Phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo của các nhà trường trong giáo dục địa phương
Giáo dục địa phương (GDĐP) là môn học được tích hợp với hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học và có vị trí tương đương các môn học khác ở cấp trung học cơ sở (THCS), trung học phổ thông (THPT). Để nội dung GDĐP thực sự phát huy tác dụng trong hoạt động giảng dạy, phù hợp với chương trình tổng thể và góp phần hiện thực hóa mục tiêu giáo dục toàn diện, bên cạnh sự thống nhất, đồng bộ trong chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện của các cấp, ngành chức năng rất cần sự chủ động, sáng tạo từ phía mỗi nhà trường.
Chủ động, sáng tạo trong vận dụng, cụ thể hóa
Vai trò chủ động, sáng tạo của mỗi nhà trường trong vận dụng, cụ thể hóa nội dung GDĐP thể hiện trước hết ở việc giúp học sinh nâng cao ý thức gắn bó, tinh thần ham hiểu biết đối với cộng đồng cũng như những vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở chính tại nơi đang sinh sống; khơi gợi, hình thành trong các em niềm yêu thích, hứng thú tìm tòi, lưu giữ, phát huy những giá trị văn hóa địa phương. Từ nhận thức trên, nên mặc dù khối lượng chuyên môn của năm học khá lớn nhưng nhiều nhà trường ngoài việc bố trí thời gian theo đúng quy định còn chủ động tìm tòi, lựa chọn những hình thức phù hợp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GDĐP.
Theo Thạc sỹ Lê Trọng Hậu, Hiệu trưởng Trường THPT Nam Cao, Lý Nhân, trên cơ sở “khung” nội dung của Bộ và Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), mỗi nhà trường cần chủ động, tích cực vận dụng, cụ thể hóa phù hợp với điều kiện đặc thù của đơn vị, địa phương theo hướng linh hoạt, sát gần thực tiễn, tạo sự gắn kết giữa nhà trường và cộng đồng xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu giáo dục toàn diện. Kinh nghiệm ở Trường THPT Nam Cao là ban giám hiệu chủ động phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ từ những báo cáo viên có kỹ năng, kinh nghiệm vững vàng về lĩnh vực này, qua đó phát triển đa dạng, phong phú thêm nội dung, hình thức, tăng tính thu hút, hấp dẫn đối với học sinh, qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động GDĐP.
Cũng như Trường THPT Nam Cao, hình thức tổ chức: nói chuyện truyền thống, gặp gỡ nhân chứng, tham quan bảo tàng, chăm sóc, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, kháng chiến, tìm hiểu làng nghề truyền thống... đang được nhiều nhà trường chủ động, tích cực vận dụng theo hướng linh hoạt, phù hợp với điều kiện mỗi đơn vị. Trường THPT Lý Nhân một số năm học gần đây rất chú trọng triển khai nội dung GDĐP theo chủ đề tích hợp về: Nhà thơ Nguyễn Khuyến, Nhà văn, nhà báo liệt sĩ Nam Cao; tìm hiểu di tích đền Trần Thương, Lễ hội Phát lương Đức Thánh Trần... Một số trường lựa chọn hình thức tổ chức cho thầy cô giáo, học sinh thăm Bảo tàng Hà Nam, Từ đường Nguyễn Khuyến, Khu lưu niệm Nhà văn, nhà báo liệt sĩ Nam Cao; tổ chức tìm hiểu về danh nhân, dân ca Hà Nam, hướng dẫn học sinh vẽ bản đồ, biểu đồ, tập hợp tư liệu, lập bảng thống kê tư liệu về tình hình địa phương…
Sự chủ động, tích cực của mỗi nhà trường không chỉ giúp học sinh cập nhật những kiến thức cơ bản ban đầu mà còn gợi mở, khích lệ các em mở rộng tìm hiểu để có sự hiểu biết toàn diện, sâu sắc hơn về quê hương, từ đó, nâng cao ý thức giữ gìn, tiếp nối, phát huy vẻ đẹp của mảnh đất, con người Hà Nam trên chặng đường đổi mới, hội nhập, phát triển.
Cô và trò Trường THCS Vĩnh Trụ thực hiện nội dung GDĐP thông qua hoạt động tham quan di tích lịch sử-văn hóa. Ảnh: Thanh Nghị
Chủ động, sáng tạo bổ sung, nâng cao chất lượng giáo trình
Cô giáo Phạm Thị Thanh Lan, Hiệu trưởng Trường THPT Lý Thường Kiệt, Kim Bảng cho biết: Bộ tài liệu GDĐP đang áp dụng cho hai cấp học THPT, THCS trong tỉnh cơ bản bảo đảm về sự thống nhất, đồng bộ. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả nội dung GDĐP, các nhà trường nhất thiết phải chủ động, tích cực tham gia cập nhật, bổ sung, chỉnh lý, nâng cao chất lượng bộ tài liệu này thông qua việc cụ thể hóa những nội dung định hướng chung thành những bộ giáo án của từng môn học phù hợp với cấp học, nhóm lứa tuổi học sinh.
Đặc biệt, quá trình tham gia bổ sung, nâng cao chất lượng tài liệu thông qua biên soạn giáo án phải được tiến hành theo phương châm: thông tin, lĩnh vực được đề cập đầy đủ, cụ thể, phong phú hơn, có hệ thống, có chiều sâu hơn, bảo đảm tính phù hợp, theo kịp những “chuyển động” về kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương trong từng giai đoạn. Cụ thể, các nhà trường phải thường xuyên cập nhật kịp thời những thông tin về dân số, địa giới hành chính, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh, những tiến bộ về cải thiện, nâng cao mức sống vật chất, tinh thần của người dân...
Ở một bình diện khác, việc bổ sung, nâng cao chất lượng tài liệu GDĐP còn phải đáp ứng yêu cầu phù hợp với cơ cấu chương trình giáo dục tổng thể. Trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, giáo trình GDĐP cũng cần có những điều chỉnh về cả dung lượng, nội dung, phương pháp giảng dạy cho phù hợp. Cùng với yêu cầu bảo đảm phù hợp về nội dung, việc bổ sung, chỉnh lý, nâng cao chất lượng tài liệu, giáo trình GDĐP còn đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu cải tiến hình thức trình bày, cải thiện hơn nữa tính hợp lý, tính khoa học, tạo điều kiện thuận lợi trong giảng dạy cũng như tăng tính hấp dẫn và phù hợp hơn với trình độ, khả năng nhận thức, tâm sinh lý các nhóm tuổi học sinh ở từng cấp học.
Về cách thức tiến hành bổ sung, hoàn chỉnh tài liệu, cùng với tăng cường tổ chức (hoặc phối hợp tổ chức) các hội thảo, tọa đàm có quy mô phù hợp để đánh giá kết quả, trao đổi kinh nghiệm thực tế, các nhà trường cần tranh thủ ý kiến tham gia đóng góp của cơ quan chuyên môn, thầy cô giáo, học sinh, phụ huynh về chất lượng các đầu sách GDĐP đã phát hành. Bên cạnh đó, chú trọng phát hiện, biểu dương, nhân rộng điển hình đối với những tập thể, cá nhân tích cực, có cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đây sẽ là những cơ sở rất quan trọng để ngành GD&ĐT tiếp tục cải tiến, bổ sung, chỉnh lý, nâng cao chất lượng tài liệu, giáo trình, thực hiện tốt hơn nội dung GDĐP.
Chủ động, sáng tạo từ mỗi giáo viên
Với mỗi giáo viên, vai trò chủ động, sáng tạo trước hết thể hiện ở việc xây dựng kế hoạch tích hợp kiến thức GDĐP vào chương trình giảng dạy và từng tiết học, môn học một cách phù hợp nhằm đem lại hiệu quả cao nhất. Cụ thể, từ bộ tài liệu chung, mỗi giáo viên cần chủ động lựa chọn khối lượng kiến thức, trình tự sắp xếp sao cho vừa bảo đảm tính khoa học, hệ thống theo yêu cầu vận dụng trong từng tiết học, bài học, vừa phù hợp với khung phân phối chương trình của bộ, sở và thực tế nhà trường. Đồng thời, tính toán, cân đối thời gian, lựa chọn phương pháp, hình thức giảng dạy phù hợp, hiệu quả theo định hướng phát huy tính chủ động, tích cực gắn với phát triển năng lực học sinh.
Trao đổi về vấn đề này, cô giáo Lê Thị Thúy Hà, Trường THCS Vĩnh Trụ, Lý Nhân cho biết: Thực tế cơ cấu số tiết dành cho GDĐP theo quy định rất ít. Hơn nữa, với hầu hết các nhà trường, nhất là những trường tuyến đầu về giáo dục mũi nhọn, thời gian dành cho GDĐP thông qua hoạt động ngoại khóa càng trở nên hiếm hoi. Từ thực tế đó, để nâng cao chất lượng, hiệu quả GDĐP, vai trò chủ động, tích cực, sáng tạo từ mỗi giáo viên càng trở nên quan trọng. Ngoài chủ động lồng ghép nội dung GDĐP vào các tiết chính khóa một cách phù hợp, mỗi giáo viên cần tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc nghiên cứu học liệu, sưu tầm hình ảnh, video minh họa bài học cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy. Cùng với đó, tăng cường lồng ghép nội dung GDĐP vào các hoạt động tập thể; đồng thời, chủ động khai thác thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy nội dung GDĐP nhằm đem lại hiệu quả cao nhất với khuôn khổ thời gian theo quy định.
Ngoài ra, việc tích cực, chủ động khuyến khích học sinh, đồng hành cùng học sinh tham gia hưởng ứng các cuộc thi của ngành cũng là một cách làm hiệu quả trong GDĐP mà nhiều thầy cô giáo Trường THCS Vĩnh Trụ đã áp dụng. Kết quả một số cuộc thi do Bộ GD&ĐT tổ chức (vận dụng kiến thức liên môn giải quyết các tình huống thực tiễn; thi khoa học kỹ thuật…) hoặc những cuộc thi tìm hiểu truyền thống do cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức thời gian qua đã ghi nhận sự hiểu biết sâu sắc về truyền thống quê hương, ý thức nắm bắt thực tế và khả năng đưa ra giải pháp xử lí những vấn đề đặt ra ở địa phương của học sinh. Ở phạm vi toàn tỉnh, cách làm này đã mang lại những kết quả rất tích cực. Ngành Giáo dục Hà Nam đã từng đạt thành tích cao ở nhiều giải quốc gia về lĩnh vực GDĐP với một số bài thi tiêu biểu: “Giới thiệu hát Dậm Quyển Sơn”, “Giới thiệu quê hương Hà Nam với du khách nước ngoài”, “Giới thiệu về dân ca giao duyên vùng ngã ba sông Móng”, “Giới thiệu lễ hội Tịch điền”, “Thuyết minh di tích lịch sử đền Trần Thương”, “Hãy cứu lấy sông Châu”,…
Như vậy, thực tế đã và đang có rất nhiều cách làm chủ động, sáng tạo, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực trong GDĐP. Vấn đề là mỗi nhà trường, mỗi thầy giáo, cô giáo phải chủ động, tích cực tìm hiểu, vận dụng sao cho phù hợp.