Phát huy truyền thống vẻ vang, khẳng định vai trò lãnh đạo - nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng tại Sơn La (*)
Cuối năm 1964 đầu năm 1965 chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ bị phá sản về căn bản; Mỹ chuyển sang thực hiện chiến lược “chiến tranh cục bộ”, một hình thức cao của chiến tranh thực dân kiểu mới, đưa quân ồ ạt vào miền Nam Việt Nam. Ngày 5/8/1964, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện “vịnh Bắc Bộ” tạo cớ để leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc. Tháng 02/1965, đế quốc Mỹ chính thức tiến hành cuộc chiến tranh bắn phá lần thứ nhất miền Bắc.
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng, tháng 5/1965, Đảng bộ tỉnh ra Nghị quyết chuyển công tác từ thời bình sang thời chiến, vừa xây dựng, vừa sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Ngày 14/6/1965, không quân Mỹ đã đánh phá dữ dội trung tâm kinh tế Mộc Châu, mở đầu cuộc đánh phá có tính chất hủy diệt đối với Sơn La. Từ năm 1965 đến 1968 và năm 1972, đế quốc Mỹ đã huy động gần 6.000 lần tốp máy bay đánh phá trên các địa bàn, trọng điểm bị đánh phá như cầu Tà Vài, cầu Chiềng Đông (Yên Châu), cầu Nà Hay (Thuận Châu); trung tâm hành chính ở thị xã và thị trấn; các cơ sở bệnh viện, trường học đều là mục tiêu đánh phá. Đồng thời đế quốc Mỹ tăng cường triển khai chiến tranh tâm lý, tung gián điệp, biệt kích, kích động các phần tử phản động địa phương phao tin đồn nhảm, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước... nhằm gây mất ổn định chính trị ở vùng biên giới phía Tây Bắc.
Với ý chí quyết chiến, quyết thắng giặc Mỹ xâm lược, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, quân và dân đã tổ chức chiến đấu sáng tạo, anh dũng, giành thắng lợi ngay từ trận đầu. Ngày 14/6/1965, quân và dân Sơn La đã bắn cháy, rơi trên địa bàn huyện Mộc Châu 02 máy bay giặc Mỹ, liên tiếp lập công trong những năm tiếp theo. Thành tích những ngày đầu chiến đấu đã được Bác Hồ gửi thư khen gợi, được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ luân lưu “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhì và nhiều phần thưởng cao quý cho quân và dân các dân tộc Sơn La.
Mặc dù chiến tranh diễn ra hết sức ác liệt, nhưng nhân dân các dân tộc trong tỉnh luôn đoàn kết một lòng dưới sự lãnh đạo của Đảng, vừa chủ động chiến đấu, phục vụ chiến đấu vừa đẩy mạnh sản xuất, thực hiện tốt mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, củng cố hệ thống chính vững mạnh, đảm bảo công tác đối ngoại, góp phần chi viện tiền tuyến với tinh thần “Tiền tuyến cần người Sơn La có đủ, tiền tuyến cần của Sơn La sẵn sàng” kháng chiến chống giặc Mỹ xâm lược. Từ năm 1965 đến năm 1974, toàn tỉnh đã tiễn đưa 10.949 thanh niên nhập ngũ, chiếm 38% tổng số nam nữ thanh niên, chiếm 2,7% dân số trong tỉnh (so với dân số năm 1974); lực lượng dân quân tự vệ phát triển, chiếm 13% so với dân số; bắn rơi 76 máy bay giặc Mỹ, bắt gọn 60 vụ biệt kích, thám báo. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quốc tế đối với cách mạng Lào.
Bên cạnh những mất mát, hy sinh lớn lao, Đảng bộ, chính quyền, quân, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La đã lập công xuất sắc. Ghi nhận công lao to lớn trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng và Nhà nước đã tặng Đảng bộ, quân, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La những phần thưởng cao quý, tỉnh Sơn La được tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; 9 đơn vị, 5 cá nhân được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; 4 cá nhân, 4 tập thể được Nhà nước phong tặng danh hiệu: Anh hùng Lao động. Đảng và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tặng Huân chương Tự do - Huân chương cao quí nhất cho Đảng bộ, quân và dân tỉnh Sơn La.
4. Sơn La trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện
Năm 1975, sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước thống nhất, cách mạng Việt Nam bước sang thời kỳ mới - thời kỳ xây dựng xã hội chủ nghĩa trên cả nước.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1980), Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sơn La lần thứ IV (năm 1976), lần thứ V (năm 1977), lần thứ VI (năm 1980) và lần thứ VII (1983), trong 10 năm (1976 - 1985) phấn đấu, tỉnh Sơn La đã giành được những thành tựu trên các lĩnh vực, duy trì, giữ vững ổn định đời sống nhân dân, tạo tiền quan trọng để bước vào thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.
Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) khởi xướng công cuộc đổi mới với bốn nội dung trọng tâm:“đổi mới chủ trương, đổi mới tổ chức, đổi mới cán bộ, đổi mới phong cách lãnh đạo và công tác”, đưa đất nước vượt qua khó khăn, phá thế bao vây cấm vận, tiếp tục phát triển.
Sơn La những năm đầu bước vào thực hiện công cuộc đổi mới gặp không ít khó khăn, thách thức mới nảy sinh. Là tỉnh có khoảng 80% lao động sản xuất nông nghiệp, nhưng có khoảng 40 ngàn người bị đứt bữa; gần 10 ngàn lao động trong tỉnh không có việc làm ổn định. Công cuộc di dân tái định cư vùng lòng hồ sông Đà để xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình là một thách thức lớn, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân 22 xã thuộc 7 huyện nằm dọc hai bên bờ sông Đà. Diện vận động định canh, định cư trong toàn tỉnh chiếm 42% dân số.
Phát huy truyền thống Sơn La anh hùng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Chấp hành Đảng bộ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, sau 35 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Sơn La đã vượt lên mọi khó khăn, thách thức, giành được những thành quả to lớn về mọi mặt, là tỉnh đạt tổng sản phẩm (GRDP) cao thứ 5/14 tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ (năm 2020). Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2020 (theo giá hiện hành) đạt 55.300,310 tỷ đồng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng, dịch vụ; giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản. Trong 20 năm (2000 - 2020), tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm từ 60,96% xuống còn 25,5%; công nghiệp - xây dựng tăng từ 9,49% lên 28,71%; dịch vụ tăng từ 29,55% lên 38,74%. GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt 44,1 triệu đồng/người/năm.
(còn nữa)
Nguồn: Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy
(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt