Phát huy truyền thống trên mảnh đất anh hùng

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, chúng tôi có dịp trở lại vùng đất Thạnh Lợi - nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tân An. Quê nghèo từng là vùng trắng trong chiến tranh nay 'thay da, đổi thịt', đời sống người dân có nhiều khởi sắc.

Bia chiến thắng Đình Mương Trám - nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Thạnh Lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Bia chiến thắng Đình Mương Trám - nơi ghi dấu chiến công oanh liệt của quân và dân Thạnh Lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

Làng Thạnh Lợi ngày ấy

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong tháng 02/1930, chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Tân An được thành lập tại làng Thạnh Lợi (nay thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An) do đồng chí Huỳnh Văn Nổi làm bí thư. Cùng với việc hình thành các tổ chức Đảng, phong trào đấu tranh cách mạng ở Thạnh Lợi cũng phát triển khá mạnh. Ngay trong năm 1930, tại đây xuất hiện nhiều cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Dù phải chịu sự đàn áp khốc liệt nhưng chi bộ Đảng và phong trào cách mạng nơi đây không lúc nào đi xuống.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều cơ sở và lực lượng cách mạng nhanh chóng được xây dựng trên vùng đất này và luôn được duy trì, củng cố, phát triển dù là lúc cách mạng gặp hoàn cảnh khó khăn nhất. Nhiều thế hệ thanh niên Thạnh Lợi nối tiếp nhau lên đường tham gia kháng chiến, góp phần cùng nhân dân cả nước tạo nên những cao trào cách mạng 1930-1931, 1936-1939, cuộc Khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940 và đặc biệt là Cách mạng Tháng Tám năm 1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nằm ở vị trí chiến lược quan trọng, từng là địa bàn đứng chân của nhiều cơ quan Dân - Chính - Đảng, các đơn vị vũ trang của tỉnh, huyện, trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địch dùng mọi thủ đoạn và phương tiện đánh phá nơi đây. Đạn, bom, chất hóa học,... của kẻ thù đã biến Thạnh Lợi thành vùng đất trắng nhưng không thể đánh bại được lòng yêu nước, dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng. Trên vùng đất trắng ấy, họ vẫn bám trụ, đánh giặc cho đến ngày toàn thắng, giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Dù phải chịu nhiều tổn thất, hy sinh trong cả 2 cuộc kháng chiến nhưng quân và dân Thạnh Lợi vẫn một lòng đi theo Đảng, tin tưởng vào thắng lợi của cách mạng và chiến đấu với tinh thần quả cảm, kiên cường. Địa danh Đình Mương Trám với trận đánh tiêu diệt Tiểu đoàn biệt động quân số 38 của địch cũng đã đi vào lịch sử kháng chiến hào hùng của quân và dân ta. Với những đóng góp to lớn đó, năm 1998, quân và dân Thạnh Lợi được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”.

Xã anh hùng hôm nay

Phát huy truyền thống cách mạng của quê hương, sau khi đất nước thống nhất, nhân dân Thạnh Lợi tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, từng bước vươn lên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, lớp lớp cán bộ, đảng viên trên vùng đất Thạnh Lợi đã không ngừng trưởng thành, xây dựng tổ chức Đảng ngày càng lớn mạnh, lãnh đạo nhân dân ra sức thi đua lao động, sản xuất, hàn gắn vết thương chiến tranh. Về thăm xã Thạnh Lợi trong những ngày rợp bóng cờ hoa, lòng người phơi phới đón mùa xuân mới và mừng sinh nhật lần thứ 90 của Đảng, chúng tôi cảm nhận sự chuyển mình đi lên của vùng quê một thời nghèo khó.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức - Huỳnh Văn Thiêm cho biết, là xã điểm nên Thạnh Lợi luôn nhận được sự quan tâm của cấp trên với nhiều tỉ đồng đầu tư các công trình trọng điểm như tuyến Quốc lộ N2 qua địa bàn xã, tuyến Bình Đức - Bình Hòa Nam, khu dân cư vượt lũ, xây mới trụ sở UBND xã, trường mẫu giáo, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Các công trình điện, nước sinh hoạt, giao thông, thủy lợi cũng thường xuyên được đầu tư xây dựng, nâng cấp.

Nông thôn Thạnh Lợi đang đổi mới từng ngày

Nông thôn Thạnh Lợi đang đổi mới từng ngày

Điều đáng phấn khởi là bên cạnh sự đầu tư của Nhà nước, người dân nơi đây cũng hưởng ứng, góp sức xây dựng quê hương bằng những việc làm thiết thực. Năm 2019, nhân dân và mạnh thường quân hiến đất, đóng góp kinh phí xây dựng, duy tu, sửa chữa các công trình cầu, đường giao thông, điện chiếu sáng,... tổng giá trị trên 2,7 tỉ đồng và 300 ngày công lao động. Diện mạo nông thôn không ngừng đổi thay, đến nay, xã đạt 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Cùng với phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, Đảng bộ xã lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp để tăng thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo. Toàn xã hiện có khoảng 2.000ha chanh, cũng là cây trồng chủ lực của địa phương, trong đó có trên 300ha chanh ứng dụng công nghệ cao. Diện tích mía giảm chỉ còn khoảng 193ha. Ngoài ra, nông dân còn trồng một số loại cây khác như khóm, đu đủ, khoai mì, mai,... Nhìn chung, việc sản xuất tương đối thuận lợi, mang lại lợi nhuận khá cho nông dân.

Anh Trần Thái Sơn, ngụ ấp 5, xã Thạnh Lợi, phấn khởi bộc bạch: “Cũng nhờ chuyển đổi sang trồng chanh mà đời sống người dân khu vực này được nâng lên nhiều lắm. Hệ thống thủy lợi được nạo vét, khơi thông, đê bao được bồi đắp góp phần tháo chua, ngăn mặn, giúp người dân sản xuất hiệu quả. Cùng với đó, cầu, đường giao thông mở rộng, xây dựng kiên cố, xe tải chở nông sản có thể vào tận vườn, người dân không phải dùng xuồng, ghe vận chuyển nữa, từ đó tiết kiệm nhiều thời gian và chi phí sản xuất”.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo, giúp đỡ cho người nghèo, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng được Đảng ủy xã quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt. Hiện nay, Thạnh Lợi chỉ còn 2,3% hộ nghèo. Ông Huỳnh Văn Thiêm thông tin: “Năm 2019, xã vận động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo 1.606 phần quà, trị giá trên 580 triệu đồng. Đồng thời, vận động 760 triệu đồng để xây tặng 3 căn nhà tình nghĩa, 1 căn nhà tình thương, 9 nhà Đại đoàn kết và 1 nhà Đồng đội”.

Những kết quả tích cực trên góp phần giúp Đảng bộ xã thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu nghị quyết, giữ vững danh hiệu trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền. Bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được sắp xếp, tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Việc khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được thực hiện nghiêm túc. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ không ngừng nâng lên.

Thạnh Lợi hôm nay khoác lên mình “chiếc áo mới”, xóa dần vết tích chiến tranh. Một cuộc sống ấm no đang hiện hữu trên vùng đất trắng năm nào. Tất cả đã khẳng định sự đúng đắn trong đường lối lãnh đạo của Đảng, tô thắm thêm truyền thống của quê hương anh hùng./.

An Kỳ

Nguồn Long An: http://baolongan.vn/phat-huy-truyen-thong-tren-manh-dat-anh-hung-a89848.html