Phát huy tinh thần đoàn kết, thi đua sản xuất để phát triển bền vững

Sơn Hòa có vị trí chiến lược về QP-AN đặc biệt quan trọng. Toàn huyện có hơn 59.900 người; trong đó, người đồng bào DTTS chiếm 37,1%. Huyện có 13 DTTS với sắc thái văn hóa đặc trưng, tạo nên một nền văn hóa khá đa dạng. Đồng bào các DTTS luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết trong kháng chiến cũng như thi đua lao động sản xuất trong thời kỳ xây dựng, đổi mới và phát triển đất nước.

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa biểu diễn một tiết mục văn nghệ ca ngợi truyền thống các dân tộc. Ảnh: NGÔ XUÂN

Học sinh Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sơn Hòa biểu diễn một tiết mục văn nghệ ca ngợi truyền thống các dân tộc. Ảnh: NGÔ XUÂN

Đặc biệt, từ sau Đại hội đại biểu các DTTS lần thứ III (năm 2019), cộng đồng các DTTS tiếp tục khơi dậy lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, phát huy sức mạnh đại đoàn kết, nỗ lực phấn đấu thực hiện quyết tâm thư của đại hội.

Khai thác hiệu quả các nguồn vốn

Theo UBND huyện Sơn Hòa, trong giai đoạn 2019-2024, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước; các cấp ủy đảng, chính quyền đã tập trung chỉ đạo, phối hợp thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) về đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách an sinh xã hội nên đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các DTTS được cải thiện; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được phát huy; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được tăng cường.

Cụ thể, Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719) với 10 dự án và 12 tiểu dự án thành phần, được triển khai tại 11 xã, với 38 thôn đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2022-2023, từ nguồn vốn nguồn ngân sách trung ương, Sơn Hòa được phân bổ 138,9 tỉ đồng; đến nay đã giải ngân được 56,46% nguồn vốn.

Qua đó, địa phương đã hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 203 hộ nghèo, cải tạo đất sản xuất cho 6 hộ, sửa chữa 2 công trình nước sinh hoạt tập trung; đầu tư 71 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, 6 hạng mục công trình cơ sở hạ tầng cho Trường phổ thông Dân tộc nội trú huyện, 6 công trình quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư; đầu tư thiết chế văn hóa cho 5 nhà văn hóa và xây mới 4 nhà văn hóa…

Từ nguồn vốn sự nghiệp, huyện hỗ trợ các công trình nước sinh hoạt phân tán cho 490 hộ dân; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 289 hộ và đầu tư nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi, với tổng kinh phí 5,7 tỉ đồng…

Thực hiện chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2019-2020, Sơn Hòa được phân bổ 1,3 tỉđồng để bố trí di dãn dân, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt phân tán cho 207 hộ dân. Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho 345 lượt hộ vay với số tiền 14,2 tỉ đồng; giúp các hộ nghèo tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ưu đãi, phát triển sản xuất.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững ở vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2019-2024, huyện được phân bổ 12,5 tỉ đồng, hỗ trợ thực hiện 6 dự án, tiểu dự án tại 10 xã vùng đồng bào DTTS, với 1.500 đối tượng được thụ hưởng, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng DTTS hằng năm là 3,16%; đạt 90,28% so với nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra.

Bên cạnh đó, địa phương này cũng thực hiện tốt việc lồng ghép các nguồn vốn để đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi; kiên cố hóa kênh mương. Cơ sở hạ tầng vùng nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng, đáp ứng theo lộ trình các tiêu chí đề ra. Bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, thu nhập người dân được nâng cao.

Công tác xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào DTTS và miền núi luôn được quan tâm; 100% thôn, buôn, trường học trên địa bàn đều có chi bộ đảng. Trong 5 năm, toàn huyện đã kết nạp được 880 đảng viên; trong đó có 307 đảng viên là người đồng bào DTTS, chiếm 34,8%. Người có uy tín trong đồng bào DTTS phát huy tốt vai trò nòng cốt trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc và giữ gìn an ninh trật tự trong cộng đồng.

Phát huy lợi thế để phát triển bền vững

Trong giai đoạn 2024-2029, huyện Sơn Hòa tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh tạo ra các cơ hội để vùng dân tộc, miền núi phát triển nhanh và bền vững. Mục tiêu của huyện là đẩy mạnh giảm nghèo vùng DTTS, rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các địa phương trong huyện; giảm dần vùng đặc biệt khó khăn, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc.

Với sự tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, đồng bào các DTTS huyện Sơn Hòa không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết; ra sức lao động, sáng tạo, tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng; quyết tâm giữ vững AN-QP, xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa

Phấn đấu đến năm 2029, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách an sinh xã hội nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, phấn đấu đưa vùng DTTS thoát nghèo và phát triển bền vững.

Ông Phạm Đình Phụng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hòa cho biết: Để hoàn thành được các mục tiêu trên, huyện tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng cơ bản và thương mại, dịch vụ; tăng cường công tác bảo vệ và phát triển rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn.

Đồng thời tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư vào các dự án phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế; đa dạng các hoạt động thương mại, dịch vụ phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào DTTS; đẩy mạnh phát triển du lịch, đầu tư hạ tầng và khai thác có hiệu quả các điểm du lịch hiện có; hình thành và phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch khu vực lòng hồ thủy điện…

Biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa xã Suối Trai đã trở thành một hoạt động văn hóa quen thuộc của người dân huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN

Biểu diễn nghệ thuật cồng chiêng tại Ngày hội Văn hóa xã Suối Trai đã trở thành một hoạt động văn hóa quen thuộc của người dân huyện Sơn Hòa. Ảnh: NGÔ XUÂN

Bên cạnh đó, địa phương tiếp tục khai thác các nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS; huy động, lồng ghép các nguồn lực thuộc các chương trình MTQG để đầu tư các công trình giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế, các công trình văn hóa và phúc lợi công cộng…

Đồng thời đảm bảo công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, chăm sóc sức khỏe nhân dân; nâng cao chất lượng GD-ĐT, văn hóa - thể thao; nguồn nhân lực; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS.

Thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa truyền thống các DTTS gắn với hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, huyện Sơn Hòa tiếp tục bố trí nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng tour, tuyến gắn kết du lịch với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS.

Về giải pháp cụ thể, huyện Sơn Hòa ưu tiên vốn và phối hợp lồng ghép các chương trình MTQG của trung ương, địa phương và các nguồn lực khác để đầu tư phát triển kết cầu hạ tầng KT-XH thiết yếu vùng đồng bào DTTS, vùng đặc biệt khó khăn; phát huy ý chí tự lực, tự cường, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại trong một bộ phận cán bộ và Nhân dân.

Cùng với đó, huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, giữ vững AN-QP, TTATXH vùng DTTS.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/420/317468/phat-huy-tinh-than-doan-ket-thi-dua-san-xuat-de-phat-trien-ben-vung.html