Phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện Hải Lăng ngày càng phát triển

Để hoàn thành tốt các mục tiêu Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI đã đề ra và tạo nền tảng vững chắc đưa huyện phát triển đi lên, Hải Lăng tiếp tục đổi mới tư duy cũng như hành động một cách quyết liệt nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thông, giải phóng tối đa, huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

* LÊ THẾ QUẢNG, TUV, Bí thư Huyện ủy Hải Lăng

Đi lên từ nền kinh tế thuần nông, kết cấu hạ tầng thấp kém; công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) nhỏ lẻ; lại phải thường xuyên đối mặt với thiên tai và hậu quả nặng nề của chiến tranh… Đảng bộ và lãnh đạo của huyện qua các thời kỳ luôn quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương chỉ đạo của trung ương, của tỉnh, trăn trở, tìm hướng đi cũng như giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội (KT - XH) địa phương phát triển. Nhờ những chủ trương, chính sách phát triển KT - XH đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của địa phương; lựa chọn những khâu đột phá, những giải pháp, bước đi phù hợp với tình hình, đặc điểm của huyện nên nền kinh tế tăng trưởng khá.

Giai đoạn 1990 - 2000, tốc độ tăng trưởng 7,2%/năm; giai đoạn 2001 - 2010 tăng trên 10%/năm; giai đoạn 2011 - 2021, tốc độ tăng trưởng trên 12%/năm, năm 2021 thu nhập bình quân đầu người đạt trên 59 triệu đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỉ trọng giá trị sản phẩm của ngành CN - XD - TTCN trong tổng giá trị sản phẩm của huyện tăng từ 8,9% năm 1990 lên 37,65% năm 2021; thương mại - dịch vụ tăng từ 25,4% lên 35,89%; nông nghiệp giảm từ 65,7% xuống 26,46%. Trong nội bộ từng ngành kinh tế, cơ cấu sản xuất từng bước có sự thay đổi theo hướng tăng hàm lượng sử dụng công nghệ mới; sản xuất gắn với thị trường và khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng.

Với tinh thần phát huy tối đa các nguồn lực tại chỗ, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế trên cả 3 tiểu vùng gò đồi, đồng bằng và vùng cát ven biển để phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, Đảng bộ Hải Lăng đã lãnh đạo Nhân dân phát triển kinh tế, từ địa phương sản xuất độc canh cây lúa, kỹ thuật canh tác lạc hậu đến nay đã từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp an toàn, sản phẩm sạch, hữu cơ. Tập trung dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn và liên doanh, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, xây dựng sản phẩm OCOP, thương hiệu “Gạo sạch Hải Lăng”.

Nhờ xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, triển khai các giải pháp một cách đồng bộ, khơi dậy sức mạnh trong Nhân dân, các thành phần kinh tế để tập trung phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, bền vững, giai đoạn 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của ngành nông nghiệp đạt 5,06%/năm, năng suất lúa bình quân đạt trên 60 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực có hạt từ 2,8 vạn tấn năm 1990 tăng lên 8,59 vạn tấn năm 2021, chiếm 1/3 sản lượng của toàn tỉnh. Tổng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 2.676 tỉ đồng.

Hải Lăng cũng là một trong những địa phương tạo được nhiều dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Qua hơn 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, từ năm 2011 - 2020, tổng nguồn vốn huy động xây dựng NTM toàn huyện đạt hơn 2.600 tỉ đồng. Từ đó, đã tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, nhiều công trình như trường học, trạm xá, các thiết chế văn hóa, chợ nông thôn, hệ thống giao thông, kênh mương thủy lợi được đầu tư kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của người dân.

Đến nay, toàn huyện có 277 tiêu chí đạt chuẩn, bình quân mỗi xã đạt 18,47 tiêu chí; 12/15 xã đạt chuẩn NTM, đạt tỉ lệ 80%; không có xã đạt dưới 16 tiêu chí. Huyện đạt 4/9 tiêu chí huyện NTM, đời sống của Nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đầu tư xây dựng đô thị cũng được cấp ủy, chính quyền quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. Đến nay, thị trấn Diên Sanh cơ bản đạt các tiêu chí đô thị loại V. Quy mô, chất lượng đô thị từng bước được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật, xã hội đô thị được quan tâm đầu tư khá hoàn chỉnh và đồng bộ. Các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng, nâng cấp; hạ tầng thương mại, dịch vụ phát triển; nếp sống văn hóa và văn minh đô thị được hình thành; chất lượng cuộc sống người dân thị trấn ngày càng được nâng cao.

Công tác thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển CN - TTCN, thương mại - dịch vụ được chú trọng. Hải Lăng là địa phương thuộc vùng lõi của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị. Hiện nay, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đang từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng, có nhiều dự án, công trình trọng điểm như: Công trình đường nối trục dọc Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến cảng Cửa Việt, Dự án Khu Tái định cư xã Hải Khê, Hải An,… Dự án Trung tâm Điện khí LNG Hải Lăng trong Khu phức hợp năng lượng của Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị... sẽ tạo ra những cơ hội, động lực thúc đẩy phát triển KT - XH của huyện. Đã hình thành được 3 cụm công nghiệp (Diên Sanh, Hải Thượng và Hải Chánh) với tổng diện tích 85 ha, đã thu hút được 25 dự án của các doanh nghiệp (DN) vào đầu tư, trong đó có 17 DN đã sản xuất ổn định, giải quyết việc làm cho hơn 2.200 lao động trên địa bàn.

Quy mô sản xuất CN - TTCN và làng nghề tăng dần theo từng năm, tốc độ tăng trưởng đạt 14,5%/năm, năm 2021, giá trị sản xuất đạt 2.884 tỉ đồng. Thương mại - dịch vụ có bước phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng đạt 15,59%/ năm. Công tác xúc tiến các sản phẩm thương mại đặc trưng, chủ lực của huyện cũng được quan tâm. Đến nay có 53 sản phẩm của địa phương được giới thiệu và tiếp cận với thị trường, trong đó có 12 sản phẩm OCOP...

 Hải Lăng tăng cường đưa cơ giới vào đồng ruộng để nâng cao hiệu quả sản xuất - Ảnh: ĐỨC VIỆT

Hải Lăng tăng cường đưa cơ giới vào đồng ruộng để nâng cao hiệu quả sản xuất - Ảnh: ĐỨC VIỆT

Trong những năm qua, nhờ phát huy lợi thế, khai thác tiềm năng, huy động tối đa mọi nguồn lực; tích cực phát triển, khuyến khích và khai thác tốt các nguồn thu, nên thu ngân sách trên địa bàn và huy động vốn đầu tư phát triển tăng nhanh. Năm 1990, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 1,6 tỉ đồng, đến năm 2021 đạt gần 159 tỉ đồng, tốc độ tăng bình quân 22%/năm. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm (2015 - 2020) đã huy động được 4.850 tỉ đồng, gấp 3,1 lần giai đoạn 2005 - 2010 và vượt rất nhiều lần so với giai đoạn 1990 - 1995.

Cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, Hải Lăng đã được tỉnh công nhận là huyện điển hình văn hóa; có 100% làng, đơn vị được công nhận văn hóa. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo phát triển vững chắc, toàn diện cả về quy mô và chất lượng; có 19/42 trường đạt chuẩn; công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, 100% xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; các chính sách đối với người có công với cách mạng, công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội, công tác giảm nghèo bền vững được quan tâm chăm lo chu đáo. Tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 5,5%. An ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Đảng bộ Hải Lăng đã có nhiều nỗ lực trong công tác xây dựng Đảng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng được nâng lên. Bộ máy chính quyền các cấp được kiện toàn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn. Đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, uy tín, năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng đã đổi mới hoạt động, tích cực xây dựng khối đoàn kết toàn dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để xây dựng quê hương giàu đẹp.

Thời gian tới, huyện Hải Lăng tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm là: Tiếp tục thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng của Chính phủ gắn với cơ cấu lại nền kinh tế địa phương; xác định đúng các hướng lựa chọn ưu tiên để khai thác và giải phóng tối đa, huy động, sử dụng có hiệu quả các loại nguồn lực gắn với phát triển ngành, nghề mới; khai thác có hiệu quả lợi thế về vị trí chiến lược, hạ tầng giao thông, tiềm năng phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành kinh tế; phát triển hạ tầng cốt lõi, hạ tầng đấu nối để thu hút đầu tư; đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án động lực; phát huy lợi thế liên kết vùng với các huyện trong tỉnh và các địa phương vùng lân cận gắn với việc đề xuất quy hoạch vùng huyện nằm trong quy hoạch tỉnh; gắn với việc đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, đảm bảo cho các nguồn lực được khai thông, giải phóng tối đa, vận hành thông suốt, phân bổ và sử dụng có hiệu quả. Tăng cường quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn và bảo vệ môi trường. Thực hiện và quản lý quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất của huyện 5 năm 2021 - 2025.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh; xây dựng và đưa Trung tâm Hành chính huyện vào hoạt động. Tập trung xây dựng và thực hiện các giải pháp vừa phát huy các nguồn lực tại chỗ, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, vừa tranh thủ các nguồn lực bên ngoài. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong huyện, thực hiện có kết quả công tác cải cách hành chính; xây dựng bộ máy các cơ quan hành chính tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, hỗ trợ, giúp đỡ và tạo điều kiện tốt nhất cho các DN, nhà đầu tư trên địa bàn.

Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Chương trình giảm nghèo bền vững; chú trọng chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề; chăm lo giải quyết tốt các chính sách an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân. Triển khai thực hiện Chương trình phát triển nhân lực.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiếp tục khẳng định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Ban Thường vụ Huyện ủy luôn xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ then chốt của công tác xây dựng Đảng. Tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Trong thời gian tới, Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, tạo nguồn cán bộ, chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ 2025 - 2030 và những năm tiếp theo. Sơ kết đánh giá việc thực hiện ký cam kết trách nhiệm của ban thường vụ và bí thư cấp ủy các xã, thị trấn với Ban Thường vụ Huyện ủy trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, phát huy vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn toàn huyện.

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=165693&title=phat-huy-tiem-nang-loi-the-xay-dung-huyen-hai-lang-ngay-cang-phat-trien