Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Bình Giã vào xây dựng quân đội giai đoạn hiện nay

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng là truyền thống vẻ vang, được hun đúc, bồi đắp và phát huy trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, tinh thần quyết chiến, quyết thắng thể hiện ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, được biểu hiện sinh động qua những chiến công mà Chiến thắng Bình Giã là một điển hình. Chiến thắng Bình Giã là chiến thắng của một chiến dịch tiến công quy mô nhỏ nhưng có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân Giải phóng miền Nam (bộ phận của QĐND Việt Nam); đồng thời, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của Chiến dịch Bình Giã để lại những kinh nghiệm quý về phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong xây dựng QĐND Việt Nam hiện nay.

1. Mở Chiến dịch Bình Giã thể hiện quyết tâm cao độ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta nhằm đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn

Bước vào năm 1964, trước sức mạnh của cách mạng miền Nam, chương trình bình định của Mỹ và chính quyền Sài Gòn với “quốc sách ấp chiến lược” về cơ bản đã bị đánh bại(1). Để tạo bước tiến mới cho cách mạng miền Nam, tháng 9-1964, Hội nghị Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng chủ trương đẩy mạnh hoạt động tác chiến, tích cực tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận quân chủ lực địch, phối hợp mọi mặt đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, binh vận làm tan rã phần lớn quân địch; giao Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh chuẩn bị kế hoạch chiến lược, tranh thủ thời cơ đánh bại quân đội Sài Gòn (QĐSG) trước khi đế quốc Mỹ tăng cường lực lượng vào miền Nam. Chấp hành chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 11-10-1964, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh chỉ thị tiến hành đợt hoạt động quân sự trên toàn miền Nam trong đông xuân 1964-1965, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng chủ lực QĐSG, mở rộng vùng giải phóng. Thực hiện chỉ thị, tháng 10-1964, Trung ương Cục miền Nam họp thông qua Kế hoạch mùa khô 1964-1965 của Bộ chỉ huy (BCH) Miền, trong đó xác định: Mở chiến dịch đầu tiên trên địa bàn các tỉnh Bà Rịa, Long Khánh, Biên Hòa, Bình Thuận nhằm tiêu diệt một bộ phận chủ lực của địch, làm chuyển biến so sánh lực lượng, cục diện có lợi cho ta; hỗ trợ phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng, đẩy mạnh chiến tranh nhân dân, mở rộng vùng giải phóng. Do ta chọn ấp chiến lược Bình Giã làm mục tiêu tiến công mở đầu nên chiến dịch mang tên Bình Giã.

Như vậy, quyết định mở Chiến dịch Bình Giã thể hiện thống nhất tinh thần quyết chiến, quyết thắng, quyết tâm tiến công địch của cấp ủy đảng, chỉ huy các cấp từ Trung ương đến cơ sở; đồng thời, thể hiện sự tập trung trí tuệ, phân tích, nhận định đúng tình hình, xây dựng quyết tâm giành thắng lợi nhằm tạo chuyển biến quan trọng cho cách mạng miền Nam. Thời điểm này, đế quốc Mỹ tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự cho chính quyền Sài Gòn đẩy mạnh xây dựng quân đội với quân số đông(2), trang bị vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, áp dụng chiến thuật mới “trực thăng vận”, “thiết xa vận”, cơ động nhanh lực lượng bằng đường bộ, đường không để thực hiện bao vây, tiến công hợp điểm. Tuy nhiên, với nhãn quan chính trị sắc bén, Đảng ta đã nhận rõ những điểm yếu chí tử của QĐSG là tinh thần chiến đấu sa sút, sợ thương vong, chủ yếu dựa vào sức mạnh của vũ khí, trang bị. Căn cứ tình hình thực tiễn, Đảng chủ trương: Nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sử dụng bạo lực cách mạng của lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân để tiến công địch. Đây là cơ sở quan trọng để BCH Miền quyết tâm mở chiến dịch tiến công Bình Giã, làm thay đổi so sánh lực lượng trên chiến trường và cục diện chiến lược. Chiến thắng Bình Giã là một minh chứng hùng hồn về sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng-nhân tố quyết định thắng lợi cách mạng Việt Nam.

Thắng lợi Bình Giã để lại bài học quý trong xây dựng quân đội hiện nay. Đó là, thường xuyên quán triệt sâu sắc đường lối quân sự của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh là vấn đề có ý nghĩa quyết định để xây dựng QĐND Việt Nam vững mạnh toàn diện, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở, hoàn thành tốt nhiệm vụ của lực lượng nòng cốt trong thực hiện phương châm “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia”(3). Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác giáo dục quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng về công tác quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc và mệnh lệnh công tác quân sự hằng năm của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tập trung làm rõ nội dung cơ bản của Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Chiến lược Quốc phòng Việt Nam; Chiến lược quân sự Việt Nam… Quá trình quán triệt cần thống nhất nhận thức về một số quan điểm chỉ đạo cơ bản, xuyên suốt của Đảng là: Giữ vững sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội; kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xây dựng sức mạnh tổng hợp của đất nước về chính trị, tư tưởng, kinh tế, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; quán triệt đường lối độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động, tích cực hội nhập quốc tế; vận dụng đúng đắn quan điểm về đối tác, đối tượng... làm định hướng xây dựng quân đội và từng đơn vị. Từng địa phương, đơn vị cần nắm bắt và bám sát tình hình thực tiễn để xác định kế hoạch, triển khai xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.

2. Làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội

V.I.Lênin đã chỉ rõ: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”(4). Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội là yếu tố, điều kiện bảo đảm cho Chiến dịch Bình Giã giành thắng lợi.

Quán triệt sâu sắc quyết tâm tiến công địch của Bộ Chính trị, Trung ương Cục, Đảng ủy và BCH Miền, BCH chiến dịch, cấp ủy, chỉ huy các cấp đã tiến hành thường xuyên, liên tục nhiều biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội. Với yêu cầu phải “nhấn mạnh tư tưởng kiên quyết tấn công kẻ thù...”(5), nội dung công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng được các cấp ủy đảng tiến hành toàn diện, tập trung quán triệt tình hình, mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ và ý nghĩa của chiến dịch; làm rõ sự phát triển tất yếu của chiến tranh cách mạng và đòi hỏi của chiến trường thời điểm đó phải tập trung đánh lớn để tiêu diệt một bộ phận chủ lực QĐSG, hỗ trợ cho nhân dân phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng, phát triển chiến tranh nhân dân, xây dựng căn cứ địa, tạo ra cục diện mới thúc đẩy cách mạng miền Nam phát triển. Giáo dục cho bộ đội hiểu rõ thuận lợi, khó khăn, đồng thời coi trọng quán triệt quan điểm phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, làm cơ sở thực hiện phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến, cách đánh chiến dịch, chiến thuật của cán bộ, chiến sĩ.

Chiến dịch đã làm tốt việc phát động phong trào thi đua lập công, đề ra mục tiêu, chỉ tiêu, khẩu hiệu hành động sát hợp với từng đơn vị, từng đợt, từng trận đánh; thường xuyên sâu sát, chăm lo động viên tinh thần chiến đấu, cổ vũ chiến trường, tạo động lực củng cố niềm tin, ý chí quyết tâm chiến đấu cho bộ đội. Nhờ đó, tinh thần quyết chiến, quyết thắng được phát huy cao độ trong suốt quá trình chuẩn bị và thực hành chiến dịch. Những khẩu hiệu: “Chặn thật chắc, khóa thật chặt, cắt thật bén”, “Đi là chiến thắng, đánh là dứt điểm” thấm đến từng người, trở thành mục tiêu của phong trào thi đua giết giặc lập công rộng khắp, góp phần quan trọng vào thắng lợi.

Trong Chiến dịch Bình Giã, công tác chính trị, tư tưởng được các cấp, các lực lượng coi trọng tiến hành thường xuyên, có hiệu quả, bám sát từng nhiệm vụ, qua đó củng cố, phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ. Những vấn đề vướng mắc về công tác tư tưởng đã được bàn bạc, giải quyết với nhiều biện pháp sáng tạo, hiệu quả. Thực tiễn chiến dịch có nhiều tình huống phức tạp, ngoài dự kiến, tác động đến tâm lý chiến đấu, niềm tin chiến thắng của bộ đội, như: Ngày 2-12, địch sử dụng Tiểu đoàn 38 biệt động quân giải tỏa, quân ta đánh trả quyết liệt nhưng không tiêu diệt được chúng, phải rút ra ngoài, địch chiếm lại Bình Giã; ngày 9-12, Chi đoàn 3 thiết giáp của địch cơ động từ Bà Rịa lên giải tỏa Bình Giã lần thứ hai nhưng Trung đoàn 762 bỏ lỡ thời cơ diệt địch... Phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, Đảng ủy, BCH chiến dịch kịp thời chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng, bám sát, động viên bộ đội, nghiêm túc rút kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân chưa đánh được địch, đồng thời phát huy dân chủ quân sự, tìm ra cách đánh phù hợp, thực hiện thắng lợi các trận then chốt tiêu diệt gọn đơn vị chi đoàn thiết giáp và tiểu đoàn thủy quân lục chiến của QĐSG. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng trở thành động lực trực tiếp tạo nên những tấm gương anh dũng trong chiến đấu, như: Anh hùng Tạ Quang Tỷ, đoàn viên Nguyễn Văn Sơn, các dũng sĩ xung kích thọc sâu Lê Văn Đáp, Hoàng Đình Nghĩa… có tác dụng to lớn, góp phần đưa chiến dịch đến thắng lợi.

Hiện nay, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn, nhất là việc đối tượng tác chiến của Quân đội ta tăng cường trang bị, vũ khí công nghệ cao sẽ làm gia tăng mức độ ác liệt trong chiến đấu. Yếu tố này có tác động tới tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp giáo dục chính trị, tư tưởng, củng cố niềm tin vào mục tiêu, lý tưởng của Đảng, xây dựng và phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội. Tăng cường giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, pháp luật, chuẩn mực về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức học tập vươn lên làm chủ vũ khí, trang bị hiện đại... làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng kế hoạch thống nhất, đồng bộ, hướng vào giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, khắc phục khâu yếu, mặt yếu trong giáo dục chính trị, tư tưởng. Chủ động dự báo và định hướng tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân; chú trọng các thời điểm trước, trong, sau các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, mà trước mắt là đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI và Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Phát huy vai trò tham mưu của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị trong nâng cao chất lượng giáo dục chính trị, tư tưởng. Tăng cường theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, thù địch. Phát huy hiệu quả hoạt động, vai trò của báo chí, mạng xã hội trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, xây dựng ý chí quyết chiến, quyết thắng, củng cố bản lĩnh chính trị, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho bộ đội.

3. Chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ chức, kiên quyết thực hiện mục đích, nhiệm vụ chiến dịch

Đối tượng tác chiến của Chiến dịch Bình Giã là chủ lực QĐSG, có quân số đông, trang bị vũ khí hiện đại, vận dụng các hình thức chiến thuật mới “trực thăng vận”, “thiết xa vận”. Trong khi đó, vũ khí, trang bị của ta còn hạn chế, bộ đội chưa có kinh nghiệm chiến đấu với chiến thuật mới của địch. Với tinh thần quyết chiến, quyết thắng, các lực lượng tham gia chiến dịch đã khắc phục mọi khó khăn, tiến hành công tác chuẩn bị chu đáo, nhất là xác định phương án tác chiến và chuẩn bị vật chất hậu cần, kỹ thuật.

Qua nghiên cứu, ta chọn địa bàn các tỉnh Bà Rịa-Bình Tuy-Long Khánh-Biên Hòa để mở chiến dịch. Đây là khu vực bàn đạp quan trọng cho lực lượng của Mỹ từ hướng biển vào triển khai; nơi địch thiết lập căn cứ hậu phương để tiến công các địa bàn xung quanh, nhưng do chủ quan là đã bình định xong nên chúng chủ yếu bố trí lực lượng bảo an và dân vệ để bảo vệ. Tiến công vào khu vực này, ta đã đánh vào nơi sơ hở, mỏng yếu của địch, tạo điều kiện phát triển phong trào quần chúng và đẩy mạnh chiến tranh du kích, đồng thời bảo đảm “nắm chắc phần thắng cả về mặt chiến thuật và chiến dịch, chiến lược”(6). Sau khi cân nhắc, BCH chiến dịch chọn ấp chiến lược Bình Giã, mục tiêu có giá trị về quân sự và nhạy cảm về chính trị, để “đánh điểm” khêu ngòi, buộc địch phải cơ động ứng cứu giải tỏa, tạo điều kiện cho ta “diệt viện”. Thực tiễn chứng minh phương án tác chiến của chiến dịch là chính xác: Cả 3 lần ta tiến công Bình Giã, địch đều sử dụng chủ lực cơ động giải tỏa, ta thực hiện thành công các trận then chốt tiêu diệt lớn sinh lực địch ngoài công sự.

Tinh thần quyết chiến, quyết thắng còn được phát huy trong công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật. Theo đó, Đảng ủy, BCH chiến dịch đã vận dụng nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo để hoàn thành vượt mức kế hoạch bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, tạo điều kiện trực tiếp cho các lực lượng chiến đấu thắng lợi. Nét đặc sắc trong công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật của Chiến dịch Bình Giã là: “Không có vũ khí thì tải vũ khí đến mà đánh, không có lương thực thì tạo ra lương thực mà dùng”(7). Về hậu cần, bằng việc triển khai đồng bộ nhiều hình thức thu mua, vận động nhân dân hỗ trợ và rút từ vùng địch ra, chiến dịch đã huy động được 500 tấn lương thực, thực phẩm, đáp ứng đủ nhu cầu bảo đảm trong suốt quá trình tác chiến, sau khi kết thúc chiến dịch còn dư 100 tấn sẵn sàng sử dụng cho các nhiệm vụ tiếp theo. Về kỹ thuật, cùng với tận dụng 500 tấn vũ khí có sẵn ở Căn cứ Hắc Dịch, chiến dịch hiệp đồng chặt chẽ với cấp trên tổ chức vận chuyển vũ khí, trang bị từ Bến Tre lên được 18 tấn (trong đợt 1) và từ miền Bắc vào được 44 tấn (trong đợt 2), bổ sung kịp thời cho các đơn vị chiến đấu.

Công tác củng cố, kiện toàn các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, các tổ chức quần chúng được Đảng ủy, BCH chiến dịch chỉ đạo tiến hành thường xuyên và kịp thời sau từng trận chiến đấu, từng đợt chiến dịch, bảo đảm cho hoạt động lãnh đạo, chỉ huy diễn ra liên tục, vững chắc. Đây là yếu tố góp phần quan trọng vào thắng lợi, thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng của Chiến dịch Bình Giã. Do làm tốt công tác dự kiến nguồn phát triển đảng và nguồn cán bộ, nên các tổ chức lãnh đạo, chỉ huy luôn được củng cố, kiện toàn, bảo đảm tiểu đội có đảng viên, trung đội có tổ đảng, chi bộ có chi ủy; “các trung đoàn bộ binh có tỷ lệ từ 26 đến 35% là đảng viên, 48 đến 60% là đoàn viên, 80 đến 90% số cán bộ đã kinh qua chiến đấu”(8). Lãnh đạo, chỉ huy các cấp đã thường xuyên chăm lo củng cố kiện toàn tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho các tổ chức quần chúng (chi đoàn thanh niên, hội đồng quân nhân, tổ 3 người), qua đó tập hợp, cổ vũ quần chúng hành động, đoàn kết, hiệp đồng, xung kích, sáng tạo trong chiến đấu, góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch.

Giai đoạn thực hành tác chiến, tinh thần quyết chiến, quyết thắng được thể hiện thông qua sự kiên quyết, kiên trì thực hiện mục đích, nhiệm vụ chiến dịch. Dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đảng ủy, BCH chiến dịch, ta đã tổ chức nghi binh, tạo thế, cơ động lực lượng chủ lực đến khu vực quyết chiến đã lựa chọn và chuẩn bị; nắm chắc diễn biến tình hình trên các hướng chiến dịch, kịp thời điều chỉnh thế trận, lực lượng, bổ sung nhiệm vụ, hiệp đồng cho các đơn vị để thực hiện những trận đánh gối đầu, liên tiếp bằng nhiều hình thức chiến thuật, với nhiều quy mô lực lượng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đang đặt ra những yêu cầu cao, nhất là yêu cầu bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, không để bị động, bất ngờ. Thực hiện yêu cầu đó, quân đội cần nâng cao chất lượng công tác dự báo tình hình, “tích cực, chủ động chuẩn bị lực lượng đủ mạnh và các kế hoạch, phương án tác chiến cụ thể, khoa học, sẵn sàng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Tổ quốc trong mọi tình huống”(9). Bài học về phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng để chuẩn bị chu đáo mọi mặt, thường xuyên củng cố, kiện toàn các tổ chức, kiên quyết thực hiện kế hoạch của Chiến dịch Bình Giã cần nghiên cứu nghiêm túc, vận dụng sáng tạo vào quá trình xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện. Trong chuẩn bị lực lượng, các cơ quan, đơn vị cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ huy của cấp ủy, tổ chức đảng, người chỉ huy và nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.

Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm Kế hoạch và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ X, cấp ủy các cấp cần triển khai thực hiện nghiêm Kết luận số 111 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sơ đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quân đội giai đoạn mới. Tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, tập trung xây dụng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ cấp chiến lược, chiến dịch. Quán triệt và thực hiện nghiêm Quy định số 08 của Ban Chấp hành Trung ương và các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quân ủy Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên mà trước hết là cán bộ chủ trì các cấp. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, ngăn ngừa những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 765 của Quân ủy Trung ương về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013-2020 và những năm tiếp theo, làm cơ sở xây dựng, phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi trong tình hình mới. Huấn luyện bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị hiện đại; tăng cường huấn luyện đêm, huấn luyện cơ động, huấn luyện theo tình huống, diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng, diễn tập khu vực phòng thủ; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ mô phỏng vào huấn luyện, diễn tập. Coi trọng huấn luyện nâng cao, khả năng sử dụng vũ khí, trang bị linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc điểm địa hình, yêu cầu, nhiệm vụ chiến đấu làm cơ sở thực hiện tốt tư tưởng chỉ đạo dám đánh, quyết đánh, quyết thắng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

4. Phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng trên địa bàn chiến dịch

Là chiến dịch tác chiến tập trung đầu tiên của chủ lực Miền, với nhiều thành phần tham gia, nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tập trung các lực lượng thuộc quyền chiến dịch là nội dung có ý nghĩa quan trọng. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh, Quân ủy và BCH Miền đã thành lập Đảng ủy, BCH chiến dịch, gồm các cán bộ chủ chốt của các đơn vị chủ lực và một số đồng chí trong cấp ủy địa phương, bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời các lực lượng tham gia chiến dịch.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Đảng ủy, BCH chiến dịch, các lực lượng tham gia chiến dịch đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ, phát huy được sức mạnh tổng hợp trong các giai đoạn chiến dịch. Giai đoạn tác chiến tạo thế, chiến trường miền Đông và Khu 6 tăng cường hoạt động ở các khu vực xa địa bàn chiến dịch, như: Đoàn Pháo binh 80 Miền tập kích sân bay Biên Hòa, Quân khu miền Đông mở nhiều cuộc tiến công địch ở Hoài Đức, Gia Định, Tây Ninh… Những hoạt động tác chiến phối hợp đã gây cho địch tổn thất nặng nề, đồng thời phân tán đối phó của địch, buộc chúng phải căng kéo lực lượng chống đỡ khắp nơi. Tận dụng thời cơ, các đơn vị tham gia chiến dịch trên nhiều hướng bí mật cơ động về Bà Rịa, triển khai đội hình xuất phát tiến công đúng ý định, bảo đảm bí mật, tạo bất ngờ lớn cho địch.

Giai đoạn thực hành tác chiến, hai đại đội của Trung đoàn 761 hiệp đồng chặt chẽ với Đại đội 445 tỉnh Bà Rịa và hỏa lực trợ chiến để đánh chiếm, trụ lại Bình Giã, pháo kích Chi khu Đức Thạnh, tạo áp lực mạnh buộc địch phải ứng cứu giải tỏa. Nắm chắc thời cơ, Trung đoàn 761 (thiếu) và Trung đoàn 762 đã phối hợp nghi binh, tạo thế, lừa dụ địch, thực hiện thành công các trận then chốt chiến dịch tiêu diệt lớn sinh lực địch ngoài công sự. Nhân lúc địch hoang mang, Trung đoàn 762 sử dụng một phần lực lượng phối hợp cùng địa phương phá các ấp chiến lược Bình Giã, Đức Mỹ, An Phú, làm tan rã lực lượng dân vệ. Biệt động của ta ở Bà Rịa cũng tăng cường hoạt động, diệt ác, phá tề, hỗ trợ cho hoạt động tác chiến của chiến dịch phát triển thuận lợi.

Phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, cấp ủy, chính quyền các địa phương sử dụng lực lượng vũ trang tại chỗ nhổ đồn bốt, phá ấp chiến lược, phát triển chiến tranh du kích, mở rộng phạm vi hoạt động. Các hình thức đấu tranh chính trị được vận dụng linh hoạt hỗ trợ hiệu quả cho đấu tranh quân sự (hàng trăm người dân Đức Thạnh kéo lên quận lỵ đấu tranh không cho địch bắn pháo, ném bom). Nhân dân tỉnh Bà Rịa hăng hái tham gia phục vụ chiến đấu, không quản hiểm nguy mang từng suất cơm, chiếc bánh ra tận chiến hào cho bộ đội và vận chuyển thương binh, tử sĩ, đạn dược phục vụ kịp thời cho chiến dịch.

Thành công về phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ các lực lượng trong Chiến dịch Bình Giã để lại kinh nghiệm quý trong xây dựng quân đội hiện nay. Đó là, cần tiếp tục quán triệt, thực hiện đường lối, quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, xây dựng “thế trận quốc phòng toàn dân gắn kết chặt chẽ với thế trận an ninh nhân dân”(10). Tăng cường phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các cơ quan dân, chính, đảng; tổ chức, đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân trong khu vực phòng thủ trên từng địa bàn, hướng chiến lược; giữa các lực lượng lục quân, hải quân, phòng không-không quân với lực lượng tác chiến không gian mạng. Phát huy vai trò, khả năng, sở trường của bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ tạo nên sức mạnh tổng hợp trong phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng. Chú trọng “xây dựng thế trận lòng dân, tạo nền tảng vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân”(11), thực hiện tốt Nghị quyết số 49-NQ/QUTW ngày 26-1-2015 của Quân ủy Trung ương về tăng cường và đổi mới công tác dân vận của quân đội trong tình hình mới. Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” theo tinh thần Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 87, Chỉ thị số 855 của Thường vụ Quân ủy Trung ương để tăng cường hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong nhân dân, góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chiến thắng Bình Giã chỉ rõ sự thất bại tất yếu của Mỹ trên chiến trường miền Nam, như Tổng Bí thư Lê Duẩn nhận định: “Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được, đến trận Bình Giã thì Mỹ thấy sẽ thua ta trong Chiến tranh đặc biệt”(12). Bài học quý về phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch Bình Giã không chỉ được vận dụng, đem lại hiệu quả trong các chiến dịch tiếp sau của cuộc kháng chiến chống Mỹ, mà còn có giá trị to lớn đối với sự nghiệp xây dựng QĐND Việt Nam hiện nay. Đó là một cơ sở thực tiễn quý báu, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng phù hợp, góp phần xây dựng quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại… vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp sức mạnh chiến đấu, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân”(13), sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

Thượng tướng NGUYỄN TRỌNG NGHĨA (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)

-----------------------

(1) Riêng năm 1963, quân và dân miền Nam đã loại khỏi vòng chiến đấu 78.000 tên địch, phá banh, phá rã 2.895 trong tổng số 6.164 ấp chiến lược. (Dẫn theo: Bộ Quốc phòng-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954-1975, tập 3: Đánh bại chiến tranh đặc biệt, Nxb CTQG-ST, H, 2013, tr.304).

(2) Đến năm 1964, lực lượng QĐSG có gần nửa triệu tên, gồm 245.000 quân chủ lực (10 sư đoàn) và 226.000 lính bảo an… (Dẫn theo: Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử Nghệ thuật chiến dịch Việt Nam 1945-1975, Nxb QĐND, H, 1995, tr.274).

(3) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, H, 2016, tr.149.

(4) V.I.Lênin toàn tập, tập 41, Bản tiếng Việt, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.147.

(5) Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh-Viện Lịch sử Đảng, Lịch sử Biên niên Xứ ủy Nam Bộ và Trung ương Cục miền Nam (1954-1975), Nxb CTQG, H, 2002, tr.417-418.

(6) Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu-Bộ tư lệnh Quân khu 7, Chiến dịch Bình Giã-Một mốc lịch sử đáng ghi nhớ, Nxb CTQG, H, 1994, tr.51.

(7) Chiến dịch Bình Giã-Một mốc lịch sử đáng ghi nhớ, Sđd, tr.53.

(8) Tổng cục Chính trị-Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Lịch sử công tác đảng, công tác chính trị chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ 1945-1975, Nxb QĐND, H, 1998, tr.325.

(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.150.

(10) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.146.

(11) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.149.

(12) Lê Duẩn, Thư vào Nam, Nxb Sự thật, 1985, tr.69.

(13) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Sđd, tr.149.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-tinh-than-quyet-chien-quyet-thang-trong-chien-dich-binh-gia-vao-xay-dung-quan-doi-giai-doan-hien-nay-599261