Phát huy truyền thống, xây dựng Phù Cừ giàu mạnh, văn minh

Ngày 24.2.1997, Chính phủ ra Nghị định số 17-CP về việc tách huyện Phù Tiên thành hai huyện Phù Cừ và Tiên Lữ theo địa giới hành chính trước khi hợp nhất. Sau một thời gian ngắn chuẩn bị, ngày 2.5.1997, huyện Phù Cừ long trọng tổ chức buổi lễ tái lập huyện. Trải qua ¼ thế kỷ, vượt qua không ít khó khăn, thử thách, huyện Phù Cừ đã vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, với những chủ trương, chính sách đúng, phù hợp thực tiễn cùng tinh thần quyết tâm cao, chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, huyện Phù Cừ đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Khởi sắc quê hương Phù Cừ

Nhớ lại những ngày đầu mới tái lập, lúc bấy giờ Phù Cừ được xem là một trong những huyện khó khăn của tỉnh. Cuộc sống của người dân phụ thuộc rất lớn vào sản xuất nông nghiệp nhưng lĩnh vực nông nghiệp lại mang nặng tính độc canh cây lúa. Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp còn nhỏ lẻ, thương mại - dịch vụ phát triển chưa đáng kể; đất đai, tài nguyên của huyện chưa được khai thác đúng mức, nguồn nhân lực trong Nhân dân chưa được phát huy, mặt bằng dân trí chưa theo kịp với yêu cầu phát triển mới, đội ngũ cán bộ vừa thiếu lại vừa yếu về năng lực và kinh nghiệm.

Đứng trước bộn bề khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Đảng bộ, quân và dân huyện Phù Cừ đã đồng tâm hiệp lực, đoàn kết một lòng, biến nguy thành cơ. Sau 25 năm tái lập, huyện Phù Cừ tự hào khoác trên mình diện mạo mới, khang trang hơn, giàu đẹp hơn.

Xuất phát điểm từ huyện thuần nông, vì thế, ngay từ những ngày đầu tái lập, huyện Phù Cừ xây dựng nhiều chương trình, đề án ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp như: Chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; chương trình dồn thửa, đổi ruộng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới đã khiến vùng chiêm trũng Phù Cừ hoàn toàn thay da đổi thịt. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 9,6%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2021 toàn huyện đạt 62,3 triệu đồng/người/năm (tăng 32,7 lần so với năm đầu tái lập huyện). Năm 2020, huyện Phù Cừ được công nhận là huyện nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có 1 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Diện mạo của huyện có sự thay đổi nhanh chóng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật và xã hội ngày càng được hoàn thiện, nhiều tuyến giao thông mới được mở ra, là điểm sáng của tỉnh về xây dựng giao thông nông thôn mới. Những con đường đất lầy lội ngày nào được trải nhựa, những vùng trồng cây ăn quả trải dài bát ngát; những ngôi nhà cao tầng mọc lên san sát. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát huy hiệu quả với thế mạnh là cây vải và cây có múi; huyện hình thành vùng chuyên canh cây vải lai chín sớm và vải trứng Hưng Yên. Giá trị thu trên 1ha đất canh tác là 203 triệu đồng (tăng 13,5 lần so với năm 1997); nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho thu nhập cao, từ 500 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại xã Tống Trân

Cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Năm 2021, tỷ trọng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ chiếm gần 80% cơ cấu kinh tế của huyện (năm 1997 các lĩnh vực này chiếm tỷ lệ 30% trong cơ cấu nền kinh tế). Huyện triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Trần Cao - Quang Hưng và cụm công nghiệp Quán Đỏ, đồng thời ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trên địa bàn huyện.

Đi đôi với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hóa - xã hội có chuyển biến mạnh mẽ và đạt nhiều kết quả quan trọng. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo luôn đứng ở tốp đầu của tỉnh; quy mô, mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư theo hướng chuẩn hóa. Phong trào khuyến học, khuyến tài, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, hiệu quả. 98,4% số gia đình trong huyện được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa; 51/54 làng, khu phố được công nhận danh hiệu làng, khu phố văn hóa. Công tác y tế - dân số, lao động, đào tạo nghề, giải quyết việc làm có nhiều tiến bộ; cơ sở vật chất phục vụ khám, chữa bệnh được quan tâm đầu tư theo hướng chuẩn hóa. 100% số xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng và tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới trong toàn huyện là 3,17%. Công tác đền ơn đáp nghĩa, hoạt động nhân đạo từ thiện được đặc biệt chú trọng. Quốc phòng, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Hệ thống chính trị của huyện được xây dựng, củng cố vững mạnh; năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở đảng được nâng lên; hiệu lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp có sự chuyển biến rõ nét; hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn. Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở, tạo chuyển biến tích cực. Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành các nghị quyết chuyên đề nhằm tập trung giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá của địa phương. Việc quán triệt, triển khai chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước được đổi mới với các hình thức phù hợp, mang lại hiệu quả thiết thực, chú trọng cụ thể hóa nhiều vấn đề sát với thực tiễn của địa phương. Công tác tổ chức cán bộ và xây dựng tổ chức cơ sở đảng được đổi mới, có chuyển biến rõ nét. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên đạt kết quả tích cực. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được củng cố, phát triển cả về hệ thống tổ chức, đoàn viên, hội viên; tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đa dạng hóa các hình thức tập hợp Nhân dân, chú trọng hướng về cơ sở, hoạt động thiết thực. Khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo được củng cố ngày càng vững chắc. Vai trò làm chủ của Nhân dân ngày càng được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Tự hào về truyền thống quê hương và vui mừng trước những thành tựu đã đạt được sau 25 năm tái lập, mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân huyện Phù Cừ như được tiếp thêm nguồn sinh lực mới với khí thế mới, nguyện chung sức đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương Phù Cừ ngày càng giàu đẹp, văn minh. Thời gian tới, huyện Phù Cừ tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo đột phá trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tạo động lực cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tập trung chỉ đạo quyết liệt, phấn đấu đưa huyện Phù Cừ trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn, thu hút các dự án đầu tư, giải quyết việc làm, phát triển các nghề mới ở nông thôn. Phát triển toàn diện lĩnh vực văn hóa, giáo dục, giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội, củng cố sự đồng thuận xã hội, tạo động lực tinh thần cho quá trình phát triển của huyện. Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên. Giữ vững quốc phòng - an ninh, củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.

Nguyễn Văn ĐoànBí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phù Cừ

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202204/phat-huy-truyen-thong-xay-dung-phu-cu-giau-manh-van-minh-8103ec4/