Phát huy tinh thần Quốc khánh 02/9, vững bước đi lên

77 năm trôi qua nhưng tinh thần Quốc khánh 02/9 vẫn mãi là nguồn cổ vũ, động viên Đảng bộ, chính quyền và nhân dân ta thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Lịch sử hào hùng

Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng công bố trước đồng bào và thế giới bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công - nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á, mở ra kỷ nguyên mới độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Từ đêm trường nô lệ, nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị của thực dân, phong kiến, trở thành người làm chủ của đất nước.

Long An có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển hài hòa cả công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp (Trong ảnh: Một góc TP.Tân An)

Long An có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển hài hòa cả công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp (Trong ảnh: Một góc TP.Tân An)

Tuyên ngôn Độc lập nhấn mạnh: “Tất cả các dân tộc trên thế giới sinh ra đều có quyền bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc. Tất cả các quyền đó đều là những quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi dân tộc trên thế giới...”; “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập!”.

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Bản Tuyên ngôn đã trở thành sức mạnh to lớn đưa toàn dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện lời thề thiêng liêng trong ngày Lễ Độc lập: “Quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cách mạng Việt Nam giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong suốt 77 năm qua.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An luôn đoàn kết, đồng lòng, đóng góp sức người, sức của, sát cánh cùng quân - dân các địa phương khác tạo nên những chiến thắng vang dội, đóng góp vào những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc, được Ủy ban Trung ương Mặt trận Giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu cao quý “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Phát huy truyền thống

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Đảng bộ, dân và quân Long An bắt tay ngay vào công cuộc kiến thiết, xây dựng quê hương. Tỉnh tập trung khôi phục nền kinh tế, ổn định sản xuất, phát triển văn hóa, xã hội, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Trong từng giai đoạn lịch sử, tỉnh đã đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm mang tính đột phá, tạo chuyển biến mạnh mẽ đối với sự phát triển của tỉnh.

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa

Hiện nay, cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa

Vừa hàn gắn các vết thương chiến tranh, tổ chức khôi phục và phát triển kinh tế, Long An còn đi đầu trong phong trào xóa nạn mù chữ ở miền Nam, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, làm trọn nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.

Với vị trí giáp ranh TP.HCM, cửa ngõ nối liền Đông Nam bộ với khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh có điều kiện thuận lợi trong việc phát triển hài hòa cả công nghiệp, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp. Từ đầu năm 2022 đến nay, có 1.042 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng số vốn 14.988 tỉ đồng, tăng 7% số doanh nghiệp. Trên địa bàn tỉnh hiện có 14.715 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với tổng vốn đăng ký 358.046 tỉ đồng.

Nhờ khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có, biến các thách thức thành cơ hội mới cho địa phương phát triển, tỉnh đã vươn lên tốp đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều năm qua, Long An luôn là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá cao so với trung bình chung của cả nước. 6 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 5,11%. Đây là mức tăng trưởng tương đối khá trong bối cảnh vừa phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đúng theo định hướng chung của tỉnh. Vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh được duy trì phát triển với thế mạnh về cây lúa. Đây là vùng chuyên canh cây lúa chất lượng cao, đóng góp hàng triệu tấn lúa mỗi năm. Bên cạnh đó, tỉnh còn chuyên canh cây thanh long, rau màu, nuôi bò,... theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tạo ra các sản phẩm có chất lượng, sức cạnh tranh trên thị trường.

Xây dựng quê hương

Sau gần 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh (nhiệm kỳ 2020 - 2025), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Long An không ngừng nỗ lực, phấn đấu, nắm bắt tốt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, đạt một số kết quả tích cực. Toàn tỉnh có 18 khu công nghiệp đang hoạt động, thu hút được 1.738 dự án đầu tư với diện tích trên 2.457ha, lấp đầy trên 91%; 22 cụm công nghiệp hoạt động, thu hút 679 dự án.

Toàn tỉnh hiện có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Toàn tỉnh hiện có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới

Tính đến cuối tháng 7/2022, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.432 tỉ đồng, đạt 77,4% dự toán, tăng 13,9% so cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa 10.894 tỉ đồng, đạt 80,1% dự toán, tăng 19,8%. Hoạt động thương mại tiếp tục đà phục hồi, thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 7 tăng tới 75,9% so cùng kỳ và 7 tháng đầu năm tăng 15,75% so cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch tăng 6,67%.

Từng bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh nhưng nhờ biết phát huy nguồn lực sẵn có và tranh thủ sự hỗ trợ từ Trung ương, Đảng bộ tỉnh tập trung hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, chương trình đột phá, góp phần thúc đẩy phát triển KT - XH. Từ một tỉnh thuần nông, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, lĩnh vực nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Diện mạo quê hương từ nông thôn đến thành thị có những đổi thay vượt bậc.

Nông nghiệp của tỉnh được duy trì, phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Nông nghiệp của tỉnh được duy trì, phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất

Đến nay, toàn tỉnh có 112/161 xã đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 69,56%), trong đó có 22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; huyện Châu Thành, huyện Tân Trụ, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Ông Võ Văn Hoàng (ấp 4, xã Tân Phước Tây, huyện Tân Trụ) phấn khởi nói: “Dù là nông thôn nhưng đời sống người dân khá đầy đủ, không thua gì thành thị. So với những ngày mới giải phóng, phải nói diện mạo nông thôn bây giờ đổi thay gấp ngàn lần. Từ sự đầu tư của Nhà nước, rất nhiều công trình cộng đồng đã được xây dựng trong những năm qua giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân”.

Phát huy tinh thần Quốc khánh 2/9, kế thừa truyền thống của cha ông, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết đề ra, xây dựng tỉnh Long An phát triển nhanh và bền vững./.

Kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông không ngừng được đầu tư, mở rộng

Kết cấu hạ tầng nông thôn, nhất là hệ thống giao thông không ngừng được đầu tư, mở rộng

Để có được hòa bình hôm nay, nhân dân ta đã đổ biết bao máu, xương. Nhiều người thân trong gia đình tôi cũng đã chiến đấu và hy sinh. Hơn ai hết, tôi thấu hiểu nỗi đau do chiến tranh gây ra và càng trân quý hơn giá trị của nền độc lập, tự do. Từ nhận thức đó, tôi thấy mình và gia đình có trách nhiệm phải chung tay, góp sức xây dựng quê hương bằng những việc làm cụ thể, thiết thực nhất, góp phần tô thắm thêm truyền thống Long An “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Trần Thị Mỹ Hạnh (khu phố 3, thị trấn Bình phong Thạnh, huyện Mộc Hóa)

Ngày 2/9 là mốc son lịch sử trọng đại của đất nước. Và thời khắc khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập sẽ sống mãi trong tâm trí của mỗi con người Việt Nam. 77 năm trôi qua, dù trong hoàn cảnh nào, nhân dân ta cũng luôn đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đời sống không ngừng nâng lên. Bộ mặt nông thôn không ngừng đổi mới. Tôi luôn cảm thấy tự hào với truyền thống của quê hương và giáo dục con cháu phải cố gắng chăm chỉ học hành, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của những người đi trước”.

Chị Phạm Thị Xứng (ấp 5, xã Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa)

Kỳ Nam

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/phat-huy-tinh-than-quoc-khanh-02-9-vung-buoc-di-len-a140926.html