Phát huy truyền thống anh hùng, xây dựng huyện Đan Phượng thành quận

Hôm nay, tròn 70 năm Ngày Giải phóng huyện Đan Phượng (7/8/1954 – 7/8/2024). Tiếp nối truyền thống vẻ vang của huyện anh hùng, cán bộ, Nhân dân huyện Đan Phượng đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, xây dựng huyện đạt tiêu chí quận của Thủ đô.

Mốc son lịch sử

Theo tư liệu lịch sử của huyện Đan Phượng, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Đan Phượng bị địch chiếm đóng lâu dài với hệ thống đồn bốt dày đặc và những cuộc càn quét liên miên, đánh phá ác liệt. Chúng quyết đánh chiếm và bình định bằng được Đan Phượng để dùng đây là bàn đạp đánh rộng ra vùng tự do phía Tây TP Hà Nội rồi đánh lên Việt Bắc nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

Dân quân xã Liên Trì và xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng luyện tập quân sự sẵn sàng chiến đấu năm 1949. Ảnh tư liệu

Dân quân xã Liên Trì và xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng luyện tập quân sự sẵn sàng chiến đấu năm 1949. Ảnh tư liệu

Trước những khó khăn đó, cán bộ và Nhân dân Đan Phượng vẫn trước sau một lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc, luôn bám đất, bám dân, lãnh đạo phong trào cách mạng, tổ chức chống các đợt càn của địch, đánh đuổi thực dân Pháp làm nên chiến thắng ở chợ Gốc Ngô, diệt bốt Thọ Lão, Bồng Lai, chiến thắng khu Gối (Tân Hội, Tân Lập), binh vận bốt La Thạch… Phong trào kháng chiến của Nhân dân Đan Phượng đã hòa nhịp cùng các chiến trường, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.

Ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi đã cổ vũ Nhân dân Đan Phượng đứng lên đấu tranh tiêu diệt địch. Ngay sau đó, bốt Thọ Lão, đồn Bồng Lai bị ta tấn công, địch hoảng sợ, co cụm tại bốt Phùng, La Thạch, Lai Xá, Hạ Trì. Đồng thời, cán bộ, du kích Đan Phượng đến từng gia đình ngụy binh vận động họ lên bốt kêu gọi chồng con trở về, chống địch bắt lính, bắt phu, tổ chức cho thanh niên sang vùng tự do gia nhập bộ đội.

Khi Hiệp nghị Giơnevơ được ký kết, tình hình địch ngày càng hỗn loạn. Bộ đội, du kích mở nhiều trận phục kích, tập kích quân địch. Thấy nguy cơ bị tiêu diệt, địch tiếp tục co cụm lại. Trong hai ngày 25 và 26/7/1954, địch lần lượt rút hết ở các bốt để tập trung ở bốt Phùng, bốt Hạ Trì và bốt Trung Kiên. Ngày 27/7, chúng lại phải rút quân về bốt Phùng, bốt Cầu Bin và bốt Chèm. Các ban tề hoàn toàn tan rã. Khắp nơi trong huyện Đan Phượng, bộ đội, du kích và Nhân dân ngày đêm nô nức chuẩn bị ngày giải phóng quê hương.

Ngày 7/8/1954, giặc Pháp buộc phải rút quân khỏi bốt Phùng. Bộ đội, du kích và Nhân dân trong huyện rầm rập tiến về chiếm đồn Phùng và quận lỵ. Trên đỉnh lô cốt Phùng, lá cờ đỏ sao vàng phần phật tung bay trước gió. Phố Phùng rực rỡ một màu cờ hoa. Đan Phượng hoàn toàn giải phóng. Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi vẻ vang, cùng với cả nước, Đan Phượng vững bước tiến lên trên chặng đường mới: xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Xây dựng Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh

Phát huy những thành tựu đã đạt được, trong 70 năm qua, với sự chung sức, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân địa phương, Đan Phượng đã có những bước chuyển mình vững chắc, bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Huyện đã vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang” (2000) và “Anh hùng Lao động” (2013); huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của TP Hà Nội năm 2015.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải dự Chương trình phát động triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã tại huyện Đan Phượng, tháng 3/2024.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải dự Chương trình phát động triển khai xây dựng mô hình chuyển đổi số cấp xã tại huyện Đan Phượng, tháng 3/2024.

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được huyện đặc biệt quan tâm. Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đan Phượng Nguyễn Thị Hiền cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện kết nạp Đảng cho 110 đảng viên mới, trong đó có 12 đảng viên mới là học sinh THPT, vượt 6 chỉ tiêu so với TP giao.

Đáng chú ý, huyện Đan Phượng tiếp tục chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/HU ngày 20/12/2021 của Huyện ủy về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị đến năm 2025; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao ý thức phục vụ Nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2024, tổng giá trị sản xuất ước thực hiện 10.956 tỷ đồng, đạt 50,97% kế hoạch, tăng 11,53% so với cùng kỳ. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn ước thực hiện 711,108 tỷ đồng, đạt 18,1% dự toán TP và huyện giao (bằng 212,5% so với cùng kỳ). Toàn huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều.

Huyện Đan Phượng cũng tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, xây dựng các cụm công nghiệp. Đến nay, huyện đã hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Đan Phượng (giai đoạn 2), tổ chức khởi công và chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Song Phượng diện tích 6,68ha; đang tiếp tục chỉ đạo giải phóng mặt bằng xây dựng Cụm công nghiệp Hồng Hà…

Mô hình trồng lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng.

Mô hình trồng lan công nghệ cao tại huyện Đan Phượng.

Trên địa bàn huyện Đan Phượng hiện có 2.650 doanh nghiệp, trong đó có 1.850 doanh nghiệp đang hoạt động ổn định. Đặc biệt, huyện Đan Phượng tiếp tục giữ vững và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu; tập trung hoàn thiện lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện đạt nông thôn mới nâng cao năm 2023.

Lãnh đạo huyện Đan Phượng cho biết, huyện đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các dự án chuyển tiếp năm 2023 và chuẩn bị đầu tư các dự án năm 2024. Trong đó tập trung các dự án như cải tạo, nâng cấp đường Tỉnh lộ 417 (giai đoạn 2), đường Tây Thăng Long (đoạn từ đường Vành đai 3,5 đến kênh Đan Hoài); cải tạo, nâng cấp tuyến đê Vân Cốc...

Với dự án đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô, đến nay, tổng diện tích đã thực hiện giải phóng mặt bằng qua địa bàn huyện Đan Phượng là 70,47/72,4ha, đạt tỷ lệ 97,33%. Thực hiện di chuyển 1.313/1.313 ngôi mộ (đạt tỷ lệ 100%). Huyện đã tổ chức chi trả 451,21 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng đất nông nghiệp của 1.209 hộ gia đình, với diện đất nông nghiệp đã giải phóng mặt bằng là 40,27ha, đạt tỷ lệ 100% và 10,92 tỷ đồng cho các hộ di chuyển mộ, đạt tỷ lệ 100%.

Diện mạo nông thôn mới xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ngọc Tú

Diện mạo nông thôn mới xã Song Phượng, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ngọc Tú

Đối với tiêu chí huyện thành quận, đến nay, huyện Đan Phượng đã đạt 21/31 tiêu chí; còn 10 tiêu chí chưa đạt. Đối với tiêu chí xã thành phường, đã đạt 10/16 tiêu chí, còn 6 tiêu chí chưa đạt.

Thời gian tới, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện tiếp tục thi đua, chung sức, chung lòng xây dựng Đan Phượng ngày càng giàu đẹp, văn minh. Trong đó, xây dựng kế hoạch, lộ trình, giải pháp để từng bước hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt của Đề án xây dựng huyện thành quận, xã thành phường.

Đặc biệt, Đan Phượng tập trung triển khai xây dựng đồ án Quy hoạch vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển huyện theo hướng đô thị xanh, văn minh, văn hiến. Đồng thời rà soát, hoàn thiện quy hoạch các dự án đấu giá quyền sử dụng đất, hệ thống hạ tầng giao thông khung để khai thác hiệu quả quỹ đất.

Thiên Tú

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-huy-truyen-thong-anh-hung-xay-dung-huyen-dan-phuong-thanh-quan.html