Phát huy tiềm năng, lợi thế, xây dựng huyện Văn Lâm sớm trở thành đô thị loại IV

Văn Lâm là huyện giáp với thủ đô Hà Nội, được hưởng lợi rất lớn từ hành lang kinh tế, kỹ thuật, đô thị quan trọng của vùng Bắc bộ gồm: Quốc lộ 5, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, các đường vành đai 3, 3,5, vành đai 4 Hà Nội, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng… Lợi thế này đã tạo thuận lợi cho huyện giao lưu phát triển với các địa phương khác trong vùng; thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, trên địa bàn huyện có nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp thu hút sản xuất kinh doanh và giao dịch về nhiều mặt như: Nguyên liệu, thiết bị, lao động, tài chính, viễn thông, tín dụng và vận tải... Đây là những động lực quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa của huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện trở thành 1 trong 3 trọng điểm trong tam giác phát triển phía Bắc của tỉnh...

Khu vực trung tâm huyện Văn Lâm

Thời gian qua, đặc biệt là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015-2020; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 22.12.2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, huyện Văn Lâm đã khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng, lợi thế cho xây dựng và phát triển đô thị. Kinh tế tăng trưởng nhanh. Giai đoạn 2016-2020, kinh tế tăng trưởng đạt mức bình quân 11,65%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng cao. An sinh xã hội được bảo đảm. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 1,7% (năm 2021). Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm thực hiện hiệu quả. Hoạt động của bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Huyện Văn Lâm 5 năm (2017-2021) đứng đầu trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính khối các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Năm 2019, Văn Lâm đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018. Năm 2020, Bộ Xây dựng có quyết định công nhận khu vực phát triển đô thị trung tâm huyện Văn Lâm đạt tiêu chí đô thị loại IV. Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện hoạt động hiệu quả, tỷ lệ lấp đầy cao. Huyện chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho người lao động. Tỷ lệ đô thị hóa theo địa giới hành chính đạt 54,54%. Công tác quy hoạch, quản lý xây dựng các công trình hạ tầng đô thị bước đầu có chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng đô thị đang được quan tâm đầu tư đồng bộ hướng tới hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại III, loại IV. Diện mạo, kiến trúc, cảnh quan đô thị thay đổi tích cực, đặc biệt là hạ tầng giao thông đang được đầu tư theo quy hoạch. Hạ tầng thương mại, dịch vụ ngày càng hiện đại và hoạt động hiệu quả. Hạ tầng xã hội, hệ thống công trình dịch vụ công cộng và nhà ở đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân, thu hút phát triển dân cư, thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Hệ thống cấp nước sạch được đầu tư xây dựng nâng cao công suất, cải thiện chất lượng, từng bước bảo đảm phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn.

Tuy nhiên, diện mạo đô thị, kết cấu hạ tầng của huyện hiện nay chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế, khu vực phát triển trọng điểm của tỉnh. Đến nay, huyện chưa hình thành được các điểm nhấn về phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ, các dự án thu hút còn mang tính nhỏ lẻ. Hạ tầng kỹ thuật đô thị còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu của sự phát triển, nhất là hệ thống giao thông đô thị, thoát nước, vỉa hè, điện chiếu sáng, cây xanh, công viên và các công trình phúc lợi xã hội. Một số tiêu chí còn thấp so với tiêu chí đô thị loại III, loại IV. Chất lượng quy hoạch chưa cao, công tác quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế. Nhiều vấn đề bức xúc về vệ sinh môi trường chưa được giải quyết tốt…

Để khắc phục những hạn chế này, thời gian qua, huyện tập trung rà soát, đánh giá các tiêu chí còn yếu, còn thiếu so với tiểu chuẩn đô thị loại III, loại IV. Theo đó, huyện tập trung nguồn lực hoàn thiện các tiêu chí còn yếu, còn thiếu như: Giao thông, chiếu sáng, cây xanh, cảnh quan, chỉnh trang đô thị... 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn huyện đã có nhiều công trình, dự án được đầu tư xây dựng như: Đường ĐH.13 kéo dài (đoạn từ ĐT.385 đến địa phận tỉnh Bắc Ninh); cầu Đình Dù trên ĐH.11B, huyện Văn Lâm; cải tạo nút giao đấu nối ĐH.12B vào QL.5 tại km14+580; cải tạo, sửa chữa trụ sở Huyện ủy, Trung tâm Chính trị huyện, Nhà lưu niệm Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện; xây dựng cầu Bình Lương trên sông Đình Dù... với tổng mức đầu tư gần 207,5 tỷ đồng.

Cùng với đó, huyện chỉ đạo rà soát, đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật đấu giá quyền sử dụng đất cho Nhân dân làm nhà ở, tạo nguồn lực xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cấp đô thị; tạo ra các khu dân cư mới theo tiêu chí đô thị, tạo cảnh quan, chỉnh trang khu dân cư như: Khu dân cư mới các xã: Việt Hưng, Đại Đồng, Chỉ Đạo, Minh Hải…

Nghị quyết số 29-NQ/TU, ngày 5.7.2022 Hội nghị lần thứ 17 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX về Chương trình phát triển đô thị tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025: Huyện Văn Lâm đạt đô thị loại IV (khu vực trung tâm huyện cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại III); định hướng đến năm 2030, huyện Văn Lâm đạt đô thị loại III (được công nhận là thị xã). Để đạt được mục tiêu đó, huyện xác định quan điểm xuyên suốt là: Xây dựng và phát triển đô thị Văn Lâm theo hướng bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng thương mại, dịch vụ; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại; quy hoạch và xây dựng đô thị có dấu ấn riêng hướng đến đô thị thông minh.

Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở đang nỗ lực, đoàn kết, tập trung cao, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, thu hút đầu tư, chỉnh trang đô thị... để đạt mục tiêu đã đề ra. Hiện nay, huyện đang khẩn trương hoàn thiện để phê duyệt quy hoạch chung huyện Văn Lâm và triển khai lập, điều chỉnh quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, Chương trình phát triển đô thị; gắn kết nối huyện với các huyện, thị xã trong tỉnh và Vùng Thủ đô… bảo đảm quy hoạch, phát triển không gian mở, có hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, xác định các giải pháp cần tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: Xây dựng chiến lược đầu tư, thu hút đầu tư trọng điểm theo định hướng và quy hoạch. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo xu hướng đô thị, trong đó thương mại, dịch vụ là mũi nhọn; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp là động lực thúc đẩy phát triển. Quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, đất đai; khắc phục ô nhiễm, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội và nâng cao đời sống của Nhân dân. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, thông tin, truyền thông, tăng cường đầu tư nâng cao chất lượng, hiệu quả để tạo nền móng của chính quyền điện tử, đô thị thông minh. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, điều hành của các cấp chính quyền theo mô hình chính quyền đô thị hiện đại, kiến tạo, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại; bảo đảm ổn định, an toàn xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Trước mắt, huyện tập trung các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông trọng điểm hạ tầng các cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn huyện; tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng môi trường, xử lý môi trường trên địa bàn huyện… Đồng thời, huyện quyết liệt, tập trung cao thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030.

TRẦN CHU ĐỨC

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-moi/202208/phat-huy-tiem-nang-loi-the-xay-dung-huyen-van-lam-som-tro-thanh-do-thi-loai-iv-5a65309/