Phát huy vai trò Công đoàn tham gia thực hiện chuyển đổi số, xây dựng Thành phố thông minh

Tại Đại hội Công đoàn thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 vừa diễn ra, đại diện cho Đoàn đại biểu Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã có bài tham luận, trong đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực nhằm phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

Cấp gần 39.000 chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội

Ông Nguyễn Tiến Sỹ cho biết, Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu: Xây dựng và phát triển Thủ đô thực sự xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trái tim của cả nước; trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng truyền đạt, trao đổi, cung cấp thông tin về chuyển đổi số tại Hội nghị chuyên đề "Chuyển đổi số và trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức khối các cơ quan Thành phố" do Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội tổ chức

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Nguyễn Việt Hùng truyền đạt, trao đổi, cung cấp thông tin về chuyển đổi số tại Hội nghị chuyên đề "Chuyển đổi số và trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức khối các cơ quan Thành phố" do Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội tổ chức

Với quyết tâm cao trong thực hiện các mục tiêu, giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18/NQ-TU ngày 30/12/2022 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bên cạnh đó, Hội đồng nhân dân Thành phố đã thành lập đoàn giám sát việc thực hiện công tác cải cách hành chính gắn với việc xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số của thành phố Hà Nội và Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch số 239/KH-UBND ngày 27/9/2023 về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Theo đó, việc triển khai chuyển đổi số của thành phố Hà Nội đã đạt được một số kết quả bước đầu. Các chỉ số xếp hạng, đánh giá liên quan đến chuyển đổi số năm 2022 được nâng cao, trong đó có chỉ số Chuyển đổi số cấp tỉnh (DTI) xếp thứ 24/63 tỉnh/thành phố, tăng 16 bậc so với năm 2021.

Một số kết quả nổi bật về chuyển đổi số của Thành phố có thể kể đến là: Thành phố đã kiện toàn Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số; ban hành kế hoạch trọng tâm công tác chỉ đạo của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính chuyển đổi số thành phố Hà Nội năm 2023. Một số quy chế quan trọng của Thành phố được ban hành (Quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội; Quy chế quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng các Hệ thống thông tin hệ thống Thư điện tử thành phố Hà Nội, Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố); Danh mục dữ liệu mở của thành phố Hà Nội.

Quang cảnh một hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số do Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội tổ chức

Quang cảnh một hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số do Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội tổ chức

Một số hệ thống thông tin lớn của Thành phố đã được triển khai đến 3 cấp chính quyền: Hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp Thành phố, Hệ thống thông tin báo cáo Thành phố... Đáng chú ý, Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của Thành phố được triển khai vận hành vào ngày 11/4/2023 đã kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Hệ thống Cổng thanh toán trực tuyến quốc gia và các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu các Bộ, ngành.

Ngoài ra, hệ thống cũng đã kết nối với VNPost thực hiện tiếp nhận và trả kết quả theo hệ thống Bưu điện công ích; kết nối tổng đài, tin nhắn SMS Brandname phục vụ cho Hệ thống nhắn tin đối với người dân, doanh nghiệp khi thực hiện giải quyết các thủ tục hành chính.

Đặc biệt, Thành phố đã triển khai cấp 12.188 chữ ký số cho cán bộ, công chức thuộc Thành phố phục vụ hoạt động nghiệp vụ; tổ chức cung cấp gần 39.000 chữ ký số miễn phí cho công dân Hà Nội để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch điện tử. Thành phố cũng đã tham mưu, trình Hội đồng nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 quy định về mức phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến (mức thu bằng “không” áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện nộp hồ sơ thực hiện các dịch vụ công theo hình thức trực tuyến). Hà Nội hiện là địa phương đầu tiên trong cả nước quy định mức thu này.

Sử dụng triệt để dữ liệu số trong hoạt động Công đoàn

Cho rằng bên cạnh một số kết quả ban đầu, quá trình triển khai chuyển đổi số của Hà Nội vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc, ở góc độ là một cán bộ Công đoàn, ông Nguyễn Tiến Sỹ nhìn nhận: Tổ chức Công đoàn cần xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh Quốc gia số, chính quyền số, thành phố thông minh.

“Đây là một nhiệm vụ mới, lĩnh vực mới đòi hỏi cần thống nhất về nhận thức và tư duy, ý chí và hành động, cần nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong mỗi cơ quan, đơn vị, trong đó có tổ chức Công đoàn” - Phó Giâm đốc, Chủ tịch Công đoàn Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội nhấn mạnh. Từ quan điểm đó, lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã đề xuất một số giải pháp để phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh.

Cán bộ Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội dự tập huấn sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên

Cán bộ Công đoàn cơ sở trực thuộc Công đoàn Viên chức thành phố Hà Nội dự tập huấn sử dụng phần mềm quản lý đoàn viên

Cụ thể, theo ông Nguyễn Tiến Sỹ, trước hết, tổ chức Công đoàn cần tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, doanh nghiệp, nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh trong mọi lĩnh vực; tuyên truyền vận động công chức, viên chức, người lao động của các cơ quan, đơn vị tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng chữ ký số, hòm thư điện tử trong công tác quản lý, điều hành công việc tại các cơ quan, đơn vị; tổ chức phòng họp không giấy tờ.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phải tuân thủ thực hiện các quy chế bảo đảm an toàn thông tin mạng trong phạm vi trách nhiệm và quyền hạn được giao; tăng cường các hình thức thông tin, tương tác với người dân trong quá trình thực hiện chuyển đổi số.

Công đoàn cần phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin và chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tạo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và con người.

Cùng với đó, Công đoàn cần nghiên cứu, đề xuất phát động các phong trào thi đua thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thành phố trong các lĩnh vực: Cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, sáng kiến, sáng tạo Thủ đô... Trong đó, các phong trào cũng cần phù hợp với thời đại số, xu hướng chuyển đổi số. Xây dựng và nhân rộng các mô hình, sáng kiến, kinh nghiệm trong chuyển đổi số.

Đặc biệt, tổ chức Công đoàn cần ban hành kế hoạch, chương trình hành động của Công đoàn Thủ đô thực hiện Nghị quyết số 18 ngày 30/12/2022 của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng thành phố Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó trọng tâm là tăng cường hoạt động chuyển đổi số trong các cơ quan Công đoàn với mục tiêu đổi mới phương thức, nội dung hoạt động của tổ chức Công đoàn theo tinh thần Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới.

Công đoàn cần tham gia chuyển đổi số bằng các nội dung cụ thể như: Công tác thu thập và quản lý dữ liệu đoàn viên; công tác quản lý tài chính, tài sản Công đoàn; thiết lập các kênh truyền thông để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, lập kênh trực tuyến tiếp nhận thông tin, ý kiến đề xuất, kiến nghị, thắc mắc của đoàn viên qua đó kịp thời tư vấn, hỗ trợ người lao động góp phần chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên.

Công đoàn cần sử dụng triệt để dữ liệu số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động Công đoàn; phát huy vai trò liên kết chuyển đổi số giữa các cơ quan nhà nước của Thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, tạo hiệu ứng lan tỏa ra toàn xã hội.

Phạm Diệp (ghi)

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/phat-huy-vai-tro-cong-doan-tham-gia-thuc-hien-chuyen-doi-so-xay-dung-thanh-pho-thong-minh-161705.html