Phát huy truyền thống vẻ vang, ngành tuyên giáo góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI
Cách nay 93 năm, ngày 01/8/1930, Ban Cổ động và Tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam xuất bản tài liệu lịch sử 'Ngày Quốc tế đỏ'. Căn cứ sự kiện lịch sử này, năm 1999, Thường vụ Bộ Chính trị (khóa VIII) đã lấy ngày 01/8 hàng năm là ngày Truyền thống công tác tuyên giáo của Đảng. Đây là dịp để khẳng định và tôn vinh những thành quả, những đóng góp của công tác tuyên giáo cũng như đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo của Đảng qua các thời kỳ cách mạng.
Mỗi năm vào dịp này, chúng ta luôn nhớ đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng biết ơn vô hạn. Bác là người cộng sản đầu tiên đã truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam, là người vạch ra đường hướng cơ bản của cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là người trực tiếp tuyên truyền, giáo dục và huấn luyện cán bộ, chuẩn bị mọi mặt về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ để đi đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Điều đó khẳng định, Chủ tịch Hồ Chí Minh và những chiến sĩ cộng sản đầu tiên cũng chính là những cán bộ tư tưởng đầu tiên của Đảng. Người đã cùng các đồng chí lãnh đạo của Đảng trực tiếp lãnh đạo và hoạt động trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa.
Mười lăm năm vận động cách mạng (1930 - 1945) để đi đến thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại và sự đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á - thực chất là những năm tháng mà những chiến sĩ cộng sản đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, tiến hành hoạt động tư tưởng trong quần chúng, gắn bó máu thịt với Nhân dân để giác ngộ, rèn luyện, động viên, tập hợp, tiến tới tổ chức Nhân dân đứng lên làm cách mạng,, đánh đổ thực dân, phong kiến, giành độc lập, tự do,.. .Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, của đường lối độc lập, tự chủ, đầy sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, đồng thời cũng là thành tựu vô cùng to lớn của công tác tuyên giáo của Đảng.
Trải qua 30 năm kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 - 1975), cùng với quân, dân cả nước, đội ngũ những người làm công tác tuyên giáo đã tỏ rõ lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ. Đã xuất hiện hàng trăm tấm gương anh hùng, đã có hàng nghìn cán bộ tuyên giáo của Đảng từ Trung ương đến cơ sở, cán bộ trường Đảng, trường chính trị, cơ quan báo chí, phát thanh, các nhà văn, nhà nhiếp ảnh, quay phim, diễn viên các đoàn văn công, đội viên các đội thông tin tuyên truyền, đội chiếu phim,... đã anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ.
Đoàn công tác Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đến viếng phần mộ của Liệt sĩ Dương Công Thiện (quê quán xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh), Tổ trưởng Nhiếp ảnh cơ quan thông tấn báo chí Trà Vinh, hy sinh ngày 20/6/1972).
Trong hơn 48 năm qua, kể từ tháng 5/1975 đến nay, vượt qua những khó khăn, thách thức, đặc biệt trong điều kiện đất nước bị bao vây, cấm vận, phải đương đầu với hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, kinh tế - xã hội có thời điểm bị rơi vào khủng hoảng trầm trọng; bên cạnh sự thoái trào của phong trào cách mạng thế giới sau sự sụp đổ của các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, Liên Xô và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng chiến lược “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, đã có những tác động tiêu cực đến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và Nhân dân.
Kế tục truyền thống và kinh nghiệm, từ năm 1986, Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, tổ chức thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Công tác tuyên giáo giai đoạn này đã trực tiếp góp phần hình thành, xác định và phát triển đường lối đổi mới, nổ lực tìm tòi các sáng kiến của cán bộ, đảng viên và Nhân dân để khẳng định, cổ vũ và đưa vào cuộc sống, củng cố niềm tin và lý tưởng, khơi dậy sức sáng tạo của Nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp, đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, làm nên những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử như Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống Nhân dân cả về vật chất lẫn tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày hôm nay([1]).
Những năm gần đây, công tác tuyên giáo có nhiều đổi mới trong việc nghiên cứu lý luận; triển khai, học tập Nghị quyết của Đảng theo hướng nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; nâng cao chất lượng báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ, mở rộng tuyên truyền, thông tin đối ngoại, nắm bắt và định hướng dư luận xã hội, đi sâu đi sát cơ sở; tăng cường công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác bác các quan điểm, sai trái, thù địch, đặc biệt là trên không gian mạng, thực hiện tốt phương châm“Đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”.
Đối với tỉnh Trà Vinh, ngay sau khi các tổ chức Đảng được thành lập vào mùa Xuân năm 1930, những đảng viên của Đảng đã ra sức tuyên truyền, vận động, giác ngộ cách mạng cho quần chúng. Nội dung tuyên truyền, đấu tranh trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn này chủ yếu là đòi quyền lợi kinh tế trước mắt, kết hợp với khẩu hiệu đấu tranh chính trị chống thực dân, phong kiến, chống chiến tranh. Hình thức đấu tranh phong phú như: mittinh, rãi truyền đơn, treo băng cờ, đấu tranh ngăn chặn sự lùng sục của lính, qua đó tập dợt biểu dương sức mạnh của quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến tới Tổng khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám giành thắng lợi trên địa bàn tỉnh vào ngày 25/8/1945.
Giai đoạn 1945 - 1954, công tác tuyên giáo ở Trà Vinh lúc bấy giờ tập trung biên soạn các truyền đơn, biểu ngữ và các tài liệu tuyên truyền, vận động Nhân dân đứng lên chống kẻ thù xâm lược; vừa phát động xây dựng cuộc sống mới; triển khai các chủ trương của Đảng, nhiệm vụ kháng chiến ra toàn dân; tổ chức bồi dưỡng cán bộ, phát triển phong trào văn nghệ, giáo dục… Do đó, các bộ phận chuyên trách được tăng cường như: Báo chí, thông tin cổ động, văn nghệ, giáo dục… Công tác tuyên giáo đã góp phần cùng Đảng bộ và quân, dân trong tỉnh kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi.
Giai đoạn 1954 - 1960, tuy gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng cán bộ làm công tác tuyên giáo biết dựa vào dân, động viên sức mạnh quần chúng, phát huy tinh thần yêu nước, vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc mà đứng lên đấu tranh giành thắng lợi. Hướng dẫn Nhân dân đấu tranh đòi Hiệp thương Tổng tuyển cử, chống trả thù người kháng chiến cũ, chống địa chủ thu tô… đồng thời củng cố lực lượng chuẩn bị cuộc kháng chiến. Sau Đồng khởi 1960, giành thắng lợi trên chiến trường, bộ máy Tuyên giáo Trà Vinh (lúc này gọi là Tuyên - Văn - Giáo) được tăng cường và phát triển. Các Tiểu Ban chuyên trách được hình thành, do một đồng chí ủy viên Ban phụ trách, hình thành bộ máy gồm: Văn phòng Ban (văn thư, giao liên, bảo vệ, căn cứ, tiếp liệu); Tiểu Ban tuyên truyền (đội chiếu phim, đội võ trang tuyên truyền); Tiểu ban Huấn học (gồm cả Trường Đảng tỉnh); Tiểu ban Giáo dục (gồm cả Trường Nội trú Thiếu sinh quân); Tiểu ban Văn nghệ (có Tờ Văn nghệ Lửa Hồng và 02 Đoàn Văn công Ánh Hồng và Ánh Bình Minh); Tiểu ban Thông tấn báo chí (kể cả Tờ báo Anh dũng của tỉnh Đảng bộ); Nhà in Anh Dũng.
Ngành Tuyên giáo Trà Vinh luôn được tăng cường, củng cố và từng bước phát triển, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở tỉnh nhà. Những đóng góp của ngành đã góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp cho cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ. Đảng bộ, quân, dân Trà Vinh phát huy tinh thần "Toàn dân nổi dậy, đoàn kết lập công" luôn nêu cao tinh thần tự lực, tự cường trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 30/4/1975, Trà Vinh giải phóng tỉnh lỵ cùng lúc với giải phóng Sài Gòn. Trong kháng chiến chống Mỹ, ngành tuyên giáo Trà Vinh đã có gần 70 cán bộ anh dũng hy sinh.
Được biết, Nghĩa trang liệt sĩ huyện Càng Long hiện có 2.227 phần mộ anh hùng liệt sĩ, trong đó có 29 phần mộ liệt sĩ ngành tuyên giáo, tuyên huấn, thông tấn báo chí của tỉnh. (trong ảnh: Ông Bùi Quang Huy, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh thắp hương viếng anh hùng liệt sĩ (ngày 26/7/2022).
Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, cùng với các ban ngành, Ban Tuyên huấn Trà Vinh thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên truyền giáo dục, giác ngộ cách mạng cho quần chúng nhân dân. Nội dung tập trung là tuyên truyền thắng lợi, phát huy truyền thống cách mạng đã giành được, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới. Năm 1976, hai tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh hợp nhất thành tỉnh Cửu Long, Ban Tuyên huấn hai tỉnh cũng sáp nhập từ đó. Đến năm 1985, được sự lãnh đạo của Trung ương, Ban Khoa giáo, Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng sáp nhập vào Ban Tuyên huấn hình thành Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cửu Long. Tháng 5/1992, tỉnh Trà Vinh được tái lập, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh đi vào hoạt động.
Kế thừa, phát huy truyền thống của ngành, công tác Tuyên giáo tỉnh Trà Vinh tập trung tuyên truyền giác ngộ cách mạng, động viên các tầng lớp nhân dân vượt qua khó khăn, từng bước phát triển kinh tế, ổn định chính trị - xã hội. Thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy chỉ đạo công tác tuyên giáo đi vào chiều sâu, hiệu quả công tác tuyên giáo được thể hiện rõ nét trên nhiều mặt, được triển khai từ các hoạt động nghiên cứu lý luận đến tuyên truyền, cổ động, giáo dục, qua hoạt động của báo cáo viên, tuyên truyền viên, báo chí, xuất bản đến văn hóa, văn nghệ...động viên cán bộ, đảng viên và Nhân dân an tâm phấn khởi công tác, tích cực thi đua lao động sản xuất.
Thời gian qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh tham mưu cho Tỉnh ủy xây dựng chương trình hành động và ban hành nhiều văn bản quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, lý luận chính trị, báo chí, xuất bản, lịch sử truyền thống của tỉnh nhà; kịp thời thông tin định hướng cho báo chí; thông tin phục vụ cho lãnh đạo tỉnh; duy trì việc tổ chức hội nghị báo cáo viên định kỳ hàng tháng để cung cấp thông tin, tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo, quản lý nắm bắt những vấn đề mới về tư tưởng, lý luận, thực tiễn, nâng cao nhận thức, năng lực trí tuệ trong việc thực hiện nhiệm vụ. Công tác nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn lịch sử truyền thống của địa phương được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy được tổ chức học tập và quán triệt nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở; các lớp bồi dưỡng lý luận chính trị, nghiệp vụ tuyên giáo cho cán bộ, đảng viên cơ sở được tổ chức thường xuyên, thông qua học tập lý luận chính trị, đội ngũ cán bộ được nâng cao trình độ lý luận chính trị, áp dụng vào thực tiễn công tác hiệu quả hơn. Việc chủ động nắm bắt tình hình tư tưởng, dư luận xã hội kịp thời phản ánh cho cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo về công tác chính trị - tư tưởng trên địa bàn tỉnh được thực hiện tốt. Công tác tuyên giáo tích cực chủ động nắm tình hình tư tưởng, dư luận xã hội, các nguồn thông tin chống phá Đảng, Nhà nước ta của các tổ chức phản động, thù địch để kịp thời tham mưu cấp ủy định hướng tư tưởng trong cán bộ đảng viên và Nhân dân.
Ngành Tuyên giáo các cấp thực hiện tốt việc tham mưu, chỉ đạo và định hướng về các hoạt động của Đảng, Nhà nước, các ngành, địa phương, cổ động các phong trào, sự kiện quan trọng, định hướng dư luận trước những vấn đề "nóng", nổi cộm và bức xúc trong xã hội. Tham mưu với cấp ủy giải quyết đạt hiệu quả một số vấn đề mới nảy sinh có liên quan đến tư tưởng; tuyên truyền vận động các hức sắc, tín đồ các tôn giáo, đồng bào Kinh - Khmer - Hoa,... nhận thức thông suốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách về dân tộc và tôn giáo. Góp phần phát huy truyền thống đại đoàn kết các dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tạo sự đồng thuận trong chức sắc tôn giáo và đồng bào Khmer, đồng bào Hoa.
TRẦN BÌNH TRỌNG
([1]) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tập I; NXB Chính trị quốc gia sự thật, Hà Nội 2021, trang 103, 104.