Phát huy tiềm năng và lợi thế của rừng để phát triển bền vững

Vai trò bảo vệ rừng không còn của riêng các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội mà là của cả cộng đồng. Bảo vệ rừng không chỉ là tuần tra, giám sát mà còn kết hợp với phương pháp mới về phục hồi rừng, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng sống gần rừng, trồng thêm cây xanh và nâng cao vai trò bảo vệ các loài động vật hoang dã.

Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt trong đó nêu rõ: Mục tiêu xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp. Đảm bảo sự tham gia rộng rãi, bình đẳng của các tổ chức cá nhân trong hoạt động lâm nghiệp, huy động các nguồn lực xã hội. Phát huy tối đa các tiềm năng, vai trò và giá trị của rừng để phát triển bền vững. Bên cạnh đó là đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu. Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020. Đến năm 2030, 100% diện tích rừng của các chủ rừng là tổ chức được quản lý bền vững nhằm nâng cao hiệu quả bảo tồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng sinh học và đảm bảo chức năng phòng hộ của rừng, giảm thiểu tối đa các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đặc biệt là đến năm 2050, xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật, phát huy tiềm năng và lợi thế của tài nguyên rừng nhiệt đới, ứng dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường. Tạo ra nhiều sản phẩm và dịch vụ, giá trị gia tăng cao, chủ động tham gia chuỗi cung ứng giá trị toàn cầu, đóng góp ngày càng tăng vào sự phát triển bền vững của đất nước… Để thực hiện kế hoạch của Chính phủ, tỉnh Bình Thuận cũng đã đề ra mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp của tỉnh thực sự trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu lực, hiệu quả và có sức cạnh tranh cao, liên kết theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản. Đồng thời quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững diện tích rừng và diện tích đất quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp. Phát huy tiềm năng, vai trò và tác dụng của rừng để đóng góp ngày càng quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng. Tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tác động tiêu cực do thiên tai, giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ, lưu giữ các bon từ rừng, góp phần bảo vệ quốc phòng, an ninh.

Rừng thuộc cung đường đèo Đại Ninh (huyện Bắc Bình). Ảnh: Đình Hòa.

Rừng thuộc cung đường đèo Đại Ninh (huyện Bắc Bình). Ảnh: Đình Hòa.

Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi các ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị và địa phương cần phải đẩy mạnh công tác truyền thông đến người dân về vai trò, giá trị kinh tế, xã hội, môi trường, vai trò của rừng với giảm phát thải khí nhà kính, hấp thụ và lưu giữ các bon, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ quốc phòng và an ninh của rừng. Nâng cao nhận thức về quá trình phát triển rừng bền vững, rừng trồng gỗ lớn có năng suất, chất lượng cao, sử dụng lâm sản có nguồn gốc hợp pháp. Đồng thời phổ biến pháp luật về lâm nghiệp cho người dân, nâng cao ý thức xã hội về quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, phòng chống chặt, phá rừng trái pháp luật. Bên cạnh đó hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp, tăng cường công tác quản lý quy hoạch rừng và đất lâm nghiệp. Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu chọn tạo giống cây rừng bản địa đưa vào trồng rừng, kỹ thuật thâm canh rừng và trồng rừng gỗ lớn. Ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến trong các khâu trồng rừng, khai thác, chế biến gỗ và lâm sản để nâng cao năng suất, chất lượng. đặc biệt là công tác bảo tồn đa dạng sinh học, khai thác hiệu quả lợi ích từ nguồn gen, kết hợp nghiên cứu với đào tạo, chuyển giao công nghệ và hoạt động khuyến lâm. Ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng sản xuất, quản lý nguyên liệu và sản xuất sản phẩm lâm sản từ gỗ rừng trồng.

Trồng rừng cùng với bảo vệ rừng cũng như nâng tỷ lệ che phủ, là một trong các chỉ tiêu để đánh giá phát triển bền vững trong bộ chỉ tiêu về tài nguyên và môi trường và chỉ tiêu phát triển bền vững. Biến đổi khí hậu, suy thoái đất canh tác, bão lũ diễn ra khó lường đang có chiều hướng gia tăng và một trong những nguyên nhân căn bản đó đến từ nguy cơ hủy hoại rừng. Tỷ lệ rừng ngày càng suy giảm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cho phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Chính vì vậy, thực hiện các dự án về trồng rừng, bảo vệ rừng, xây dựng vườn quốc gia, trồng cây xanh, giữ gìn đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái đã bị suy thoái, từng bước nâng cao chất lượng rừng và bảo tồn các nguồn gen di truyền quý hiếm của rừng là việc làm cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.

PHAN LIÊN

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phat-huy-tiem-nang-va-loi-the-cua-rung-de-phat-trien-ben-vung-124647.html