Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế
Đặc điểm của kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng. Trong khi đó, thị trường chứng khoán, cũng như nguồn vốn đầu tư dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ đóng góp còn hạn chế. Vì thế, các chuyên gia, doanh nghiệp khuyến nghị thực thi các giải pháp mở rộng việc tận dụng hiệu quả các nguồn vốn ngoài ngân hàng.
Đây là một nội dung được trao đổi tại Hội thảo "Phát huy và nâng cao hiệu quả các nguồn lực tài chính phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh mới" do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức ngày 23/8, tại Hà Nội.
Theo lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương: Đây là sự kiện trong chuỗi hoạt động nghiên cứu, khảo sát, tham vấn ý kiến các bên liên quan và chuyên gia nhằm có thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ xây dựng Đề án sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW (ban hành ngày 15/1/2019) của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế.
Các chuyên gia phân tích: Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cần đạt mức tối thiểu từ 6-6,5% liên tục trong vòng 20 năm tới đây. Để hỗ trợ cho mỗi bước dịch chuyển sang nấc thang mới này là các cơ chế, chính sách để huy động quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế.
Tuy nhiên, thực trạng của kinh tế Việt Nam hiện nay phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng. Trong 5 năm vừa qua, nguồn vốn ngân hàng đang chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong cơ cấu vốn của nền kinh tế, từ mức khoảng 41% năm 2019, đến tháng 6 năm nay đã tăng lên 53,4%. Trong khi đó, thị trường chứng khoán, dù đã có những bước phát triển mạnh mẽ nhưng mới chiếm khoảng 0,75% tổng nguồn vốn. Còn nguồn vốn đầu tư công, vốn FDI chỉ chiếm 16 - 17%. Vì thế, các chuyên gia, doanh nghiệp khuyến nghị cần mở rộng các nguồn vốn khác ngoài ngân hàng.
TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV cho rằng: Những tồn tại và thách thức chính của chính sách tiền tệ-tín dụng thời gian qua trở nên khó khăn hơn khi độ mở kinh tế và xu hướng chính sách tiền tệ thay đổi nhanh, đa mục tiêu. Bên cạnh đó, chất lượng tài sản, vấn đề tăng vốn của các tổ chức tín dụng còn là thách thức, ảnh hưởng đến khả năng cung ứng tín dụng; thứ ba là kênh dẫn vốn của các tổ chức tín dụng phi ngân hàng còn thấp…
Vị chuyên gia này cũng kiến nghị một số giải pháp cụ thể về chính sách tài khóa, đầu tư công, cụ thể như: Thực thi hiệu quả các chương trình, gói hỗ trợ; tổng kết, đánh giá các chương trình, gói hỗ trợ đã thực hiện; cải cách mạnh mẽ thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh để đẩy mạnh đầu tư (cả đầu tư công và đầu tư tư); sửa Luật Chứng khoán 2019, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư công...Cần đa dạng hóa nguồn vốn cho đầu tư phát triển (bao gồm đẩy mạnh cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công nhằm lan tỏa thu hút nguồn vốn khác, nâng cao hiệu quả của các loại quỹ (trong và ngoài ngân sách), đồng bộ hóa huy động nguồn lực (vật lực, nhân lực, tài lực)....
Ông Nguyễn Như Quỳnh, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: Trong giai đoạn 2021-2023, tuy tình hình kinh tế còn rất nhiều khó khăn song tổng thu ngân sách nhà nước có kết quả tích cực, đảm bảo ổn định kinh tế xã hội. Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính cũng kiên trì thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, những chính sách được ban hành đi vào cuộc sống, tạo tác động tích cực hỗ trợ người dân và doanh nghiệp vượt khó, phát triển ổn định.
Đại diện Bộ Tài chính đồng tình với quan điểm chính sách tài khóa mở rộng chỉ nên thực hiện đến hết năm nay.
"Bắt đầu từ năm 2025 mở ra một chu kỳ mới, chúng tôi không đề cập đến việc thắt chặt chính sách tài khóa mà khi một chu kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh mới bắt đầu, khi doanh nghiệp trở lại bình thường sẽ điều chỉnh chính sách trở lại bình thường. Chẳng hạn, trước đây giảm thuế giá trị gia tăng 10% về mức 8%, nay quay trở lại 10%. Đây là những vấn đề, quan điểm cần có sự đồng thuận", ông Nguyễn Như Quỳnh nói.
Đại diện doanh nghiệp tham dự Hội thảo, ông Johnathan Hạnh Nguyễn- Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chia sẻ 4 nội dung để cải thiện và nâng cao hiệu quả khai thác và sử dụng nguồn lực tài chính.
Thứ nhất là cơ chế thu hút nguồn lực từ tư nhân, thúc đẩy hợp tác công tư (PPP), nên mở rộng sang các dự án tài chính, các dự án lớn về cơ sở hạ tầng tài chính, quỹ đầu tư mạo hiểm và các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, năng lượng, công nghệ thông tin và các dự án công cộng có ý nghĩa chiến lược.
Thứ hai là có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp và tập đoàn kinh tế tư nhân tiếp cận vốn từ thị trường vốn quốc tế.
Thứ ba, cần mở rộng và cải thiện khung pháp lý để thu hút vốn ngoại: Cần xem xét mở rộng room giới hạn sở hữu và điều chỉnh các chính sách ưu đãi để thu hút các tập đoàn tài chính quốc tế lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tham gia vào việc phát triển thị trường tài chính.
"Điều này không chỉ giúp tăng cường nguồn lực mà còn mang lại công nghệ quản trị hiện đại và tri thức tài chính tiên tiến. Cuối cùng là chú trọng đến vai trò của việc thành lập trung tâm tài chính quốc tế trong việc huy động nguồn lực tài chính cho Việt Nam và cơ chế để hình thành trung tâm tài chính quốc tế", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.