Phát huy truyền thống 'Vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương' trong thời kỳ mới
Với vị trí chiến lược quan trọng
Trung tướng VŨ HẢI SẢN
Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 3
Với vị trí chiến lược quan trọng “vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Quân khu 3 luôn dũng cảm, kiên cường chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời chi viện to lớn sức người, sức của cho các chiến trường, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay từ những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, thực hiện chỉ đạo của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng về việc mở đường giao thông quân sự vào miền Nam dọc theo dãy Trường Sơn, vận chuyển hàng quân sự, đưa đón cán bộ, chiến sĩ hành quân vào chiến trường, tháng 8-1965, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 quyết định thành lập Sư đoàn 320B, với nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) bảo vệ hậu phương và huấn luyện chi viện cho các chiến trường; chỉ đạo trường lái xe quân khu đào tạo hơn 1.000 lái xe; phối hợp với Trường Lái xe 255 thuộc Tổng cục Hậu cần điều động lực lượng cán bộ, giáo viên và học viên thành lập Đoàn Vận tải 100 chuyên chở vũ khí, đạn dược trên tuyến đường Trường Sơn; tổ chức lực lượng vận chuyển vũ khí, đạn từ các tỉnh biên giới phía Bắc về các kho rồi vào các binh trạm; huy động hàng vạn thanh niên xung phong tham gia mở đường, phục vụ chiến đấu…
Giai đoạn 1965-1968 và 1972-1973, địa bàn Quân khu 3 là chiến trường ác liệt trong cuộc chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc. Với sự thông minh, tinh thần quả cảm, sáng tạo, vượt lên mọi gian khổ, hy sinh, quân và dân Quân khu 3 đã phối hợp chặt chẽ với Quân chủng Hải quân, Quân chủng Phòng không - Không quân xây dựng thế trận rộng khắp, đánh địch trên nhiều tầng, nhiều hướng, phá tan chiến dịch phong tỏa đường biển vào cảng Hải Phòng, đập tan các chiến dịch: “sấm rền”, “biển lửa”, “rồng biển” của địch, góp phần quan trọng cùng quân và dân miền Bắc làm nên một “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đi đến toàn thắng.
Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn cuối, quán triệt chủ trương của Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng, dưới ánh sáng nghị quyết của Quân khu ủy, các chủ trương, giải pháp đã được cụ thể hóa bằng những phong trào hành động cách mạng như: Toàn quân khu hướng ra tiền tuyến; toàn quân khu ra trận; thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người; “ba sẵn sàng” trong thanh niên, “ba đảm đang” trong phụ nữ, “ba nhất” trong LLVT để làm ra nhiều của cải vật chất, chi viện đắc lực sức người, sức của cho miền Nam.
Thực hiện nhiệm vụ của Trung ương Đảng, Chính phủ giao về công tác tuyển quân chi viện cho chiến trường, Quân khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu đã nhanh chóng phối hợp với các cấp ủy, chính quyền tỉnh, thành phố tập trung mọi nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu tuyển quân. Đến ngày 15-4-1975, toàn quân khu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chỉ tiêu tuyển quân cả năm, giao gọn một đợt, trong một ngày; trong đó, tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng được Chính phủ biểu dương.
Cùng với hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyển quân, Quân khu 3 còn nhanh chóng bổ sung các đơn vị chủ lực chi viện kịp thời cho các chiến trường theo sự chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Với vai trò là hậu phương chiến lược, quân và dân Quân khu 3 đã thực hiện tốt nhiệm vụ lao động, sản xuất để làm ra nhiều của cải chi viện cho chiến trường miền Nam. Cuối tháng 3-1975, Quân khu 3 tiếp tục nhận nhiệm vụ của Hội đồng chi viện tiền tuyến giao. Từ cảng Hải Phòng, những con tàu trọng tải lớn đã vượt đại dương chuyển gấp hàng hóa, vũ khí, trang bị quân sự vào các vùng dọc miền duyên hải Trung Bộ...
Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chi viện sức người, sức của cho chiến trường, trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Quân khu 3 đã chiến đấu gần 39.500 trận, bắn rơi 1.526 máy bay các loại, trong đó có 10 máy bay B-52, 2 máy bay F-111, bắt sống nhiều giặc lái; bắn chìm, bắn cháy 75 tàu chiến; rà phá, tháo gỡ gần 69 nghìn quả bom, mìn, thủy lôi. Ngoài lực lượng chủ lực chiến đấu tại chỗ, bảo vệ hậu phương, quân khu đã xây dựng lực lượng chủ lực bổ sung cho các chiến trường gồm 4 sư đoàn hoàn chỉnh, 5 khung sư đoàn, 29 trung đoàn, 1.026 tiểu đoàn, 171 đại đội, nhiều phân đội binh chủng. Quân khu cũng đào tạo, bổ sung cho chiến trường gần 30 nghìn cán bộ trung đội, tiểu đội, hơn 20 nghìn nhân viên hậu cần, kỹ thuật, y sĩ, lái xe, thông tin, báo vụ, động viên hơn 1,2 triệu thanh niên nhập ngũ, hơn 90 vạn thanh niên xung phong lên đường vào Nam chiến đấu, góp phần to lớn cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, xây đắp nên truyền thống “Đoàn kết, chủ động, sáng tạo, hy sinh, chiến thắng” của LLVT Quân khu 3.
Phát huy thành quả cách mạng, vận dụng sáng tạo những bài học lịch sử vào công cuộc đổi mới, những năm qua, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 luôn tập trung xây dựng LLVT quân khu theo hướng “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua quyết thắng gắn với thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua của các cấp, các ngành, thu được kết quả toàn diện với nhiều đột phá trên các mặt công tác. Kết quả huấn luyện hàng năm luôn bảo đảm 100% nội dung đạt yêu cầu với hơn 75% khá, giỏi. Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo hoàn thành 100% chỉ tiêu diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện. Cơ quan quân sự các cấp luôn hoàn thành tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương các mặt công tác quân sự, quốc phòng địa phương; huy động các nguồn lực to lớn với số tiền hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các công trình trọng điểm trong khu vực phòng thủ. Lực lượng dân quân, tự vệ được quan tâm xây dựng vững mạnh, rộng khắp, lực lượng dự bị động viên hùng hậu. Chất lượng tổng hợp, trình độ, khả năng SSCĐ của các đơn vị không ngừng được nâng cao, bảo đảm LLVT quân khu luôn nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống “vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương” trong giai đoạn cách mạng mới./.