Phát huy truyền thống, tiếp tục xây dựng quê hương Phù Ninh phát triển toàn diện và bền vững

PTĐT - Thực hiện Nghị định số 59-NĐ/CP của Chính phủ, ngày 01/9/1999, huyện Phù Ninh được tái lập, sự kiện này đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện. Những ngày đầu tái lập, huyện gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp...

Một góc thị trấn Phong Châu sau 20 năm tái lập huyện.

Một góc thị trấn Phong Châu sau 20 năm tái lập huyện.

PTĐT - Thực hiện Nghị định số 59-NĐ/CP của Chính phủ, ngày 01/9/1999, huyện Phù Ninh được tái lập, sự kiện này đã trở thành một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của huyện. Những ngày đầu tái lập, huyện gặp nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp; kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu; đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở vừa thiếu vừa không đồng bộ; giá trị sản xuất thấp, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, huyện sớm nắm bắt chủ trương chính sách đổi mới của Đảng và Nhà nước, cùng với sự giúp đỡ của Tỉnh ủy- HĐND-UBND tỉnh, các sở, ban, ngành của tỉnh và đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện đã bền bỉ, kiên trì, vượt khó khăn và đạt được những thành quả quan trọng sau 20 năm trên con đường xây dựng, đổi mới.

Phù Ninh phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế có bước tăng trưởng khá, văn hóa-xã hội tiếp tục phát triển và có nhiều tiến bộ; quốc phòng-an ninh được giữ vững, ổn định; hệ thống chính trị vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Về kinh tế, cơ cấu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp xây dựng từ 26,71% (năm 1999) lên 54,76% (năm 2018), giảm tỷ trọng nông lâm nghiệp từ 43,8% (năm 1999) xuống 19,35% năm (2018). Đời sống nhân dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2018 đạt 45 triệu đồng. Tổng thu ngân sách trên địa bàn khi mới tái lập chỉ đạt trên 12 tỷ đồng, đến năm 2018 đạt trên 146 tỷ đồng.
Nông, lâm nghiệp thủy sản phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, có giá trị cao và bền vững. Phát triển mạnh kinh tế trang trại, gia trại, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn. Toàn huyện có 67 trang trại. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản đã phát triển tập trung quy mô lớn, hiện đại, với hình thức công nghiệp và bán công nghiệp gia tăng về số lượng, tính cạnh tranh trên thị trường. Diện tích các loại cây trồng liên tục được mở rộng; năng suất, sản lượng không ngừng được nâng lên. Sản lượng lương thực có hạt đạt từ 22.870 tấn năm 1999 lên 28.585,2 tấn năm 2018. Các loại cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày, đặc biệt là cây nguyên liệu phục vụ sản xuất giấy phát triển theo hướng thâm canh trở thành các vùng nguyên liệu phục vụ công nghiệp giấy, ưu tiên phát triển cây chè, cây ăn quả (bưởi Diễn, hồng Gia Thanh).Đặc biệt, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền, từ huyện đến cơ sở, sự vào cuộc của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay, huyện Phù Ninh đã có 8/18 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, các xã còn lại cơ bản đạt tiêu chí nông thôn mới (từ 15 đến 18 tiêu chí).

Đồng chí Bí thư Huyện ủy trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã An Đạo.

Đồng chí Bí thư Huyện ủy trao nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tại xã An Đạo.

Huyện ủy - HĐND - UBND xác định xây dựng giao thông là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chủ trương về xây dựng kết cấu hạ tầng được thực hiện hiệu quả, mang bước đột phá. Đến nay, tỷ lệ đường giao thông trên địa bàn huyện được cứng hóa đạt 66,2%. Trong đó, có 69% các đường liên thôn, trục chính quy mô mặt đường cứng hóa >5m. Kết cấu hạ tầng phát triển, tạo điều kiện cho công nghiệp phát triển. Các khu công nghiệp, làng nghề, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đã hình thành và đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn đạt 6.722.379 triệu đồng, tăng gấp 442 lần so với năm đầu tái lập huyện (15.194 triệu đồng). Trong lĩnh vực văn hóa- xã hội, ngành GD&ĐT Phù Ninh đã có nhiều bước tiến vững chắc. Hiện nay, toàn huyện có 80% trường học công lập đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ văn hóa, thông tin thể thao được đầu tư; phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao phát triển. Các di tích lịch sử - văn hóa được gìn giữ, bảo tồn, từng bước đầu tư, trùng tu, tôn tạo và phát huy tác dụng giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ, từng bước hướng đến mục tiêu vì nhân dân phục vụ. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế không ngừng lớn mạnh. 16/19 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt tỷ lệ 84,2%. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 10,05%, giảm gần 3 lần so với năm đầu tái lập huyện. Công tác đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo được quan tâm đặc biệt. Đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,74% theo chuẩn mới, giảm 15,38% so với năm 1999 (18,12%). Chế độ chính sách cho người có công và các đối tượng xã hội được đảm bảo kịp thời; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Giữ nghề truyền thống ở làng nón Gia Thanh.

Giữ nghề truyền thống ở làng nón Gia Thanh.

Trong công tác xây dựng Đảng, Huyện ủy Phù Ninh luôn tập trung lãnh đạo, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị, chăm lo xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng, nâng cao chất lượng đảng viên. Công tác phát triển Đảng được quan tâm, sau khi tái lập huyện chỉ có 5.310 đảng viên, đến tháng 6 năm 2019, Đảng bộ huyện đã có 7.340 đảng viên, sinh hoạt ở 334 chi bộ, thuộc 43 chi, Đảng bộ trực thuộc. Các cấp ủy Đảng luôn chú trọng nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật của Đảng, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) gắn với Chỉ thị số 05- CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chú trọng đổi mới hoạt động của HĐND, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của UBND các cấp, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội của huyện luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động hướng về cơ sở, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội. Vận động nhân dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần quan trọng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của huyện.Với những thành tích đã đạt được, huyện Phù Ninh đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận, tặng nhiều phần thưởng cao quý: Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp; 1 tập thể, 3 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang và 1 cá nhân được phong tặng Anh hùng lao động. Năm 2009, Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng III cho nhân dân và cán bộ huyện Phù Ninh đã có thành tích xuất sắc trong công tác từ năm 2004 - 2008 góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, cùng nhiều huân huy chương, kỷ niệm chương phần thưởng luân lưu, bằng khen, giấy khen. Chặng đường phía trước đang mở ra nhiều thời cơ, thuận lợi và cũng không ít khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Phù Ninh tiếp tục nêu cao tinh thần cách mạng, đoàn kết, thống nhất, quyết tâm thực hiện tốt ba khâu đột phá về cải cách hành chính, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh - quốc phòng để kinh tế phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; phấn đấu xây dựng quê hương Phù Ninh ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh.

Nguyễn Thị Tố Uyên TUV, Bí thư Huyện ủy Phù Ninh

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/chinh-tri/201908/phat-huy-truyen-thong-tiep-tuc-xay-dung-que-huong-phu-ninh-phat-trien-toan-dien-va-ben-vung-166373