Phát huy trách nhiệm nêu gương của lãnh đạo, chỉ huy các cấp ở Đảng bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế

Người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng, lãnh đạo chỉ huy các cấp có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, quyết định trực tiếp đến hoạt động, sự phát triển của cơ quan, đơn vị. Nếu người lãnh đạo, chỉ huy, đặc biệt là Bí thư cấp ủy, người đứng đầu cơ quan đơn vị có trách nhiệm, 'nói đi đôi với làm' sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực cho cán bộ chiến sỹ trong học tập, rèn luyện và công tác, đúng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: 'Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước', 'Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền'.

Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh tặng hoa chúc mừng BCH Đảng bộ phòng Cảnh sát Kinh tế nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: TƯ LIỆU

Đại tá Phan Huy Ngọc, Giám đốc Công an tỉnh tặng hoa chúc mừng BCH Đảng bộ phòng Cảnh sát Kinh tế nhiệm kỳ 2020-2025. Ảnh: TƯ LIỆU

Nhận thức rõ tầm quan trọng của trách nhiệm nêu gương, lời dạy của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất” và lời căn dặn của Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an “Lúc dân cần, lúc dân khó, có Công an”, trong những năm qua, Đảng ủy, Công an tỉnh Hà Giang luôn quan tâm việc lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước nhất là Bí thư cấp ủy, thủ trưởng, lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Đảng ủy Công an tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai các quy định về trách nhiệm nêu gương, đồng thời triển khai Quy định của Đảng ủy Công an Trung ương và Tỉnh ủy Hà Giang về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; trong đó chỉ đạo các tổ chức Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy, đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt đến cán bộ, đảng viên và tổ chức ký cam kết thực hiện.

Phòng Cảnh sát Kinh tế tặng quà học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Na Khê (Yên Minh).

Phòng Cảnh sát Kinh tế tặng quà học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học Na Khê (Yên Minh).

Với vai trò là đơn vị “chủ công”, “mũi nhọn”, “đi đầu” trong công công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Đảng ủy Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Đảng ủy Phòng Cảnh sát kinh tế) tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định cấp ủy cấp trên về trách nhiệm nêu gương, tổ chức cho 100% cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ, đơn vị ký cam kết thực hiện, trong đó xác định việc nêu gương phải trở thành việc làm “tự giác và thường xuyên”, “mọi lúc, mọi nơi”; xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ hàng đầu, mỗi cán bộ, đảng viên phải đề cao, phát huy tốt vai trò nêu gương về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, đặc biệt đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy giữ vai trò quan trọng trong thực hiện trách nhiệm nêu gương, góp phần xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Quá trình triển khai thực hiện, Đảng ủy Phòng Cảnh sát kinh tế đã đưa ra nhiều giải pháp đổi mới, sáng tạo trong công tác lãnh, chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo phương châm “rõ người – rõ việc – rõ trách nhiệm – rõ lịch trình – rõ hiệu quả” và nguyên tắc “một người làm nhiều việc, một việc do một người chủ trì và chịu trách nhiệm chính”, cụ thể: (1) Trên cơ sở nghị quyết, chương trình công tác năm của Đảng ủy Công an tỉnh, cấp ủy đơn vị đã chỉ đạo xây dựng, ban hành nghị quyết, chương trình công tác trọng tâm của Đảng bộ đơn vị, trong đó tiến hành phân công, giao chỉ tiêu công tác cụ thể, rõ ràng và ấn định lộ trình, thời gian hoàn thành cho từng cán bộ, đảng viên, đồng thời phân công lãnh đạo, chỉ huy chỉ trì, chịu trách nhiệm chính; (2) Việc giao chỉ tiêu công tác cho cán bộ chiến sĩ hàng năm của cấp ủy đơn vị đựa trên năng lực, sở trường công tác và theo chức vụ, chức danh đảm nhiệm bảo đảm không cào bằng, “chức vụ, quân hàm càng cao trách nhiệm càng lớn” với phương châm “trên nêu gương mẫu mức, dưới tích cực làm theo”; (3) Thống nhất thực hiện nghiêm chủ trương lấy chất lượng, hiệu quả công tác để phân loại, đánh giá cán bộ, phân loại thi đua và làm cơ sở để thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ; (4) Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ, trong đó hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng lãnh đạo, chỉ huy phải trực tiếp kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ, gắn trách nhiệm cá nhân vào từng công việc cụ thể; (5) Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện lý tưởng, đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ, trước nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy; (6) Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, thông qua sinh hoạt định kỳ và sinh hoạt chuyên đề, cấp ủy đơn vị kịp thời cung cấp thông tin thời sự, định hướng tư tưởng, nhận thức cho đảng viên, chú trọng đến việc đánh giá kết quả lãnh, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị trong tháng của Chi bộ, việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên được phân công, chỉ rõ ưu điểm, hạn chế và nguyên nhân, đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa, đánh giá việc thực hiện, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước nhất là Bí thư cấp ủy, thủ trưởng, lãnh đạo, chỉ huy trong đơn vị; (7) Đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua, cuộc vận động lớn trong Công an nhân dân gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/6/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn Đảng bộ, đơn vị, xây dựng hình ảnh người cán bộ Cảnh sát kinh tế trong tình hình mới “vững về chính trị pháp luật, giỏi về nghiệp vụ, nghiêm về kỷ cương, chuẩn mực về đạo đức, lối sống”; (8) Tăng cường mở rộng dân chủ, phát huy vai trò giám sát xã hội đối với hoạt động của lực lượng Cảnh sát kinh tế bảo đảm thường xuyên, nghiêm túc, hiệu quả.

Công tác lãnh, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy được cấp ủy đơn vị quan tâm chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả. Sau 3 năm triển khai các quy định về trách nhiệm nêu gương, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh covid 19 bùng phát, kinh tế của địa phương còn gặp nhiều khó khăn, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng với bề dày truyền thống, khoa học, linh hoạt trong quản lý, điều hành, sự đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm chính trị cao, Đảng bộ và cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát kinh tế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trở thành một trong nhưng đơn vị kiểu mẫu, đi đầu trong phong trào thi đua của toàn Công an tỉnh Hà Giang. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng được tăng cường. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng được nâng lên rõ rệt, phương thức lãnh đạo dần được đổi mới, sâu sát, phù hợp với thực tiễn. Tổ chức bộ máy được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Bí thư cấp ủy, người đứng đầu đơn vị, lãnh đạo chỉ huy các cấp phát huy tốt vai trò, trách nhiệm nêu gương “nói đi đôi với làm”. Trình độ, năng lực của cán bộ chiến sĩ dần được nâng lên, công tác giáo dục chính trị được tăng cường, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động quyết tâm thực hiện hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Công tác phòng chống tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu được phối kết hợp chặt chẽ với các ngành, lực lượng chức năng; chất lượng công tác nắm tình hình địa bàn được nâng cao, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu về công tác; tỷ lệ xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đạt 100%; giải quyết dứt điểm các đơn thư khiếu nại, tố cáo có liên quan đến lĩnh vực tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, không để phát sinh “điểm nóng” về ANTT. Công tác điều tra giải quyết án được chỉ đạo tăng cường; tỷ lệ điều tra, khám phá tội phạm, điều tra, khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 100%. Công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng được chỉ đạo quyết liệt, hiệu quả. Từ năm 2018 đến nay, đơn vị đã thụ lý, điều tra: 17 vụ/75 bị can về tội phạm kinh tế và tham nhũng; thực hiện tốt công tác thu hồi tài sản thiệt hại trong các vụ án tham nhũng với số tiền hơn 19 tỷ đồng. Quá trình điều tra, đơn vị đã kịp thời tham mưu cho Đảng ủy Công an tỉnh, Thủ trưởng Cơ quan CSĐT đề xuất, kiến nghị với Tỉnh ủy, Huyện ủy, UBND các huyện xem xét, xử lý đối với nhiều lượt cán bộ, đảng viên vi phạm. Công tác đoàn thể được quan tâm chỉ đạo, tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật kết hợp với các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội hướng về cơ sở với tổng giá trị quà tặng trên 500 triệu đồng. Với những thành tích đã đạt được, đơn vị đã vinh dự trong 3 năm liên tiếp 2018, 2019, 2020 được Bộ Công an tặng Cờ thi đua, trao danh hiệu “Đơn vị dẫn đầu trong phong trào thi đua cấp cơ sở”, Đảng ủy Công an tỉnh Hà Giang trao tặng danh hiệu “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu”, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng được Bộ Công an trao tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua toàn lực lượng”. Bên cạnh đó, tập thể đơn vị còn được tặng thưởng 19 bằng khen, giấy khen và 47 lượt cán bộ chiến sỹ được các cấp, các ngành khen thưởng về thành tích xuất sắc trong thực hiện thực hiện nhiệm vụ góp phần xây dựng hình ảnh đẹp về người chiến sỹ Công an nhân dân trong lòng nhân dân.

Trên cơ sở kết quả đã đạt được, Đảng ủy Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Giang rút ra một số bài học kinh nghiệm như sau:

Một là: Quán triệt thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng ủy cấp trên về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là lãnh đạo chỉ huy các cấp. Cấp ủy Đảng bộ cần có quyết tâm chính trị, có tầm nhìn, ý chí, sự cống hiến, khát vọng xây dựng và phát triển đơn vị để chỉ đạo, định hướng, xây dựng được nhiệm vụ công tác trọng tâm và giải pháp đột phá phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị, tránh giáo điều, chủ quan, duy ý chí và chạy theo thành tích.

Hai là: Cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy đơn vị phải thể hiện rõ tính gương mẫu, tinh thần tự phê bình và phê bình, ý thức trách nhiệm cao trong công việc và phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và tài năng, xứng đáng với nhiệm vụ, trách nhiệm được giao.

Ba là: Thực hiện tốt việc ký cam kết và kiểm tra kết quả việc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là lãnh đạo chỉ huy các cấp cần có nhận thức đúng và hành động cụ thể trong việc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Lấy hiệu quả công tác, kết quả rèn luyện đạo đức, lối sống, chấp hành kỷ luật, kỷ cương đơn vị làm thước đo việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, là căn cứ quan trọng để phân loại, đánh giá cán bộ và phân loại thi đua hàng năm, là cơ sở để đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ.

Bốn là: Nâng cao nhận thức về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên về việc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Cán bộ, đảng viên phải tự đặt mình trong kỷ luật của tổ chức, nghiêm túc chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy định của cơ quan, đoàn thể, phải nỗ lực, sáng tạo, tận dụng thời gian làm việc, thực sự trở thành những chiến sĩ đi đầu trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu nói riêng.

Năm là: Quan tâm, chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nói chung và kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm nêu gương. Thực hiện trách nhiệm nêu gương phải trở thành việc làm thường xuyên, hàng ngày của cán bộ, đảng viên; đồng thời là nội dung trọng tâm, thiết thực, hiệu quả đánh giá trong phong trào thi đua của đơn vị.

Sáu là: Kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực. Mỗi cán bộ, đảng viên phải nghiêm túc, thường xuyên kiểm điểm bản thân, có dũng khí đấu tranh, tự phê bình và phê bình trước cấp ủy, tổ chức Đảng, thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh, không tranh công, đổ lỗi, dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm.

Đ.Thắng - H.Đông (Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/hoc-tap-theo-bac/202109/phat-huy-trach-nhiem-neu-guong-cua-lanh-dao-chi-huy-cac-cap-o-dang-bo-phong-canh-sat-kinh-te-782353/