Phát huy truyền thống 'Ra quân là chiến thắng... '

Cách đây 50 năm, ngày 19-8-1974, tại ấp Câu Ván, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, tỉnh Cần Thơ (nay thuộc tỉnh Hậu Giang), Sư đoàn 4 (Quân khu 9) được thành lập. Đây là sư đoàn chủ lực đầu tiên ở miền Tây Nam Bộ, có nhiệm vụ cơ động chiến đấu, làm nòng cốt cho việc xây dựng LLVT ba thứ quân và chiến tranh nhân dân trên địa bàn. Phát huy truyền thống 'Ra quân là chiến thắng, đánh là tiêu diệt, tiến công là giải phóng', những năm qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Thực hiện Nghị quyết 265 ngày 10-12-1975 của Quân ủy Trung ương về nhiệm vụ “Quân đội tham gia xây dựng kinh tế”, năm 1976, đội hình của Sư đoàn về đứng chân tại vùng Tứ giác Long Xuyên; có nhiệm vụ sản xuất kinh tế, cải tạo vùng đất phèn mặn tại các huyện: Hòn Đất, Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang và huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Khẩu hiệu “Khai phá đất hoang, lập công dâng Đảng” được cán bộ, chiến sĩ hăng hái thực hiện; đến cuối năm 1977, toàn Sư đoàn đã cày, cải tạo được 2.100ha đất; gieo sạ 1.558ha lúa; đào đắp 173.400m3 đất; sản xuất 60.000 viên gạch; khai thác và vận chuyển 811m3 gỗ; xây dựng 459 căn nhà và sản xuất nhiều đồ dùng sinh hoạt khác phục vụ đời sống của bộ đội, nhân dân.

 Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 (Quân khu 9) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: QUANG ĐỨC

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 4 (Quân khu 9) tuần tra bảo vệ rừng. Ảnh: QUANG ĐỨC

Trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân vui mừng kỷ niệm hai năm Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước thì chính quyền Khmer đỏ do bọn Pol Pot - Ieng Sary cầm đầu đã tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Sư đoàn đã phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị của Bộ và Quân khu, tham gia tiến công tiêu diệt địch trên hướng chủ yếu, góp phần cùng toàn quân, toàn dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot - Ieng Sary, giải phóng đất nước Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Qua 10 năm làm nhiệm vụ quốc tế, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn đã cơ động chiến đấu trên khắp các địa hình, từ đồng bằng đến miền núi, từ đô thị đến biên giới xa xôi, những địa danh như: Tà Keo, Kam Pốt; Kô Kông, Kông Pông Xom, U Đông, Đường số 3, bến đá, cao điểm 336... đã in đậm dấu chân của người lính Sư đoàn và lập nhiều chiến công đi vào lịch sử.

Thực hiện quyết định của Bộ Quốc phòng, ngày 18-5-1999, Sư đoàn thay đổi phiên hiệu thành Đoàn 4 Kinh tế-Quốc phòng. Nhiệm vụ chủ yếu là sản xuất làm kinh tế kết hợp với quốc phòng; tập trung đầu tư khai thác tiềm năng vùng Tứ giác Long Xuyên, giúp dân xóa đói, giảm nghèo; đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng và huấn luyện lực lượng dự bị động viên. Việc chuyển đổi tổ chức thành Đoàn 4 Kinh tế-Quốc phòng bước đầu đạt được những kết quả tốt, nhất là những kinh nghiệm trong công tác trồng, chăm sóc, quản lý và bảo vệ rừng. Đến ngày 16-5-2003, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập lại Sư đoàn khung thường trực, có nhiệm vụ xây dựng và huấn luyện lực lượng dự bị động viên; quản lý, chăm sóc, bảo vệ rừng theo Dự án 661 của Chính phủ. Một lần nữa Sư đoàn lại tập trung ổn định tổ chức biên chế, cho phù hợp với nhiệm vụ. Sư đoàn đã phối hợp với các địa phương tổ chức phúc tra, nắm nguồn quân nhân dự bị, sắp xếp biên chế các đơn vị dự bị động viên; mỗi năm trồng 1.000-1.300ha rừng tràm. Giai đoạn 2004-2014, mặc dù thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Sư đoàn đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Quân khu tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn tham gia phòng, chống cháy, bảo vệ rừng, đầu tư mua sắm trang bị, phương tiện phòng, chống cháy nổ, cháy rừng; thường xuyên tổ chức tuần tra, canh gác bảo đảm an toàn diện tích đất, rừng do đơn vị quản lý; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

Chặng đường lịch sử 50 năm, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, ác liệt, hy sinh là quá trình tích lũy những bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu, giúp cán bộ, chiến sĩ trưởng thành. Cho dù có lúc gặp nhiều khó khăn, gian khổ ác liệt trong chiến đấu cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn vẫn luôn một lòng kiên định, đoàn kết nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

50 năm qua, Sư đoàn 4 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng 24 Huân chương Quân công; 1.248 Huân chương Chiến công các hạng và nhiều phần thưởng cao quý khác cho tập thể và cá nhân.

Đại tá BÙI VĂN MINH, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 4

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-truyen-thong-ra-quan-la-chien-thang-790019