành nên những con suối, thác nước, vực sâu với cảnh đẹp hoang sơ, kỳ vĩ, thu hút hàng nghìn du khách tới tham quan mỗi năm. Đây chính là tiền đề quan trọng cho phát triển du lịch sinh thái.
Cùng với những thắng cảnh thiên nhiên đẹp, các xã nằm dưới chân dãy Tam Đảo còn là những địa phương giàu truyền thống cách mạng với số lượng lớn các di tích lịch sử và tín ngưỡng. Trong đó, hơn 40% số di tích đã được xếp hạng Quốc gia đều tập trung ở đây. Đơn cử như: Di tích Núi Văn - Núi Võ gắn với danh tướng Lưu Nhân Chú tại xã Ký Phú, Văn Yên; Nơi ra đời Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh tại xã La Bằng; xã Yên Lãng với Chiến khu cách mạng Nguyễn Huệ, nơi 12 đảng viên năm xưa vượt nhà tù Chợ Chu để góp phần thắp sáng ngọn lửa tiền khởi nghĩa của dân tộc…
Nhận thấy tiềm năng lớn về du lịch văn hóa - tín ngưỡng, những năm qua, công tác bảo tồn tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và phát triển du lịch được huyện quan tâm. Điều này được thể hiện rõ nét thông qua Đề án Bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn huyện Đại Từ gắn với phát triển du lịch. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện đã có 12 công trình trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử thuộc các xã ven Tam Đảo với tổng kinh phí gần 46 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương, tỉnh, huyện và nguồn xã hội hóa (gần 1,3 tỷ đồng). Bên cạnh việc đóng góp kinh phí, nhiều người dân còn tích cực tham gia hưởng ứng, hiến đất để mở rộng các di tích. Công tác tuyên truyền, quảng bá về các tiềm năng thế mạnh của huyện cũng được thực hiện thông qua việc tuyên truyền bằng tờ rơi, làm đĩa CD về các điểm di tích,… Đáng chú ý, huyện đã tiếp nhận 4,3ha đất tại xã Quân Chu từ Vườn Quốc gia Tam Đảo, thực hiện lộ trình xã hội hóa xây dựng Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc. Dự án này ngoài việc đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, còn góp phần kết nối và phát triển du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, lịch sử trên địa bàn. Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn của huyện đã tích cực lập hồ sơ khoa học để công nhận các di tích lịch sử. Công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch được tăng cường.
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương, công tác phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông được huyện chú trọng. Từ năm 2016 đến nay, huyện đã thu hút nhiều dự án đầu tư vào các khu di tích như: Làm đường bê tông vào Di tích Núi Văn - Núi Võ với tổng kinh phí gần 220 triệu đồng; làm đường nhựa vào khu di tích Chùa Thiên Tây Trúc với tổng kinh phí gần 42 tỷ đồng;… Đến nay, huyện đã cơ bản hoàn thiện hệ thống đường giao thông đến các điểm du lịch trên địa bàn, tạo điều kiện cho du khách đi lại thuận lợi. Bên cạnh đó, mạng lưới thông tin liên lạc, hệ thống điện lưới đã và đang được đầu tư xây dựng nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân và phát triển du lịch. Từ đây, việc kết nối hình thành các tour du lịch sinh thái kết hợp với tham quan di tích lịch sử đã bước đầu được hình thành như: Hồ Núi Cốc - Di tích 27/7- Thiền viện Trúc Lâm Tây Trúc; Hồ Núi Cốc - Di tích 27/7 - Nơi thành lập cơ sở đảng đầu tiên của Đảng bộ tỉnh - Không gian văn hóa trà La Bằng - Suối Kẹm… Các loại hình nghệ thuật dân gian, các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc của địa phương như: Hát sli, hát lượn, hát then, đàn tính...; các lễ hội, di sản văn hóa phi vật thể như: Đám cưới người Dao (Quân Chu), Tết nhảy (Phú Xuyên)… cũng được chú trọng bảo tồn nhằm phục vụ du khách gắn với phát triển du lịch. Nhiều điểm có lợi thế khai thác du lịch đã được du khách biết đến, như: Suối Cửa Tử (xã Hoàng Nông) đón trên 4.000 lượt người/năm; thác Bom Bom (xã Mỹ Yên) đón trên 5.000 lượt người/năm; Núi Văn - Núi Võ đón gần 2.000 lượt người/năm…
Có thể thấy, cùng với các xã, thị trấn khác trên địa bàn huyện, các địa phương nằm ở sườn Đông Tam Đảo đang cho thấy tiềm năng, thế mạnh của mình trong phát triển du lịch.