Quảng Trị phát triển logistics từ các hành lang kinh tế

Với vị trí chiến lược, Quảng Trị được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics.

Quảng Trị có vị trí chiến lược trên trục Bắc - Nam cũng như Hành lang Đông - Tây, thuận lợi để phát triển logistics Ảnh: N.T

Quảng Trị có vị trí chiến lược trên trục Bắc - Nam cũng như Hành lang Đông - Tây, thuận lợi để phát triển logistics Ảnh: N.T

Nhiều tiềm năng, lợi thế

Tỉnh Quảng Trị là nơi tập trung hầu hết mọi tuyến giao thông quan trọng của đất nước như Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt Bắc - Nam và tuyến cao tốc Bắc - Nam đang được xây dựng.

Bên cạnh đó, Quảng Trị còn là cửa ngõ ra biển (thông qua Quốc lộ 9) của Hành lang Đông - Tây (EWEC), thuộc khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS). Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để tỉnh có thể mở rộng hợp tác kinh tế trong khu vực, giao thương hàng hóa, vận tải quốc tế.

Một lợi thế lớn khác của tỉnh, đó là sở hữu 75 km đường bờ biển, có cảng Cửa Việt phục vụ vận chuyển hàng hóa trong vùng và trung chuyển quốc tế.

Ngoài ra, Quảng Trị còn có Dự án Cảng nước sâu Mỹ Thủy, diện tích hơn 685 ha, vốn đầu tư 14.234 tỷ đồng đang xây dựng, kết hợp với 2 dự án giao thông chuẩn bị triển khai là tuyến Quốc lộ 15D nối Cửa khẩu quốc tế La Lay đến cảng biển Mỹ Thủy và cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo. Trong tương lai, Quảng Trị sẽ có thêm 2 tuyến giao thông quan trọng trong việc tăng cường lưu thông hàng hóa, kết nối quốc tế theo trục Đông - Tây.

Năm 2020, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp chủ trương đầu tư Dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần và logistics Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị tại xã Hải Quế, huyện Hải Lăng. Dự án có diện tích hơn 70 ha (trong đó, diện tích khu logistics khoảng 21,94 ha), tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng.

Trong giai đoạn 2017-2021, Quảng Trị thu hút được 11 dự án đầu tư liên quan đến kho hàng ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, với tổng vốn đăng ký hơn 116 tỷ đồng.

Dù vậy, theo UBND tỉnh Quảng Trị, mặc dù được đánh giá là có nhiều lợi thế lớn về phát triển dịch vụ logistics, nhưng đến nay, ngành này vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Quy mô của các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, chủ yếu hoạt động vận chuyển hàng hóa trên tuyến vận tải quốc tế Việt Nam - Lào bằng đường bộ và chưa thực sự tham gia theo chuỗi dịch vụ vận tải đa phương thức kết hợp lưu kho, bến bãi từ nơi sản xuất đến nơi tiêu thụ.

Thu hút đầu tư vào phát triển hạ tầng logistics còn chậm. Kết cấu hạ tầng giao thông vận tải tại 2 cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và La Lay còn hạn chế, kho bãi để tập kết hàng hóa, lưu thông người và phương tiện còn nhiều bất cập, các dịch vụ phụ trợ chưa đáp ứng yêu cầu.

Cũng theo UBND tỉnh Quảng Trị, hiện nay, dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh chưa có quy hoạch chi tiết. Do đó, việc thúc đẩy phát triển logistics đồng bộ và có định hướng rõ ràng sẽ góp phần quan trọng trong việc thu hút FDI và mở rộng thị trường xuất nhập khẩu của tỉnh, góp phần đưa kinh tế tỉnh trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị khu vực Hành lang kinh tế Đông - Tây, gắn kinh tế của tỉnh với nền kinh tế cả nước và khu vực.

Xây dựng chiến lược dài hạn

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Trị thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những mục tiêu tổng quát của tỉnh là trở thành trung tâm hậu cần và trung chuyển hàng hóa của khu vực Đông Nam Á và các hành lang giao thông trong khu vực ASEAN, Tiểu vùng sông Mê Kông. Để làm được điều này, nhiệm vụ trọng tâm của Quảng Trị là tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng logistics chất lượng, hiệu quả.

Cũng theo Quy hoạch, việc phát triển ngành dịch vụ logistics của Quảng Trị gắn liền với các hành lang phát triển. Trong đó, Hành lang phát triển ven biển với trọng tâm là khai thác lợi thế cảng biển, dịch vụ logistics. Hành lang phát triển Đông - Tây dọc theo Quốc lộ 9 khai thác tiềm năng lợi thế của Hành lang quốc tế Đông - Tây, kết nối cửa khẩu Lao Bảo - Đông Hà - Cửa Việt.

Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, ông Hà Sỹ Đồng cho biết, về phương án tổ chức không gian kinh tế, ngành dịch vụ logistics sẽ được tập trung phát triển tại khu vực các huyện Cam Lộ, Gio Linh, Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay.

Trong đó, tăng cường thu hút đầu tư để xây dựng các trung tâm logistics, cảng cạn (ICD) với tổng diện tích tối thiểu 287,7 ha tại các khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như Khu kinh tế Đông Nam, Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo, Cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Cam Lộ, huyện Hải Lăng, khu vực Bắc Cửa Việt và Nam Cửa Việt, Khu công nghiệp Quán Ngang, Cảng hàng không Quảng Trị, cảng Vịnh Mốc...

Xây dựng các kho bãi hàng hóa, khu phi thuế quan, trung tâm dịch vụ với tổng diện tích tối thiểu là 1.327 ha theo nhu cầu phát triển, trong từng giai đoạn để bổ trợ, phát huy tối đa hiệu quả các trung tâm logistics trên địa bàn tỉnh. Phát triển đa dạng các loại hình vận tải, có ưu thế tại những khu vực có địa hình phức tạp như vận tải băng chuyền, vận tải đường ống.

Theo ông Hà Sỹ Đồng, bên cạnh chú trọng đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tăng cường thu hút đầu tư, Quảng Trị cũng đề xuất, kiến nghị Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển tỉnh trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa của khu vực và quốc tế.

“Quảng Trị kiến nghị các bộ, ngành Trung ương làm việc với phía Lào, Thái Lan để tháo gỡ vướng mắc, sớm đưa tuyến vận tải hành khách cố định liên vận giữa 3 nước Việt Nam - Lào - Thái Lan (tuyến Muckdahan - Savanakhet - Densavan/Lao Bảo - Quốc lộ 9 - Quốc lộ 1 - Huế - Đà Nẵng) vào hoạt động; đề xuất hỗ trợ thiết lập quan hệ hợp tác với các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan, nhằm đẩy nhanh việc triển khai xây dựng Đề án hợp tác triển khai Hành lang kinh tế Quảng Trị (Việt Nam) - Salavan (Lào) - Ubon Ratchathani (Thái Lan). Đặc biệt là hỗ trợ xây dựng Đề án phát triển khu kinh tế - thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan, cũng như Khu kinh tế La Lay - La Lay giữa hai tỉnh Quảng Trị và Salavan”, ông Hà Sỹ Đồng nói.

Ngọc Tân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/quang-tri-phat-trien-logistics-tu-cac-hanh-lang-kinh-te-d219074.html