Phát huy vai trò chủ trì của Mặt trận trong hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động
Tại cuộc làm việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam diễn ra vào sáng 7/8, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường và Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã phát biểu những nội dung quan trọng kết luận cuộc làm việc.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tập hợp, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; tham gia góp ý xây dựng Đảng và giám sát cán bộ, Đảng viên. Trong đó, Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là tổ chức lãnh đạo vừa là thành viên của MTTQ Việt Nam.
Theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, trong 3 nội dung đột phá chiến lược của Đại hội Đảng lần thứ XIII thì đột phá cơ chế về quyền làm chủ của nhân dân chưa được thể hiện rõ, bởi vậy Đảng đoàn MTTQ Việt Nam mong muốn trong nội dung dự thảo văn kiện Đại hội Đảng sắp tới, cần nghiên cứu, đưa vào nội dung về cơ chế giám sát của nhân dân.
Lấy dẫn chứng tại Khoản 2, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 có nêu rõ: “Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”. Cũng tại Khoản 2, Điều 4 Hiến pháp năm 2013 đề cập: “Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”,
Đặc biệt, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2023. Luật đã cụ thể hóa đầy đủ phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Bởi vậy, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến cho rằng cần phải có cơ chế để phát huy vai trò giám sát của nhân dân nhằm thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”.
Cũng theo Chủ tịch Đỗ Văn Chiến, để đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam mong muốn, trong kế hoạch kiểm tra hàng năm của Ban Bí thư, cần có kế hoạch kiểm tra các tổ chức đảng, Đảng đoàn trực thuộc Trung ương về chấp hành Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến công tác vận động quần chúng; đồng thời hàng năm, Thường trực Ban Bí thư giao cho Đảng đoàn MTTQ Việt Nam giám sát từ 2 đến 3 chuyên đề liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, từ kết quả giám sát sẽ giúp MTTQ Việt Nam tổng hợp, báo cáo với Ban Bí thư, Bộ Chính trị về tình hình nhân dân tại thời điểm giám sát.
“Với bộ máy gồm 8 đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng và cùng với các đồng chí trong các ban xây dựng Đảng, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam sẽ hoàn thành được nội dung này”, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nêu rõ
Đề cập đến nội dung chuyển đổi số trong MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến kiến nghị, cùng với việc tập hợp, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cần bổ sung thêm cho Mặt trận nhiệm vụ lắng nghe dư luận xã hội, tổng hợp dư luận xã hội trên hệ thống phần mềm để Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tổng hợp, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư những thông tin đa chiều và “đúng với lòng dân”.
Nhấn mạnh Đảng đoàn MTTQ Việt Nam rất tin tưởng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến bày tỏ, với sự lãnh đạo của đồng chí Tổng Bí thư, nhân dân tin tưởng đất nước ta sẽ hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra để tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV thành công, đưa đất nước tiếp tục phát triển.
Kết luận cuộc làm việc, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đánh giá cao Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng các nội dung cho cuộc làm việc. Qua theo dõi, nghiên cứu tài liệu và các ý kiến thảo luận, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường ghi nhận và đánh giá cao cách làm đổi mới, có nhiều sáng tạo, đặc biệt là những kết quả của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã đạt được trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Nổi bật nhất, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã nắm chắc chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò rất quan trọng của MTTQ Việt Nam, thường xuyên nắm chắc tình hình có liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện của Mặt trận; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX trong bối cảnh hết sức khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, các cuộc xung đột trên thế giới.
“Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã xây dựng, thống nhất cao, tổ chức thực hiện ngày càng hiệu quả phương châm: Nghĩ thật, nói thật, làm thật, kết quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật”, Thường trực Ban Bí thư nêu rõ.
Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định có liên quan đến tổ chức bộ máy và hoạt động của MTTQ Việt Nam, góp phần nâng cao vai trò, vị thế, hiệu quả của công tác Mặt trận trong tình hình mới.
Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã lãnh đạo MTTQ Việt Nam triển khai thực hiện thắng lợi nhiều nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất, được các cấp, các ngành, nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Tiêu biểu, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, với chức năng, nhiệm vụ của mình, MTTQ Việt Nam đã tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp sức để thực hiện phong trào thi đua "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng, thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19". Trong bối cảnh đó, MTTQ Việt Nam đã đóng góp quan trọng trong việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm khách quan, đúng luật, tạo được sự đồng thuận trong nhân dân.
“Vừa qua, trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã có nhiều cách nghĩ, việc làm tốt không chỉ cho riêng ngày kỷ niệm mà còn là bài học kinh nghiệm để làm tốt hơn trong các sự kiện của Đảng, của đất nước trong thời gian tới, từ việc giáo dục, tuyên truyền, động viên đến thuyết phục người dân góp công, góp của, tạo nên phong trào sâu rộng trong toàn xã hội”, Thường trực Ban Bí thư ghi nhận.
Cũng theo Thường trực Ban Bí thư, trong 6 tháng đầu năm 2024, theo kế hoạch, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số 22-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về lãnh đạo Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2024 - 2029; hoàn thành cấp xã, cấp huyện, tập trung chỉ đạo các cấp trực thuộc Trung ương chuẩn bị tổ chức Đại hội X.
Đồng tình với các ý kiến thảo luận tại cuộc làm việc, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đề nghị trong thời gian tới, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam phải luôn luôn nắm chắc vị trí, vai trò rất quan trọng của MTTQ Việt Nam, tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức lãnh đạo, chỉ đạo, làm sao để giữ vững và phát huy thế mạnh của mình; khắc phục những khuyết điểm, hạn chế. Từ đó, nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, làm tốt hơn công tác giáo dục, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quán triệt, tổ chức thực hiện tốt hơn Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/11/2023, Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc; tuyên truyền Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường đề nghị, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, đề ra giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội; tiếp tục nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, trong đó triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua "Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát" trong năm 2025; tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, đẩy mạnh, phát huy vai trò chủ trì, tính chủ động của Mặt trận trong hiệp thương, phối hợp thống nhất hành động giữa các thành viên để tạo sức mạnh tổng hợp, đặc biệt là quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Mặt trận các cấp.
Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cũng đề nghị, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam tiếp tục chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan.
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường cho biết sẽ giao cho Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp, nghiên cứu, đề xuất và thông báo đến các cơ quan liên quan để tham mưu, xem xét, giải quyết.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, Chủ tịch Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam mong muốn trong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, thường xuyên trực tiếp là đồng chí Thường trực Ban Bí thư. Trên tinh thần này, Đảng đoàn MTTQ Việt Nam đoàn kết, tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, cách nghĩ, cách làm dưới sự lãnh đạo của Đảng, bám sát cơ sở, bám sát nhân dân, tạo đồng thuận xã hội, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân quyết tâm phấn đấu hoàn thành Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, xây dựng đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như bài viết rất quan trọng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã viết.