Phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh, bền vững
Sáng 16-5, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo 'Phát huy tiềm năng, nguồn lực, phát triển kinh tế nhanh, bền vững'.
Tham dự hội thảo có các đồng chí: Phan Xuân Thủy, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị liên quan, chuyên gia, nhà khoa học…
Báo cáo đề dẫn hội thảo, TS Trần Doãn Tiến, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng cộng sản Việt Nam cho biết: Quan điểm phát triển kinh tế nhanh, bền vững đã và đang trở thành xu thế được áp dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Trải qua 37 năm tiến hành công cuộc đổi mới, quan điểm lãnh đạo phát triển kinh tế nhanh, bền vững của Đảng ta có tính xuyên suốt và không ngừng được bổ sung, hoàn thiện.
Đại hội lần thứ XIII của Đảng chỉ rõ: “Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”.
Với quan điểm xuyên suốt của Đảng, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Đặc biệt, sau gần nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cả nước đã vượt qua khó khăn, thách thức, đạt được một số kết quả bước đầu, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành tựu chung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân…
Ban tổ chức đã nhận được hơn 40 tham luận khoa học của các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các tập đoàn, tổng công ty, các chuyên gia, nhà nghiên cứu…
Các tham luận đã tập trung trao đổi những nhóm nội dung cơ bản như: Cơ sở lý luận về phát huy vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế đất nước; thực trạng công tác lãnh đạo của Đảng trong phát triển kinh tế; nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng trong việc khơi dậy và phát huy các tiềm năng, nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận vào những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Trong đó, đề cập quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể các giai đoạn đến năm 2045 và đặc biệt gắn với 6 nhiệm vụ trọng tâm cùng 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội.
Các ý kiến tập trung phân tích, làm rõ những thành tựu kinh tế Việt Nam; quan điểm của Đảng ta về phát triển kinh tế nhanh, bền vững; giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực của xã hội để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường; phát triển nhanh, bền vững đất nước từ góc độ cộng đồng doanh nghiệp; vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện định hướng lớn của Đảng, phát triển, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...
Từ góc độ của các địa phương, một số tham luận đã đề xuất giải pháp đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy vai trò, vị thế của địa phương trong khu vực động lực của vùng. Cùng với đó là cơ cấu lại nền kinh tế, ngành, vùng và sản phẩm chủ yếu theo hướng hiện đại, tập trung đề xuất các nguồn lực phát triển những sản phẩm có lợi thế so sánh, tham gia sâu chuỗi giá trị toàn cầu...
Phát biểu tại hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy nhấn mạnh, với quan điểm xuyên suốt và thống nhất của Đảng, cùng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phát triển nhanh, bền vững ở Việt Nam đã đạt được những tiến bộ quan trọng. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít bất cập, thách thức. Vì vậy, cơ sở lý luận hiện nay về tăng trưởng và phát triển kinh tế nhanh, bền vững đặt ra những thách thức không nhỏ: Làm thế nào xác định tiềm năng, lợi thế, cơ hội và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; đâu là ngưỡng của các chỉ số đại diện tiêu chí đo lường phù hợp với bối cảnh thực tiễn của mỗi nền kinh tế…
Đánh giá cao ý nghĩa của hội thảo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định: Nội dung thảo luận đã tập trung phân tích, đánh giá và làm sáng tỏ hơn những tiềm năng, nguồn lực của đất nước; chỉ ra những cơ hội để Việt Nam tận dụng được thời cơ, vượt qua những khó khăn, thách thức.