Phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, chủ động, sáng tạo, hội nhập

Ngày 14/5/1951, Chủ tịch nước đã ký Sắc lệnh số 21 đổi tên Bộ Kinh tế thành Bộ Công Thương. 70 năm qua, hòa cùng dòng chảy của lịch sử, đáp ứng từng giai đoạn phát triển của đất nước, Bộ Công Thương đã trải qua nhiều lần tách - nhập bộ máy. Nhưng, dù ở bất cứ giai đoạn nào, các thế hệ cán bộ, công nhân, viên chức và lao động ngành Công Thương cũng luôn phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản an toàn Sơn La tại Tuần hàng nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm du lịch Sơn La ở Hải Phòng năm 2020.

Các đại biểu tham quan gian hàng nông sản an toàn Sơn La tại Tuần hàng nông sản an toàn và giới thiệu sản phẩm du lịch Sơn La ở Hải Phòng năm 2020.

Ảnh: PV

Cùng với sự ra đời của ngành Công Thương cả nước, ngành Công Thương Tây Bắc được hình thành. Từ năm 1951-1962, hoạt động Công Thương trên địa bàn tỉnh Sơn La do Ủy ban Hành chính Khu Tây Bắc quản lý. Trước yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc Tây Bắc, ngày 27/10/1962, Quốc hội khóa II, Kỳ họp thứ 5 đã ra Quyết nghị thành lập lại tỉnh Sơn La. Ngày 28/12/1962, Ủy ban Hành chính Khu tự trị Tây Bắc ban hành Quyết định số 1304/QĐ về việc thành lập Ty Thương nghiệp Sơn La và Ty Công nghiệp Sơn La; năm 1983, Ty Công nghiệp đổi thành Sở Công Nghiệp, Ty Thương nghiệp đổi thành Sở Thương nghiệp, đến năm 1992, Sở Thương nghiệp thành Sở Thương mại và du lịch. Ngày 9/4/2008, Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 207/NQ-HĐND, hợp nhất Sở Công nghiệp với Sở Thương mại thành Sở Công Thương.

Trải qua các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc chống giặc ngoại xâm, với các phong trào thi đua “Vững tay búa, chắc tay súng”, “Vải không thiếu một phân, quân không thiếu một người”, “Giữ dòng điện như giữ mạch máu”, “Không sợ thiếu, chỉ sợ phân phối không công bằng”... cán bộ, công nhân viên ngành Công Thương Sơn La vừa dũng cảm chiến đấu, vừa hăng hái lao động, sản xuất, hoàn thành xuất sắc hai nhiệm vụ chính là: Xây dựng cơ sở vật chất củng cố địa phương vững chắc và góp phần vào công cuộc chi viện cho chiến trường miền Nam. Thời điểm đó, các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp còn non trẻ, quy mô nhỏ, nhưng với tinh thần “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, đã sản xuất ngày đêm, quên mình phục vụ yêu cầu quân đội, địa phương; ngành thương mại đảm đương tốt vai trò “nội trợ của xã hội” đáp ứng nhu cầu thiết yếu cho đồng bào vùng cao và nhân dân trong tỉnh, xây dựng mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán rộng khắp từ thị xã, thị tứ đến các xã, bản, đưa hàng đến phục vụ từng cơ quan, xí nghiệp, từng trận địa phòng không để đáp ứng yêu cầu sản xuất, chiến đấu và đời sống của nhân dân. Nhiều cán bộ, công nhân viên của ngành đã lên đường nhập ngũ, tham gia thanh niên xung phong, Đội Tiền tuyến, không ít người đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta làm nên những chiến thắng vĩ đại, thống nhất đất nước.

Hòa bình lập lại, nhất là trong giai đoạn đổi mới đất nước, ngành Công Thương Sơn La đã không ngừng lớn mạnh, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo ra nhiều dấu ấn. Đã huy động được các tiềm năng về vốn, kỹ thuật, lao động của các thành phần kinh tế vào hoạt động công thương, tạo cho thị trường hàng hóa trong tỉnh phong phú đa dạng, hoạt động sôi động, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của xã hội; kết quả hoạt động của ngành năm sau luôn cao hơn năm trước, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, giai đoạn 2016-2020, Sở Công Thương đã có nhiều đóng góp vào lĩnh vực công nghiệp, thương mại. Kết quả, giá trị tăng thêm trong lĩnh vực công nghiệp theo giá so sánh năm 2020 đạt 6.222 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2015, bình quân tăng 3,8%/năm. Trong đó, công nghiệp sản xuất điện và công nghiệp chế biến là 2 ngành công nghiệp chủ lực chiếm trên 90% trong cơ cấu ngành công nghiệp của tỉnh. Công nghiệp chế biến, chế tạo có sự tăng trưởng nhanh qua các năm, bình quân giai đoạn tăng 9%/năm. Chủ yếu tập trung cho chế biến hàng nông sản, tạo đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ngành nghề sử dụng nhiều lao động (như dệt may, da giày...). Tỉnh đã thu hút đầu tư được các nhà máy may mặc, sản xuất giày da tại địa bàn huyện Phù Yên, giải quyết việc làm tại chỗ khoảng trên 2.000 lao động địa phương. Một số sản phẩm công nghiệp chế biến, như: Chè, tinh bột sắn, đường, sữa, cà phê ngày một tạo thương hiệu có vị thế trên thị trường... Công nghiệp sản xuất điện tăng trưởng ổn định, bình quân giai đoạn tăng 4,8%/năm. Đến hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 52 nhà máy thủy điện vận hành phát điện, trong đó có 3 nhà máy thủy điện lớn: Thủy điện Sơn La, thủy điện Nậm Chiến I, Thủy điện Huội Quảng và 49 nhà máy thủy điện nhỏ, với tổng công suất lắp máy 3.682,9 MW.

Các đại biểu cắt băng khởi hành lô xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Các đại biểu cắt băng khởi hành lô xoài xuất khẩu sang thị trường Mỹ.

Ảnh: PV

Lĩnh vực thương mại, dịch vụ tiếp tục phát triển, thực hiện cơ cấu lại các ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng và phát triển đa dạng các sản phẩm, nhất là các sản phẩm có thế mạnh và lợi thế so sánh, có giá trị cao. Mạng lưới hạ tầng thương mại ngày càng phát triển, tăng khả năng cung ứng hàng hóa đời sống và sản xuất... Năm 2020, toàn tỉnh có 104 chợ, 1 trung tâm thương mại và 5 siêu thị. Tổng mức bán lẻ hàng hóa giữ vững đà tăng trưởng với tốc độ tăng bình quân giai đoạn là 9,94%/năm. Thị trường thương mại phát triển đa dạng, áp dụng công nghệ thông tin phát triển thương mại điện tử. Đặc biệt, ngành Công Thương tham mưu các giải pháp đồng bộ cho tỉnh để tổ chức thực hiện hiệu quả hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường khó tính; tạo dấu ấn đậm nét trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm đột phá của tỉnh là tiêu thụ, xuất khẩu nông sản.

Đến nay, tỉnh Sơn La đã có 16 sản phẩm được xuất khẩu sang 14 nước và vùng lãnh thổ, hàng năm hàng hóa được tiêu thụ ổn định, được giá, tạo thu nhập cho người dân, góp phần giải quyết việc làm, ổn định kinh tế - xã hội ở địa phương. Tổng giá trị hàng hóa tham gia xuất khẩu giai đoạn ước đạt 488,2 triệu USD, bình quân đạt 97,6 triệu USD/năm, tăng bình quân 5,3%/năm. Các hoạt động giao lưu, trao đổi, mua, bán hàng hóa tại các cửa khẩu, chợ biên giới được quan tâm thúc đẩy.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn có uy tín, năng lực, kinh nghiệm hàng đầu về chế biến, xuất khẩu nông sản đã đến đầu tư các nhà máy chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh, như: Nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh, Trung tâm chế biến, xuất khẩu nông sản của Công ty CP thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao; Nhà máy chế biến chanh leo của Công ty Nafoods Tây Bắc; Nhà máy chế biến sữa của Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk); Nhà máy chế biến rau quả và đồ uống công nghệ cao của Công ty cổ phần chế biến thực phẩm công nghệ cao của Tập đoàn TH..., tạo điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, hướng đến nền nông nghiệp phát triển bền vững

Công tác cải cách hành chính cũng được ngành tích cực thực hiện, đã công khai các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của sở đảm bảo minh bạch, giải quyết đúng quy trình, rút ngắn thời gian cho doanh nghiệp.

Phát huy những thành quả đã đạt được, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu đến năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trung bình 4,4%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa đạt khoảng 28.600 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt khoảng 7,18%/năm; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 202 triệu USD.

Trong suốt quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng tỉnh Sơn La ngày một giàu đẹp, đã có nhiều tổ chức, cá nhân ngành Công Thương được Chính phủ và các bộ, ngành, UBND tỉnh tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba; nhiều Bằng khen và các danh hiệu khen thưởng cao quý khác.

Phát huy truyền thống vẻ vang, với quyết tâm đổi mới, chủ động, sáng tạo, hội nhập, ngành Công Thương Sơn La tiếp tục tham mưu cho tỉnh đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh công nghiệp, thương mại, làm động lực và trụ đỡ cho nông nghiệp và kinh tế của tỉnh; phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của ngành; nắm vững thời cơ thuận lợi mới về nền kinh tế số, công nghiệp 4.0, hội nhập toàn cầu để vận dụng sáng tạo vào điều kiện cụ thể hoạt động của ngành, quyết tâm vượt qua những khó khăn thách thức, thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, góp phần xây dựng Sơn La trở thành tỉnh phát triển xanh, nhanh, bền vững.

Một số hình ảnh nổi bật của ngành Công Thương Sơn La

Hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La.

Hội nghị đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nông sản an toàn tỉnh Sơn La.

Nghiệm thu Đề án Khuyến công quốc gia “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ”.

Nghiệm thu Đề án Khuyến công quốc gia “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất gỗ”.

Nhiều lao động sau đào tạo nghề có việc làm ổn định tại Xí nghiệp giầy Phù Yên.

Nhiều lao động sau đào tạo nghề có việc làm ổn định tại Xí nghiệp giầy Phù Yên.

Ca làm việc của công nhân Nhà máy chế biến quả chanh leo, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc (Mộc Châu).

Ca làm việc của công nhân Nhà máy chế biến quả chanh leo, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc (Mộc Châu).

Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Mai Sơn của Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên Chi nhánh Sơn La.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn tại Mai Sơn của Công ty cổ phần tinh bột sắn Phú Yên Chi nhánh Sơn La.

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phat-huy-truyen-thong-doan-ket-doi-moi-chu-dong-sang-tao-hoi-nhap-39554