Phát huy tiềm năng, lợi thế và huy động mọi nguồn lực để đưa Thủ đô phát triển
Triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị đã mở ra một chương trình hành động tổng thể, bài bản và đầy khát vọng nhằm định hướng và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trên nền tảng những thành tựu đã đạt được, cùng tinh thần đổi mới, sáng tạo và đoàn kết, Thủ đô đang từng bước hiện thực hóa khát vọng vươn lên trở thành một đô thị thông minh, hiện đại, văn minh, hội nhập xứng tầm khu vực và thế giới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo TP Hà Nội trao đổi về những định hướng phát triển của TP tại Hội nghị công bố Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Ảnh: Thanh Hải
Đoàn kết, bản lĩnh vượt qua khó khăn, thách thức
Trước khi ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TW, để đưa Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm với vai trò, vị thế Thủ đô, vào năm 2001, sau 25 năm đổi mới, Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước được Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô.
Bên cạnh đó, sau 13 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất, hợp tác, trách nhiệm, bản lĩnh, trí tuệ trong cấp ủy và tổ chức Đảng các cấp, kể cả những lúc khó khăn nhất khi có biến động về lãnh đạo chủ chốt hay thiên tai, dịch bệnh nghiêm trọng.
Toàn Đảng bộ đã nỗ lực phấn đấu, vận dụng sáng tạo, tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết số 11-NQ/ TW của Bộ Chính trị, nghiêm túc rút kinh nghiệm, thực hiện các giải pháp đồng bộ để phát huy ưu điểm, kịp thời khắc phục được những hạn chế, khuyết điểm và đã đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện, có nhiều dấu ấn nổi bật trên các lĩnh vực hoạt động của Đảng bộ và đời sống kinh tế - xã hội Thủ đô, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của đất nước.
Để góp phần lan tỏa sâu rộng nội dung của Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 1/8/2022, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức Lễ phát động Hội thi tìm hiểu Nghị quyết số 15-NQ/TW. Vòng sơ khảo Hội thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TW diễn ra theo hình thức trực tuyến trên nền tảng web: tuyengiaothudo.vn được tổ chức trong 4 tuần từ ngày 1 – 28/8/2022 theo 2 hình thức là câu hỏi trắc nghiệm và tự luận. Kết thúc vòng sơ khảo có tổng số hơn 1 triệu thí sinh tham gia hội thi. Trong đó, có 873.428 lượt thí sinh tham gia trực tuyến.
Nổi bật, Đảng bộ TP Hà Nội gương mẫu, đi đầu thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các Nghị quyết T.Ư 4, 6, 7 (khóa XI, XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đạt kết quả toàn diện và quan trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng các cấp, chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên.
Kinh tế duy trì tăng trưởng khá; bảo đảm các cân đối lớn ngay cả khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới; đã có 100% số xã xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn - sớm vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Diện mạo Thủ đô nhờ vậy đã có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Sự nghiệp văn hóa, xã hội; giáo dục và đào tạo; y tế; khoa học và công nghệ tiếp tục phát triển, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân được cải thiện. Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố; quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo dấu ấn quan trọng; phối hợp với các cơ quan trung ương, hợp tác, liên kết với các tỉnh, thành phố trong nước được đẩy mạnh. Các khâu đột phá về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của Hà Nội cũng có những chuyển biến rõ nét...
Cụ thể, kết thúc năm 2024, kinh tế - xã hội của Thủ đô đạt được kết quả khá toàn diện với 23/24 chỉ tiêu hoàn thành và hoàn thành vượt mức so kế hoạch đề ra, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch; tăng trưởng kinh tế đạt 6,52%...; thu ngân sách Nhà nước lần đầu tiên vượt ngưỡng 500 nghìn tỷ đồng (đạt 513 ngàn tỷ đồng - cao nhất cả nước, tăng gần 28,3% so với 2023)... Trong quý I/2025, trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động ảnh hưởng tiêu cực, song tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội ước tính tăng 7,35% - mức tăng cao trong 5 năm gần đây.
Thành phố tập trung cụ thể hóa, quán triệt thực hiện các văn bản chỉ đạo của T.Ư, TP về xây dựng Đảng, công tác cán bộ. Triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm, những nhiệm vụ có tính chất chiến lược liên quan đến sự phát triển của Thủ đô như: Nghị quyết 1286/NQ-UBTVQH15 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP Hà Nội giai đoạn 2023 – 2025; triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; tích cực triển khai công tác đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị TP....
Thành phố Hà Nội đã hoàn thành việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và thông qua HĐND TP, các cấp về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Thủ đô theo các Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa XIII). Với tinh thần nghiêm túc, khẩn trương, cách làm bài bản, khoa học, dân chủ, bám sát thực tiễn, toàn thành phố sắp xếp thành 126 xã, phường mới, với sự thống nhất, ủng hộ rất cao của Nhân dân.
Thành phố cũng chủ động chỉ đạo công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp, Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVIII. Ngoài ra, công tác cải cách hành chính trong Đảng và chuyển đổi số trong hệ thống chính trị được quyết liệt chỉ đạo, triển khai ứng dụng các phần mềm trong các hoạt động tác nghiệp và nhiệm vụ chuyên môn; chỉ đạo xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm tích hợp dữ liệu của Đảng bộ TP bước đầu đáp ứng yêu cầu khai thác và sử dụng…

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong việc triển khai Hội thi tìm hiểu Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.
Tạo sức mạnh nội sinh để phát triển Thủ đô bền vững
Từ những kết quả nổi bật và khá toàn diện mà Đảng bộ Thủ đô đã đạt được sau 13 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, Thành ủy Hà Nội đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng để tiếp tục phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Qua đó góp phần hiện thực hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW mà Bộ Chính trị (khóa XIII) đã ban hành.
Đảng bộ Thủ đô quán triệt, thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy trong xây dựng phát triển Hà Nội trở thành Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", sánh vai với các Thủ đô hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tổ chức triển khai, thực hiện nghiêm túc, quyết liệt và có hiệu quả.
Xác định rõ Thủ đô Hà Nội là đại diện của quốc gia, là trái tim của cả nước, có vai trò là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế… Hà Nội đang phát huy mọi tiềm năng, lợi thế và huy động mọi nguồn lực để đưa Thủ đô phát triển.
Thủ đô cũng bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với quy hoạch phát triển vùng, quy hoạch ngành quốc gia và tiến trình mở rộng hợp tác, đẩy mạnh hội nhập quốc tế; xây dựng, phát triển văn hóa, con người Thăng Long - Hà Nội từ đó tạo nên sức mạnh nội sinh để phát triển Thủ đô bền vững.
Đặc biệt, Đảng bộ Thủ đô sẽ tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự gương mẫu, trong sạch, vững mạnh; tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền; xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, vai trò chủ thể của nhân dân.
Mục tiêu quan trọng mà Hà Nội đặt ra là đến năm 2030, Hà Nội sẽ đi đầu cả nước hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; là trung tâm - động lực thúc đẩy và dẫn dắt phát triển vùng và cả nước; có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, sánh vai thủ đô các nước phát triển trong khu vực; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8-8,5%/năm; GRDP/người đạt 12.000-13.000 USD. Tỷ lệ đảng viên, tổ chức Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ hằng năm trên 75%.
Đến năm 2045, Hà Nội sẽ trở thành thành phố kết nối toàn cầu, văn hiến, hiện đại và sáng tạo, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hòa; ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới...

Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn. Ảnh: Phạm Hùng
Lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm để thực hiện
Trong những nhiệm vụ cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị, TP Hà Nội đã lựa chọn những công việc có trọng tâm, trọng điểm để tạo ra sức bật và động lực mới cho Thủ đô phát triển. Trong đó, TP kiên trì thực hiện 3 việc lớn đó là phối hợp xây dựng Luật Thủ đô sửa đổi, nhằm tạo bước đột phá về thể chế, cơ chế; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; xây dựng Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến nay, cả 3 nội dung lớn này đều đã được thông qua. Cụ thể, tại Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương với 54 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật Thủ đô (sửa đổi) đã gỡ bỏ nhiều rào cản hành chính, từ đó tạo điều kiện thuận lợi để Thủ đô phát triển theo đúng kỳ vọng mà Đảng và Chính phủ đề ra.
Tiếp đó, ngày 12/12/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 1569/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”, tạo ra những “cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” trong ngắn hạn và dài hạn, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, ngày 27/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1668/QĐ-TTg về phê duyệt điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Với Luật Thủ đô năm 2024, Hà Nội được phân cấp, giao quyền mạnh hơn để thuận lợi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó là thành phố có thể được giao thực hiện các dự án có tổng vốn trên 10.000 tỷ đồng như các dự án cầu vượt sông Hồng (Thượng Cát, Hồng Hà) và cả các dự án liên tỉnh, liên vùng khác như đường Vành đai 4.
Trong khi đó, với 2 bản quy hoạch quan trọng, Hà Nội sẽ xác định rõ định hướng không gian phát triển đô thị mang tính chiến lược để lên kế hoạch đầu tư, thu hút đầu tư. Hà Nội đã xác định sẽ tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng 2 thành phố trực thuộc là: Thành phố Bắc sông Hồng (Mê Linh - Sóc Sơn - Đông Anh) và thành phố phía Tây Hà Nội (Hòa Lạc - Xuân Mai); hình thành 5 trục phát triển, trong đó lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm.
Bên cạnh 3 nhiệm vụ lớn trên, Thành ủy đã chỉ đạo rất đúng và trúng một số nhiệm vụ mang tính đột phá vừa khắc phục những hạn chế, tồn tại, vướng mắc, vừa tạo năng lượng mới cho 3 trụ cột chính là duy trì tăng trưởng kinh tế, giữ vững an ninh, quốc phòng và bảo đảm an sinh xã hội. Ngoài ra, thành phố đang triển khai đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội. Phát huy vai trò của văn hóa, đầu tư mạnh cho văn hóa, công nghiệp văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực phát triển mới. Thành phố cũng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền và thực hiện cải cách hành chính…
Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, Nhân dân cùng những giải pháp chiến lược mang tính đột phá, Hà Nội đang nỗ lực bứt phá mạnh mẽ để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết số 15-NQ/TW đã đề ra. Quá trình phát triển TP không chỉ là hành trình hiện thực hóa việc xây dựng một Hà Nội "Văn hiến – Văn minh – Hiện đại" mà còn là sự khẳng định vị thế xứng đáng của một Thủ đô giàu truyền thống, bản sắc, năng động và đầy khát vọng vươn cao trong “kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.