Phát huy vai trò ban nữ công

Công tác nữ công là nhiệm vụ quan trọng trong hoạt động của tổ chức công đoàn để thực hiện chức năng vận động nữ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) và chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở (CĐCS).

 “Nuôi heo đất - Trao yêu thương”, một trong những phong trào thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia - Ảnh: H.T

“Nuôi heo đất - Trao yêu thương”, một trong những phong trào thu hút đông đảo nữ CNVCLĐ tham gia - Ảnh: H.T

Công đoàn Quảng Trị hiện có 642 ban nữ công quần chúng (BNCQC) với 28.216 nữ CNVCLĐ, chiếm tỉ lệ gần 50% trên tổng số CNVCLĐ toàn tỉnh. Trong đó, khu vực hành chính sự nghiệp có 556 BNCQC, khu vực doanh nghiệp có 86 BNCQC. Trong những năm qua, nữ CNVCLĐ Quảng Trị đã không ngừng phát huy vai trò, năng lực của mình trên tất cả các lĩnh vực công tác, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị, góp phần tích cực trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Xác định rõ vai trò của BNCQC trong nữ CNVCLĐ và hoạt động công đoàn, hằng năm, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp công đoàn triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình công tác nữ công, tạo điều kiện để nữ CNVCLĐ yên tâm lao động, học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện tốt quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Các cấp công đoàn, BNCQC trong tỉnh đã tích cực triển khai, nâng cao chất lượng hoạt động với nội dung và hình thức phong phú, thiết thực, trong đó chú trọng đến công tác chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho lao động nữ và nhiệm vụ chính trị từng ngành, địa phương, đơn vị.

Các cấp công đoàn trong tỉnh đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho nữ CNVCLĐ. Giúp nữ CNVCLĐ nâng cao nhận thức, tự tin khẳng định vai trò của mình trong xã hội. Phối hợp với người sử dụng lao động tạo mọi điều kiện cho nữ CNVCLĐ học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tham gia các hoạt động do đơn vị, doanh nghiệp, công đoàn tổ chức.

Các phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” được công đoàn cơ sở, BNCQC phát động sâu rộng trong nữ CNVCLĐ. Các mô hình chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng bữa ăn ca được hình thành tại các doanh nghiệp có đông CNLĐ. Các hình thức góp vốn giúp nhau phát triển kinh tế gia đình bằng chăn nuôi, làm hoa giấy, nuôi heo đất, gây quỹ giúp đỡ các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… được nữ CNVCLĐ tích cực hưởng ứng. Hằng năm, có trên 80% lao động nữ trong các đơn vị được công nhận “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Đặc biệt, có nhiều chị được các cấp, các ngành, tổ chức công đoàn tôn vinh, biểu dương, khen thưởng. Bên cạnh đó, các CĐCS thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể với những điều khoản có lợi hơn cho công nhân lao động, nhiều chế độ, chính sách dành riêng cho lao động nữ được thực hiện như hỗ trợ nuôi con nhỏ, bồi dưỡng sau thời gian nghỉ sinh, hỗ trợ tiền khám thai định kỳ, tiền xăng xe…

Đặc biệt, trong năm 2020, trước những ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhiều BNCQC đã chủ động vận động đoàn viên, CNVCLĐ chấp hành nghiêm chỉ đạo của chính quyền địa phương, không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống thiên tai. Hướng dẫn CNVCLĐ dự trữ lương thực, thực phẩm trong mùa mưa bão; huy động sức người, sức của hướng về người lao động, bà con nhân dân vùng lũ. Vận động nữ đoàn viên, người lao động tổ chức nấu và cung cấp hàng nghìn suất cơm, nước uống để kịp thời cứu trợ cho bà con nhân dân, vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ sách, vở, đồ dùng học tập, áo quần cho học sinh vùng lũ.

Để tiếp tục phát huy vai trò của nữ CNVCLĐ trong thời kỳ hội nhập và phát triển, thông qua hoạt động của BNCQC, công đoàn cấp trên cơ sở cần tập trung chỉ đạo, hướng dẫn CĐCS đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tổ chức hoạt động nữ công đạt hiệu quả cao nhất.

Theo đó, các cấp công đoàn tiếp tục quan tâm toàn diện và chỉ đạo sâu sát đối với công tác vận động nữ CNVCLĐ và hoạt động của BNCQC. Đầu tư thích đáng cho hoạt động nữ công, xây dựng và nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo để các hoạt động nữ công được tổ chức sinh động, thiết thực, phù hợp với đời sống, điều kiện làm việc của nữ CNVCLĐ.

CĐCS thường xuyên củng cố, kiện toàn BNCQC, chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống, việc làm cho nữ CNVCLĐ. Không ngừng đổi mới nội dung, hình thức hoạt động nữ công phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và tạo sức hấp dẫn, thu hút đông đảo lao động nữ tham gia. Nâng cao chất lượng phong trào “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân lao động nữ có thành tích xuất sắc. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của BNCQC trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức hoạt động nữ công. BNCQC, cán bộ nữ công phải gần gũi, sâu sát với lao động nữ, hiểu và nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nữ CNVCLĐ để kịp thời tham mưu, đề xuất với ban chấp hành CĐCS.

Nữ CNVCLĐ là một bộ phận quan trọng của giai cấp công nhân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt trong phong trào CNVCLĐ và công đoàn. Bởi vậy, nhiệm vụ vận động nữ CNVCLĐ và nâng cao chất lượng hoạt động của BNCQC có ý nghĩa quan trọng, là một trong những công tác trọng tâm của tổ chức công đoàn.

Hoàng Tuân

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=153635