Phát huy truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo
Với chủ đề 'Kỷ cương-trách nhiệm-đoàn kết-phát triển', Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, nhiệm kỳ 2022 - 2027 đã khai mạc sáng 28/11 tại Hà Nội với sự tham dự của 1.091 đại biểu.
Tại đại hội, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ, nhiệm kỳ vừa qua, toàn thể tăng ni, phật tử trong Giáo hội đã hòa hợp, nỗ lực, cố gắng vượt bậc đạt được nhiều thành tựu Phật sự quan trọng; tăng sự trang nghiêm, tăng ni đoàn kết.
Hòa thượng Thích Thiện Nhơn kêu gọi: Với truyền thống yêu nước, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục không ngừng nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp, trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm Giáo hội để vững bước trong sự nghiệp chung chăm lo cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam đồng hành cùng đất nước hướng đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập nước, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam trở thành nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.
Phát biểu tại lễ khai mạc Đại hội IX, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả tốt đẹp, những đóng góp quan trọng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ 2017-2022 vào thành tựu chung của đất nước.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, phát huy truyền thống vẻ vang, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các tăng ni đã tích cực hưởng ứng, vận động phật tử tham gia các phong trào thi đua yêu nước do các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể phát động như xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa mới, đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội, tham gia bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, phòng chống dịch bệnh... với nhiều cách làm hay, mô hình tiêu biểu.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và quyền tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, thực hiện bình đẳng giữa các tôn giáo; bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, đúng Hiến chương và điều lệ của các tôn giáo được Nhà nước công nhận.
Qua đó, giữ gìn, phát huy phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp, nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước, không ngừng chăm lo đời sống cho nhân dân, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo, chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn bổn phận của công dân đối với Tổ quốc.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch nước đề nghị Đại hội tập trung thảo luận, thống nhất ý chí và hành động của toàn thể Giáo hội để quyết tâm thực hiện thành công 12 mục tiêu tổng quát về hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ 2022-2027 đã đề ra. Xây dựng Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang nghiêm, vững mạnh, phát triển; suy tôn, suy cử các quý vị lãnh đạo trong Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự là những người tiêu biểu về đạo hạnh và năng lực, đại diện cho các hệ phái, vùng miền, xứng đáng là “thạch trụ tùng lâm”.
Thống nhất tu chỉnh Hiến chương phù hợp và đáp ứng yêu cầu hoạt động của Giáo hội trong giai đoạn mới, tiếp tục phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo, khẳng định vị thế của tổ chức Phật giáo duy nhất ở Việt Nam đại diện cho tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước, làm cơ sở để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp "Hộ quốc an dân" của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chủ tịch nước bày tỏ mong muốn, với tôn chỉ, mục đích cao cả của Phật giáo, với đường hướng hành đạo “Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội,” trong nhiệm kỳ mới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục tập trung chỉ đạo, tập hợp đoàn kết tăng, ni, phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy những truyền thống yêu nước, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam, góp phần tích cực vào đoàn kết, hòa hợp dân tộc, thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".