Phát huy vai trò chiến sĩ mới có học vấn cao

Năm 2020, Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10, Quân đoàn 3) tiếp nhận và huấn luyện gần 500 chiến sĩ mới (CSM); trong đó, gần 20 chiến sĩ có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học. Lực lượng này đang phát huy tốt vai trò hạt nhân trong huấn luyện và xây dựng đơn vị; có nhiều hoài bão, khát vọng cống hiến cho quân đội.

 Chiến sĩ mới Nguyễn Đức Sơn giới thiệu các hoạt động của đơn vị.

Chiến sĩ mới Nguyễn Đức Sơn giới thiệu các hoạt động của đơn vị.

CSM Nguyễn Mậu Tiến ở Tiểu đội 5 (Trung đội 5, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2), quê ở xã Nghĩa Hòa, huyện Chư Păh (Gia Lai) tình nguyện nhập ngũ khi công việc, thu nhập đang ổn định. Tiến cho biết, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng nghề số 5 (Quân khu 5) với chuyên ngành công nghệ ô tô, anh đã đi làm tại một Ga-ra ô tô ở TP Đà Nẵng, thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, với ước mơ, hoài bão được học tập, rèn luyện, thử thách trong môi trường quân đội; góp kiến thức, chuyên ngành được đào tạo phục vụ quân đội lâu dài, nên anh chủ động viết đơn tình nguyện nhập ngũ. Do đã quen với môi trường học tập, rèn luyện chính quy, kỷ luật nghiêm ở Trường Cao đẳng nghề số 5 nên Tiến bắt nhịp rất nhanh với đơn vị mới. Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ, Tiến còn tích cực hỗ trợ CSM người dân tộc thiểu số (DTTS) học tập, rèn luyện hiệu quả. "Kiến thức chính trị và lý thuyết các khoa mục quân sự, hậu cần, kỹ thuật, tôi cố gắng tiếp thu, nắm bắt ngay khi cán bộ lên lớp; dành nhiều thời gian hơn để rèn luyện kỹ năng thực hành và hướng dẫn, giúp đỡ đồng đội. Có một số đồng chí tiếp thu về lý thuyết còn chậm, nhưng được hướng dẫn chu đáo, tỉ mỉ thì họ thực hành rất nhanh", Nguyễn Mậu Tiến cho biết.

Tâm sự với CSM Nguyễn Xuân Phúc, Tiểu đội 7 (Trung đội 6, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 28), quê ở xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, chúng tôi bị cuốn hút bởi cách nói chuyện chững chạc, tự tin của quân nhân này. Thì ra Phúc từng là giáo viên Trường Tiểu học xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Phúc nhập ngũ vì nghĩ rằng mình còn trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự theo luật định; hoàn thành trách nhiệm của người thanh niên với Tổ quốc trước rồi về đi dạy vẫn chưa muộn. Vào môi trường quân ngũ, mỗi khi thấy cán bộ đại đội, trung đội lên lớp giảng bài chính trị, huấn luyện quân sự, hậu cần, kỹ thuật thì anh lại nhớ giáo án, bục giảng. Nắm rõ tâm tư, nguyện vọng của Phúc, đơn vị giao cho anh làm trợ giảng và nhóm trưởng nhóm học tập để giúp đồng đội tiếp thu, ôn tập các khoa mục huấn luyện đạt hiệu quả cao. Với kiến thức, sự tự tin và nhiệt huyết của người thầy giáo, Nguyễn Xuân Phúc đã giúp ích cho đơn vị rất nhiều. Kết quả huấn luyện của Trung đội 6 nói riêng và Đại đội 6 nói chung tiến bộ nhanh, vững chắc.

Cũng ở Trung đội 6 (Đại đội 6, Tiểu đoàn 2), CSM Nguyễn Đức Sơn được đồng đội xem như người anh trong đơn vị không chỉ vì tuổi đời cao mà quan trọng hơn là trình độ, kiến thức và sự từng trải của anh. Sơn sinh năm 1995, quê ở xã Ia Nhin, huyện Chư Păh, đã tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh với chuyên ngành kỹ thuật cơ khí. Khi đang làm việc tại tỉnh Bình Phước với thu nhập hơn 8 triệu đồng/tháng thì có giấy báo khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Không do dự, anh gác lại việc riêng về khám và trúng tuyển, rồi hăng hái lên đường nhập ngũ. Nguyễn Đức Sơn, tâm sự: "Một số người cho rằng, hai năm trong quân ngũ sẽ làm mình mất đi các cơ hội phấn đấu cho công việc và sự nghiệp. Nhưng tôi lại không nghĩ như vậy, ngoài nghĩa vụ và trách nhiệm công dân thì những giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ sẽ giúp chúng tôi vững vàng hơn trong cuộc sống sau này. Thời gian hai năm sẽ qua nhanh nên tôi muốn phát huy hết kiến thức được đào tạo để cống hiến nhiều hơn cho đơn vị".

Trung tá Vũ Đức Hiếu, Chính ủy Trung đoàn 28 cho biết: "Hiện nay, tỷ lệ CSM có trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngày càng tăng, tạo ra nguồn lực trình độ cao để xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại. Chúng tôi cũng xác định CSM trình độ học vấn cao là "vốn quý" của trung đoàn. Lực lượng này không chỉ là hạt nhân trong các hoạt động của đơn vị mà còn là nguồn cán bộ của địa phương sau khi xuất ngũ". Cũng theo anh Hiếu, CSM có trình độ học vấn cao có nhiều đóng góp hiệu quả trong hỗ trợ, hướng dẫn đồng đội, nhất là CSM người DTTS tiếp thu bài học chính trị và các khoa mục huấn luyện khác. Vấn đề là đơn vị phải nắm chắc lý lịch, chuyên ngành đào tạo, sở trường, tâm tư nguyện vọng của từng người để phân công, giao nhiệm vụ phù hợp, phát huy hết khả năng của họ.

Bài và ảnh: NGUYỄN ANH SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/phat-huy-vai-tro-chien-si-moi-co-hoc-van-cao-614516